'Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác' - Cuốn sách an ủi những 'trái tim vụn vỡ' sau khi họp phụ huynh cho con
Với nhiều cha mẹ, thành tích học tập là "thước đo" độ thành công của con trong tương lai. Điểm số của con càng cao thì sau này tương lai con càng tươi sáng. Trong trường hợp con không đạt được điểm số như kỳ vọng, nhiều cha mẹ liền vội vàng gán mác con "không thông minh", "ngốc nghếch", thậm chí nặng nề hơn là "ngu dốt"!
Chắc hẳn không ít người từng "tan nát cõi lòng" sau những cuộc họp phụ huynh cho con. Bởi họ thấy "con mình điểm thấp hơn hẳn bạn bè", "con mình ngốc thế thì sau này ra đời liệu có kiếm sống nổi không?",...
Nhưng có phải là chỉ học giỏi, đạt điểm cao mới là "thông minh thực sự"?
Cuốn tự truyện "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác" của tác giả Lư Tô Vỹ (sinh năm 1960 tại Đài Loan (Trung Quốc) sẽ cho cha mẹ đáp án.
Lư Tô Vỹ từng tốt nghiệp Học viện Sĩ quan Cảnh sát với điểm số xuất sắc, đứng thứ 3 toàn khoa. Sau này, ông trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn. Đồng thời, Lư Tô Vỹ còn là tác giả của hơn 50 đầu sách về giáo dục con cái tại Đài Loan, sở hữu 500 phát minh và là diễn giả của 5000 buổi diễn giảng.
"Một con người xuất sắc đến thế, ắt hẳn từ thời thơ ấu đã rất "sáng chói", đây có lẽ là suy nghĩ của nhiều người sau khi đọc bảng thành tích của Lư Tô Vỹ. Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Lư Tô Vỹ năm 8 tuổi từng mắc bệnh viêm não Nhật Bản, hậu quả là bị bại não. Căn bệnh khiến cho IQ của ông chỉ có 70 và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập. Lư Tô Vỹ từng không tự mình làm được mọi việc, khi đến trường, các bài kiểm tra chỉ toàn điểm "0". Ông "ngốc" tới mức bị cô giáo mắng là "con lợn ỉn" cũng không hiểu. Đến lớp 5, Lư Tô Vỹ mới nhận biết được mặt chữ.
Vậy làm thế nào mà một đứa trẻ "ngốc nghếch", bại não lại có thể vụt sáng thành thiên tài?
Đừng buồn vì hôm nay con bạn chỉ được điểm 5, vì gia đình một thiên tài nọ từng sung sướng run người khi con đạt điểm 1
Cuốn tự truyện "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác" gồm 3 phần: Phần 1 - Sinh mệnh được nhặt lại, phần 2 - Chú chim lạc loại bay chậm và phần 3 - Nhìn thấy thiên tài trong chính mình.
Lư Tô Vỹ đưa độc giả trở về những ngày tháng thơ ấu, khi ông là một đứa trẻ kém may mắn, mắc bệnh về não, IQ chỉ có 70, không biết xem giờ, phải học lớp "giáo dục đặc biệt", một "đứa trẻ kém cỏi" đúng nghĩa theo nhận định của nhiều người.
Một đứa trẻ lớn lên thành công đến đâu, bay cao bay xa được nhường nào, phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của gia đình. Điều này rất đúng với gia đình của Lư Tô Vỹ. Bố mẹ của thiên tài này chưa bao giờ buông bỏ hy vọng với ông.
Khi Lư Tô Vỹ bị giáo viên mắng vì không biết xem giờ, bố ông lặng lẽ nắm chặt bàn tay con, đưa con đi ăn một bát mỳ gan lợn thật ngon và nhẹ nhàng động viên.
Khi Lư Tô Vỹ sợ đi học, mẹ ông - một người chưa từng được đi học đã quyết định cùng con đến trường. Bà ngồi học cùng, cố gắng tiếp thu kiến thức để dạy lại cho con theo cách dễ hiểu nhất. Lư Tô Vỹ biết xem giờ đồng hồ cũng nhờ mẹ.
Lư Tô Vỹ bị giáo viên mắng là "con lợn ỉn", "con lợn bị chấn thương sọ não", bố ông trìu mến bảo"Nếu có là con lợn, con cũng là con lợn thông minh nhất thế giới".
Con trai bị điểm "0" liên tục, chẳng sao cả, bố mẹ Lư Tô Vỹ tin rằng, chỉ cần nuôi dạy đúng cách, cố gắng đồng hành và hướng dẫn thì dần dần ông sẽ tốt lên thôi. Và sự thật, Lư Tô Vỹ đã từ "một kẻ thiểu năng" từng bước tiến tới bục cao của "một người thông minh".
Ngày Lư Tô Vỹ lần đầu được điểm... 1 sau chuỗi ngày toàn bị điểm 0, bố của Lư Tô Vỹ đã mừng đến khóc, la hét thích thú với mọi người: "Vỹ, con thi được điểm thật rồi!". Vì thành tích này, Lư Tô Vỹ được bố mẹ thưởng cho một chiếc đùi gà để cổ vũ.
Trái ngược với sự ăn mừng của Lư Tô Vỹ là hoàn cảnh đáng thương của cậu bé hàng xóm tên Nghĩa, bị bố đánh đòn vì chỉ được 9 điểm.
So với Nghĩa, Vỹ "ngốc nghếch" nhưng lại may mắn hơn nhiều. Vì bố mẹ của Vỹ chẳng so sánh ông với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Họ so sánh con ngày hôm nay với con của ngày hôm qua.
Qua chỉ được 0 điểm, nay đã được 1 - đó chính là tốt hơn rồi. Quan trọng nhất, bố mẹ của Lư Tô Vỹ luôn có lòng tin vào tiềm năng của con.
"Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh đấy", câu nói của bố với chị gái luôn văng vẳng bên tai Lư Tô Vỹ, trở thành ngọn đuốc soi đường cho ông trong những năm tháng học tập, trưởng thành sau này.
Lư Tô Vỹ có thể vươn lên thành thiên tài là bởi ông được truyền niềm tin từ gia đình. Bố ông tin con trai có thể làm được, bản thân Lư Tô Vỹ cũng tin mình làm được. Và sau cùng, Lư Tô Vỹ đã làm được!
Đừng thấy con điểm thấp mà "gán mác" con "kém thông minh"
Lư Tô Vỹ thi 5 lần mới đỗ đại học. Lần cuối cùng đỗ là do được ưu đãi cộng thêm điểm xuất ngũ. Đến khi theo học Học viện Sĩ quan Cảnh sát, Lư Tô Vỹ từng khiến thầy giáo, bạn bè chê cười vì học Tiếng Anh dở tệ.
Cuộc đời của Lư Tô Vỹ thay đổi vào năm 2 đại học, sau khi gặp được Giáo sư môn Trắc nghiệm tâm lý Mã Truyền Trấn. Sau khi nghe câu chuyện cuộc đời của Lư Tô Vỹ, thầy Mã không tin sinh viên của mình là người có IQ kém.
Bởi dù tiếng Anh của Lư Tô Vỹ tệ nhưng các phương diện khác lại rất ổn. Sau khi xem xét kết quả trắc nghiệm IQ của Lư Tô Vỹ, thầy Mã kết luận ông là một thiên tài: "Năng lực học tập kém nhưng năng lực tổng hợp, phân tích và tổ chức lại khá cao, đặc biệt là biểu hiện của năng lực tư duy mang tính mở rộng và tư duy sáng tạo lại rất tốt".
Điều này có nghĩa nếu Lư Tô Vỹ làm những công việc sáng tác nghệ thuật thì có tiềm năng được thể hiện rất tốt. Với phát hiện này, Lư Tô Vỹ đã bắt đầu điểu chỉnh lại kế hoạch học tập của mình, sao cho phù hợp với tiềm năng và khả năng của bản thân.
"Mình không ngu, mà chỉ thông minh theo cách khác so với mọi người", đó chính là điều mà Lư Tô Vỹ đã thầm nghĩ khi kết quả học tập vọt lên top 3 của lớp.
Thực tế, có rất nhiều cha mẹ khi thấy con học không giỏi, bị điểm kém thì liền vội vã kết luận là con "không thông minh". Trong khi đó, có đến 8 kiểu trí thông minh của trẻ, đó là Trí thông minh không gian - thị giác; Trí thông minh thể chất; Trí thông minh âm nhạc; Trí thông minh ngôn ngữ; Trí thông minh logic - toán học; Trí thông minh tương tác - xã hội; Trí thông minh liên cá nhân và Trí thông minh tự nhiên.
Cuốn tự truyện "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác" của Lư Tô Vỹ được tái bản nhiều lần ở nhiều quốc gia. 3 chương truyện đại diện cho nửa cuộc đời của tác giả và cũng để lại nhiều bài học cho các bậc cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con.
Có thể thấy, điểm số chưa thể đại diện cho tương lai con có thành công hay không, mà chính cách nuôi dạy của cha mẹ mới là yếu tố đóng vai trò quyết đinh. Cũng đừng vội "gán mác" con "ngốc nghếch", thay vào đó hãy tìm hiểu xem con bạn "tiềm ẩn" ở phương diện nào...
Tên sách: "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác"
Tác giả: Lư Tô Vỹ
Nhà phát hành: Công ty Cổ phần sách Alpha
Hình thức: Bìa cứng, nội dung sách in đen trắng
Đối tượng đọc: Các bậc phụ huynh, tác dụng "chữa lành"
Chấm điểm: 9/10