'Con nhà nghèo' tái xuất càng 'nghèo' hơn
(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Con nhà nghèo (kịch bản: Viễn Hùng, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Minh Hoàng) của Kịch Hồng Vân vừa công diễn và sẽ có suất tiếp theo vào lúc 20h30 ngày 28/5 là một bản dựng khác so với năm 2011. Bản dựng lần này trẻ hóa đội ngũ diễn viên và có kết cấu gọn gàng, nhưng “nghèo” hơn về câu chuyện.
1. Nếu bản cũ có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ kì cựu như Hồng Vân, Kim Tử Long, Minh Nhí, Minh Hoàng, Anh Vũ, Lương Mỹ, Hồng Ngọc và rất nhiều diễn viên trẻ khác, thì phiên bản lần này, ngoài Anh Vũ, Trung Dũng, Minh Hoàng, Hồng Ngọc, còn lại chủ yếu là diễn viên trẻ.
Vẫn giữ màu sắc giữa bi và hài, nhưng bản dựng lần này có vẻ hiện đại hơn về tiết tấu, làm cho không khí đặc trưng của truyện Hồ Biểu Chánh thời đầu thế kỷ 20 cũng bị suy giảm ít nhiều. Nhưng bù lại, nó giúp cho ngôn ngữ kịch gần với thể loại kịch sinh hoạt sau này - dễ xem, nhiều tính giải trí hơn.
Câu chuyện vẫn là sự chèn ép, bóc lột của nhà bà Cai với nhà cô Lựu, khiến họ phải bỏ xứ ra đi. Cuối cùng thì gia đình Lựu sang trang, trở nên quyền thế một vùng, nghĩa là không ai nghèo ba họ. Thế nhưng dù giàu, dù nghèo thì luật nhân quả vẫn công minh, buộc hai gia đình phải rơi vào tình thế con cùng cha khác mẹ đi hỏi cưới nhau. Câu chuyện tưởng có hậu, nhưng lại kết thúc trong tình thế vỡ lẽ một cách bẽ bàng, xót xa như thế.
2. Năm 2011, sau vở này, Kịch Hồng Vân muốn làm một loạt vở chuyển thể từ văn học Nam bộ, nhưng rồi xu thế sân khấu thay đổi nhanh chóng, khán giả chuyển dần sang truyền hình, họ chưa thỏa được ước muốn của mình. Hơn nữa, nếu so với các vở kịch văn học mang phong vị Bắc bộ như Chị Dậu, Bỉ vỏ, Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy Tây… của Kịch Hồng Vân, vở Con nhà nghèo chưa có sự tinh tế, sắc sảo bằng.
Ngày trước, kịch nói thường bắc nhịp cầu với văn học để tìm kiếm những câu chuyện điển hình, sâu sắc, ngày nay nhịp cầu này đang yếu ớt dần. Ngay với tác phẩm như Con nhà nghèo, sau hai lần dựng, chất văn học và phong vị Nam bộ cũng “nghèo” đi thấy rõ.
Điều này chắc chắn không đến từ sự yếu kém của kịch bản hoặc người dàn dựng, mà từ thực tế giải trí ngày nay, nơi truyền hình đang thống lĩnh. Truyền hình đáp ứng giải trí tốt hơn sân khấu và mọi lúc mọi nơi, đó là điều đã rõ, nhưng nó cũng làm tê liệt nhiều loại hình giải trí khác. Ngay cả kịch, tấu hài, tiểu phẩm sân khấu trên truyền hình cũng vậy, chúng có tông màu khá giống nhau, mờ dần các phong vị vùng miền và bản sắc văn hóa.
Thế nhưng, với những khán giả chỉ cần một không gian sân khấu để giải trí phảng phất văn học, thì Con nhà nghèo vẫn là một chọn lựa nên ưu tiên. Bởi rõ ràng trong xu thế các sân khấu đang “nghèo” đi theo nhiều nghĩa, việc Kịch Hồng Vân tái dựng vở này là một nỗ lực, dù yếu ớt, nhưng cũng đáng ghi nhận. Nếu để an toàn và dễ đông khách hơn, họ cứ làm kịch ma, kịch kinh dị như hiện có, “dính” tới kịch văn học làm gì cho phải rơi vào tình thế “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Hành trình gần 90 năm Hồ Biểu Chánh (1884 -1958) xuất bản tiểu thuyết Con nhà nghèo năm 1930, trước 1975, được soạn giả Viễn Hùng chuyển thể cải lương, khá nổi tiếng. Năm 1998, tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên (5 tập), được khán giả yêu thích. Năm 2010, Viễn Hùng chuyển thể vở cải lương thành kịch bản kịch nói, được Kịch Hồng Vân dàn dựng đến nay là hai lần. |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa