'Cơn sốt' pickleball và kinh tế thể thao
Ngày 17/10 tới đây, Cục TDTT và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế thể thao năm 2024 tại Hà Nội. Năm ngoái, ở lần đầu tiên, diễn đàn do Cục TDTT và Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp tổ chức đã đưa ra nhiều vấn đề thảo luận, bao gồm thực trạng của kinh tế thể thao (KTTT) Việt Nam qua đó tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để thể thao Việt Nam (TTVN) phát triển hiệu quả hơn từ các nguồn lực kinh tế.
Theo một thống kê, hằng năm Việt Nam có 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đó là một con số khổng lồ, cho thấy được phong trào và niềm đam mê thể thao tại Việt Nam. Thế nhưng, tỷ trọng đóng góp của kinh tế thể thao vào GDP quốc gia gần như không có, đa số các cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các đội tuyển đỉnh cao vẫn đang dựa vào ngân sách Nhà nước.
Làm sao để chuyển "lượng" (các giải thể thao) thành dòng tiền cho nền thể thao, tiến tới trở thành một thành phần kinh tế có đóng góp lớn vào GDP quốc gia, vẫn là một bài toán không lời giải.
Hãy nhìn lại giải vô địch các CLB pickleball toàn quốc 2024 vừa kết thúc ở Thái Bình ngày 12/10 vừa qua. Đây là giải đấu có tính chính thức, quy mô quốc gia đầu tiên của môn chơi mới mẻ này. Mọi thứ rất phấn khởi. Người tham gia đông, tiền thưởng tốt, nhiều nhà tài trợ và lại là môn "hot" với số lượng người tập luyện tăng lên hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể biến giải đấu này thành chuyên nghiệp được không và mất bao lâu?
Hỏi như vậy không thừa. Tất cả các giải đấu mang tính quốc gia hiện có vốn đều xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tức là điểm khởi đầu cũng như pickleball, nhưng như đã thấy, càng về sau thì lại đi vào lối mòn, không thể tạo ra một đời sống nhà nghề, có dòng tiền hoạt động mạnh mẽ như bóng đá đang làm với V-League. Phần lớn trong số 40.000 giải đấu thể thao đều có cùng một phương thức: Đến lúc thi đấu thì chỉ kiếm ra số tiền vừa vặn cho công tác tổ chức ngắn ngày, rồi ai về nhà nấy, từ VĐV đến… nhà tài trợ.
Không phải đợi đến khi Diễn đàn kinh tế thể thao được tổ chức thì khái niệm này mới được biết đến. Hồi năm 2009, đã có 28 thạc sĩ kinh tế thể thao đầu tiên của Việt Nam hoàn tất khóa học kéo dài 2 năm, trong một chương trình phối hợp đào tạo của trường Đại học TDTT 2 (Thủ Đức, TP.HCM) với Đại học Thể thao Đài Loan (Trung Quốc). Những hạt nhân khi đó, giờ chẳng biết ở đâu trong khi TTVN vẫn đang phải bắt đầu lại với những định hướng cơ bản trong việc xã hội hóa thể thao thông qua diễn đàn nói trên.
Thế nên, nhân việc pickleball bắt đầu được thừa nhận chính thức, lại cần thiết phải tính đến chuyện chuyên nghiệp cho môn chơi này. Phong trào có sôi động bao nhiêu mà ở phần đỉnh cao không có được những CLB, các VĐV sống được với môn chơi của mình thì rất khó mà phát triển.
Làm sao để giải pickleball lần 2, lần 3 các địa phương phải tranh nhau quyền đăng cai, số lượng tiền thưởng tăng lên, các CLB chuyên nghiệp cũng sẽ có thêm những gương mặt mới chứ không chỉ là những cựu tuyển thủ chuyển sang từ môn quần vợt.
Hiếm khi có một môn chơi tạo hiệu ứng nhanh, mạnh như pickleball. Đó là thuận lợi và cũng là thách thức cho việc thương mại hóa môn chơi này. Các nhà quản lý có thể thử nghiệm nhiều phương pháp kinh doanh thể thao ở giai đoạn khởi đầu của pickleball, nhưng vấn đề là liệu TTVN đã có sẵn con người để khai thác hiệu quả tiềm năng hay chưa? Bởi như đã thấy, câu chuyện về KTTT của chúng ta hiện chỉ mới dừng ở mức diễn đàn trao đổi, gợi ý. Ai làm thì… chưa biết.