Con đường chấn hưng nghiệp tổ kết tinh hoa của làng lụa Vạn Phúc
(Thethaovanhoa.vn) - "Hòa hợp âm dương sinh bảo vật - Chấn hưng nghiệp tổ kết tinh hoa"- hai câu đối trên cổng làng Vạn Phúc là niềm tự hào nhưng cũng là sự trăn trở về con đường giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại.
Với bất kì làng nghề truyền thống nào, trăn trở giữ nghề luôn là điều quan trọng và Vạn Phúc cũng không phải là ngoại lệ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết: Mô hình sản xuất kết hợp kinh doanh và du lịch làng nghề giúp khách tham quan hiểu được việc làm ra một sản phẩm lụa vất vả như thế nào, từ đó mới trân quý giá trị của các sản phẩm lụa truyền thống. Điều kỳ diệu và khiến mọi người thán phục là chỉ với những công cụ sản xuất thô sơ nhưng những sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc rất nuột nà và có nhiều mẫu hoa văn độc đáo.
"Mô hình kết hợp kinh doanh và du lịch làng nghề giúp chúng tôi nắm bắt được thị hiếu của khách hàng nhanh hơn", bà Tâm nói.
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: Hiện Vạn Phúc đã được UBND TP Hà Nội chọn là một trong những điểm phát triển du lịch làng nghề và có những chính sách ưu tiên phát triển.
Từ nhiều năm nay, mô hình phát triển làng nghề kết hợp với du lịch đã được phường Vạn Phúc triển khai và mang lại hiểu quả tích cực. Khách hàng đến Vạn Phúc không chỉ để mua lụa mà còn để tham quan và hiểu thêm về nghề truyền thống nơi đây.
UBND phường Vạn Phúc cũng có nhiều chính sách để khuyến khích các gia đình phải giữ gìn thương hiệu lụa Vạn Phúc. Theo đó, phường sẽ tiếp tục quy hoạch đầu tư, động viên các gia đình mở rộng sản xuất, nhất là một số gia đình có điều kiện thành lập doanh nghiệp, công ty để có đủ sức mạnh tiếp cận thị trường và chính sách ưu đãi của nhà nước với doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc giữ gìn thương hiệu lụa Vạn Phúc được các nghệ nhân quan tâm. Từ năm 2014, do sự cạnh tranh quyết liệt với nhiều sản phẩm nước ngoài và các địa phương khác nên Vạn Phúc đã nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. UBND phường đã tổ chức họp toàn dân, đi đến từng khu phố lắng nghe ý kiến của nhân dân, đúc rút những gì cần phát huy và khắc phục.
Với những nghệ nhân tâm huyết với nghề ở làng lụa Vạn Phúc, sự thay đổi, biến chuyển của sản phẩm lụa cho phù hợp xã hội hiện đại là cần thiết, tuy nhiên không vì thế mà mập mờ, gian lận để che mắt khách hàng. Ví dụ tại Vạn Phúc, hàng pha được ghi rõ hàng pha, pha cái gì, bao nhiêu % để khách có sự lựa chọn. 50 – 70 hay 100% tơ tằm. Thương hiệu "Lụa Hà Đông" được dệt lên trên sản phẩm lụa nhằm lưu giữ và khẳng định thương hiệu đã có hơn 1.000 năm nay và để khách hàng dễ nhận biết, không nhầm lẫn với sản phẩm nào khác.
"Lụa bán tại Trung tâm Kinh doanh chất lượng cao với khoảng 20 kiốt cũng như Công ty CP Phát triển lụa Vạn Phúc được quản lý chặt chẽ, có hợp đồng rõ ràng. Nếu không làm đúng sẽ bị phạt khoảng 30 triệu đồng. Các hộ kinh doanh tại đây phải cam kết không bán lụa Trung Quốc, chỉ bán lụa Vạn Phúc. Còn những khu khác thì kinh doanh tự do nhưng phải niêm yết công khai giá, nguồn gốc xuất xứ", ông Hà cho hay.
Về phía Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đang vận động các gia đình đưa thương hiệu "Lụa Hà Đông" vào từng sản phẩm bởi thương hiệu làng nghề rất quan trọng, nó đánh giá sự phát triển cũng như uy tín của sản phẩm đối với xã hội.
"Khi dệt thương hiệu lên vải thì chúng tôi phải bỏ hết mẫu mã cũ đi để làm lại nên về tài chính cũng gặp khó khăn, không phải ai cũng làm được mà phải có lộ trình, thời gian để các gia đình chưa có điều kiện nắm bắt được và từng bước thực hiện", nghệ nhân Phạm Khắc Hà cho hay.
Hiện nay, Vạn Phúc đang tiếp tục xây dựng mô hình điểm kinh doanh sản phẩm địa phương. Một số nơi phát triển kinh doanh tự do thì sẽ áp dụng theo quy ước văn minh trong thương mại của thành phố đã ban hành. Những sản phẩm được kinh doanh tại đó phải niêm yết công khai nguồn gốc, xuất xứ cũng như giá cả để khách dễ nhận biết. Làm như vậy khách hàng mới không nhầm lẫn sản phẩm của địa phương và sản phẩm của nơi khác, đồng thời thể hiện được ý thức kinh doanh, tính văn minh trong thương mại.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, cán bộ văn hóa - thông tin phường Vạn Phúc cho biết, hiện làng nghề có khoảng 40 hộ còn sản xuất với 160 máy dệt, đủ cung ứng cho nhu cầu khách du lịch khi về tham quan, mua sắm. Khó khăn lớn nhất của các hộ là nguồn vốn để có thể mở rộng sản xuất.
Để hỗ trợ cho công tác phát triển làng nghề và bảo vệ thương hiệu, hằng năm, UBND phường phối hợp với các Sở Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Phòng Kinh tế quận Hà Đông tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các hộ sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, người dân làng nghề Vạn Phúc vẫn mong muốn nhà nước và TP Hà Nội có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ. Ông Hà kiến nghị: "Về vùng nguyên liệu, chúng tôi mong muốn có nguồn nguyên liệu bền vững cho địa phương vì đây là một trong những làng sử dụng nguồn tơ tằm lớn. Nếu có nguồn nguyên liệu ổn định sẽ tạo sự phát triển cho làng nghề và đồng thời có sản phẩm tơ tằm xuất khẩu", ông Hà nói.
Nghệ nhân này cũng đề nghị nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lớp trẻ và có lớp chuyên đào tạo cho các hộ kinh doanh về ngoại ngữ với mức đủ giao tiếp, hỗ trợ thêm về công nghệ để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo số liệu mới nhất, năm 2017, tổng doanh thu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại tại Vạn Phúc ước đạt hơn 129 tỷ đồng. Tổng sản lượng lụa sản xuất 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt trên 1 triệu mét, doanh thu ước đạt 52,5 tỷ đồng.
Nói về câu chuyện doanh nghiệp Khaisilk nhập lụa Trung Quốc gắn nhãn "made in Vietnam" ảnh hưởng đến thương hiệu lụa Việt, các cửa hàng tại Vạn Phúc cho biết nó đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý khách đến mua hàng. Tuy nhiên, các nghệ nhân ở Vạn Phúc cho rằng, đó cũng là cơ hội để những làng nghề truyền thống quan tâm hơn đến việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu.
"Trong khu trung tâm này, chúng tôi cam kết không bán hàng Trung Quốc. Phần nhiều các hộ tự sản xuất ra nên đảm bảo chất lượng. Chúng tôi còn dệt chữ 'Lụa Hà Đông' lên sản phẩm. Có những vụ như thế thì mọi người mới tìm hiểu thấu đáo những người sản xuất, quy trình sản xuất nên khi mình bán hàng chuẩn, hàng thật, có thế nào nói thế ấy thì khách tin. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội", chị Thúy cho hay.
Các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc nhắn gửi đến khách hàng: Lụa tơ tằm thực sự chưa bao giờ rẻ vì bản thân nguyên liệu tơ tằm đã đắt hơn nhiều lần các nguyên liệu khác. Do đó, những loại lụa rẻ tiền không thể là lụa tơ tằm. Tuy nhiên, khách cần hiểu nếu lụa tơ tằm xịn của Trung Quốc (Tô Châu, Hàng Châu) thì rất tốt và giá không hề rẻ. Do vậy, cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm lụa.
"Vì làm thủ công nên sản lượng không thể cao được. Có thể bên Trung Quốc sản lượng cao vì họ sản xuất công nghiệp, dệt trên máy công nghiệp. Còn sợi tơ tằm không thể dệt công nghiệp được vì sợi tơ to nhỏ khác nhau. Xu hướng thế giới là bảo tồn nghề thủ công vì đó là nét văn hóa. Hàng thủ công và hàng công nghiệp đi theo 2 hướng khác nhau, 2 dòng khách khác nhau. Khách đã dùng tơ tằm rồi thì không muốn chuyển qua mặt hàng khác vì lụa tơ tằm vừa mát lại nhẹ, thoáng"... Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm |
Hoàng Dương - Thu Trang/ Tin Tức