Con gái đi học nhận được khen thưởng, mẹ chưa kịp mừng đã thấy 1 chi tiết liền nổi giận, vội quay video tố cáo giáo viên
Nhìn thấy phần thưởng mà giáo viên tặng cho cô con gái, bà mẹ này không hề vui, mà còn đăng bài tố ngược cô trên mạng xã hội.
Mới đây, MXH Trung Quốc lan truyền câu chuyện của một người mẹ đón con về từ trường mẫu giáo sau khi con được cô giáo ở trường khen thưởng. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn vui vẻ, bà mẹ này bỗng nhiên tức giận, thậm chí còn... quay lại video, sau đó đăng bài tố cáo giáo viên trên mạng xã hội.
Nguyên nhân là bởi phần thưởng mà cô dành cho con là một chiếc sticker nhỏ dán trên má. Tuy nhiên, do miếng sticker có độ bám cao nên người mẹ đã phải loay hoay mãi mới gỡ được chúng xuống. Sau đó khi nhìn thấy phần má ửng đỏ của con, chị không khỏi xót thương, tự hỏi không biết có phải con đã bị dị ứng với thành phần bên trong miếng sticker hay không.
Cũng trong bài đăng của mình, người mẹ còn lên tiếng chất vấn giáo viên: "Sao cô không tự dán sticker lên mặt mình ấy?".
Bài đăng của người mẹ nhanh chóng nhận được nhiều quan tâm từ netizen. Thế nhưng thay vì đồng tình với chính chủ, nhiều dân tình lại bày tỏ quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Cụ thể, số đông cho rằng hiện nay việc thầy cô dán sticker lên má học trò là điều bình thường, trẻ nhỏ cũng rất thích cách khen thưởng này. Nếu bố mẹ cảm nhận không dễ dàng tháo miếng sticker thì đừng cố gỡ chúng xuống vì sẽ làm hại đến trẻ. Thay vào đó, mẹ có thể dùng một số phương pháp khác an toàn hơn, chẳng hạn như dùng chất bôi trơn lên miếng sticker, hoặc chỉ đơn giản là đợi sau một thời gian, sticker sẽ tự rơi xuống.
Ở diễn biến khác, một số ý kiến còn lên tiếng bênh vực cô giáo mầm non. Bởi lẽ nếu đào sâu câu chuyện, có thể thấy cô giáo có ý tốt, chứ không có ý định làm tổn hại đứa trẻ. Phải nói thêm, công việc giáo viên ở Trung Quốc được đánh giá tương đối vất vả, đặc biệt với bậc mầm non.
Do đó, theo dân tình, thay vì vội đăng bài chỉ trích ai đó một cách công khai, người mẹ có thể chọn giải quyết tinh tế hơn là nói chuyện thẳng với cô giáo. Như thế, giáo viên sẽ không bị tổn thương mà đứa trẻ lại không thấy khó xử khi chứng kiến mẹ và cô giáo bất hoà.
Thực tế, việc học của con trẻ luôn cần sự đồng hành giữa cả thầy cô và gia đình. Do đó, nếu đôi bên xảy ra tranh cãi, người khó xử và chịu bất lợi lớn nhất vẫn là con bạn.
Trong hành trình giáo dục con, cha mẹ và thầy cô nên thấu hiểu, cùng nhau hợp tác để tạo môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ. Sự đồng hành thể hiện ở việc thầy cô và cha mẹ cùng phát hiện điểm bất thường trong cách cư xử và việc học tập của con, cũng như học cách thông cảm cho khó khăn của đôi bên khi giáo dục trẻ trưởng thành.
Nguồn: Sohu