'Comme Toi' - bài hát khiến bạn muốn ôm chặt con
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh con búp bê nằm sõng soài cạnh thi hài của một em nhỏ trên đường phố Nice (Pháp) có lẽ là hình ảnh gây ám ảnh nhiều nhất trong vụ khủng bố hôm 15/7. Nó không chỉ làm cho bao trái tim đau đớn mà còn gợi lại một nỗi sợ không bao giờ cũ: bọn trẻ luôn là những nạn nhân vô tội của chiến tranh và tội ác.
Con búp bê ấy dường như cũng chịu chung số phận như con búp bê của cô bé gần tròn 8 tuổi, Sarah, người đã “không trở về” trong tại tập trung của Đức quốc xã hơn 7 thập niên trước. Sarah là linh hồn của bài hát huyền thoại, Comme Toi, do nhạc sĩ người Pháp Jean-Jacques Goldman, sáng tác. Một bài hát mà mỗi khi nghe xong, các ông bố bà mẹ chỉ muốn ôm thêm chặt con mình vào lòng.
Người Pháp đã từng rất tự hào và yêu mến Comme Toi và bây giờ bài hát ấy đang lại tiếp tục hát thay nỗi lòng của họ.
Từ một bức hình cũ
Jean-Jacques Goldman không bao giờ quên khoảnh khắc anh trông thấy một bức hình trắng đen nằm trong cuốn album hình của gia đình.
Đó là một bức hình cũ được chụp khoảng những năm 40 và tất nhiên lúc ấy Goldman vẫn chưa chào đời. Trong hình gồm rất nhiều người, là bà con họ hàng xa gần của mẹ anh, bà Ruth Ambrunn, một người Đức gốc Do thái Ba Lan. Một bức hình hoàn toàn bình thường như hàng triệu bức hình lưu niệm khác mà gia đình nào cũng có.
Single Comme Toi của Jean-Jacques Goldman được phát hành vào tháng 2/1983 đã bán được 500 nghìn bản và trở thành ca khúc được yêu mến nhất của Goldman. Tại Việt Nam bài hát này rất được yêu thích với ít nhất là 2 phần lời Việt ngữ nhưng phần lời nào cũng lệch hoàn toàn với ý nghĩa nguyên thủy của bài hát gốc
Thời điểm ấy gia đình Goldman đã bỏ chạy từ Đức sang Pháp khi nạn bài Do thái bắt đầu diễn ra. Cha anh là người Do thái Ba Lan đã cùng với mẹ anh bỏ tất cả để thoát khỏi những trại tập trung đang bắt đầu ngạt ngột với đại nạn diệt chủng.
Bà Ruth Ambrunn kể với Goldman rằng có những người trong bức hình này đã qua đời và cũng có những người vẫn còn kẹt lại ở Ba Lan. Nhưng điều đặc biệt của bức ảnh khiến Goldman chú ý là một vài người được đánh dấu “x”. Mẹ của anh giải thích rằng những người đó đã mất tích hoặc đã chết trong trại tập trung của Đức quốc xã.
Trong số đó, có một gương mặt thánh thiện, vô tư và đang cười rất tươi. Đó là một bé gái gần 8 tuổi, cũng là họ hàng của Goldman.
Nụ cười ấy đã làm Goldman rùng mình. Điều gì đã xảy đến sau nụ cười ấy? Đó là nụ cười của niềm vui, của những điều tốt đẹp đang chờ đón khi đến trường vào ngày mai. Nhưng chính dấu “x” kia đã chấm dứt tương lai của một gương mặt thiên thần.
“Họ là những người bình thường, như tất cả chúng ta, chẳng khác gì cả nhưng chiến tranh đã làm họ khác biệt, làm chấm dứt một ước mơ bình thường như bao đứa trẻ khác trên đời”, Jean-Jacques Goldman nhớ lại khi trả lời đài TV5 vào năm 1999.
Trong tột cùng xúc động, Jean-Jacques Goldman đã viết nên tuyệt phẩm Comme Toi (Giống như con), một bài hát anh vốn chẳng màng gì đến danh hiệu hay vinh quang nhưng lại đem đến cho Goldman vô số thành công vào năm 1983.
Con búp bê nằm bên cạnh một thi thể trẻ em trong vụ khủng bố tại Nice
Giống như con
Cô bé 8 tuổi trong bức ảnh không có một cái tên cụ thể và Goldman đã đặt cho cô cái tên Sarah, tên người vợ của ông tổ dân tộc Do thái, Abraham. Điều này cũng giải thích cho nội dung bài hát dù không chỉ đích danh nạn diệt chủng nhưng những cái tên trong bài hát đều ám chỉ đến người Ba Lan gốc Do thái. Ngoài Sarah còn có thêm Ruth, Anna, Jérémie và địa danh Varsovie (Warsaw, Ba Lan).
Bài hát Comme Toi là tâm trạng của một người cha khi ngắm nhìn con gái mình đang ngủ. Cô con gái ở đây chính là Caroline, con gái của Goldman năm ấy cũng đang gần tròn 8 tuổi.
Người cha kể cho con nghe câu chuyện về một cô gái 8 tuổi có cái tên Sarah, một cô bé có “cặp mắt sáng trong và chiếc váy bằng nhung mềm mại”, rất thích âm nhạc “đặc biệt là Schumann và cả Mozart nữa”. Cô học ở ngôi trường phía cuối làng, thích đọc sách và học cách đối nhân xử thế. Cô vẫn thường ngợi ca những chàng ếch xanh và nàng công chúa ngủ trong rừng. Sarah yêu búp bê và cả bạn bè, nhất là với Ruth và Anna. Rồi một ngày nào đó, ở Varsovie, Sarah sẽ có một đám cưới tuyệt vời.Cuộc sống của cô là chuỗi ngày êm đềm, với mộng mơ và những đám mây trắng trên cao.
Và người cha lại thủ thỉ “Giống như con vậy, giống như con đang say giấc nồng và ta nhìn con âu yếm. Cô ấy cũng có đôi mắt sáng như con, ngang tuổi con và thật sự rất ngoan”.
Nhưng rồi câu chuyện bỗng bị nghẹn lại ở câu hát “rồi những kẻ kia đã thay đổi đi tất cả”.
Giấc mơ bị đánh mất, đám mây trắng tuột lại vào cổ tích, đôi mắt trong veo giờ đã thành buồn bã… Người cha nói với con mình “bởi cô ấy không được như con, sinh ra tại nơi đây, vào lúc này”.
Chiến tranh và tội ác đã cướp đi tất cả, dù là một giấc mơ bé bỏng bình thường của một đứa bé vừa lên 8.
Comme Toi như thể là sự tiếp nối của nhiều thế hệ, từ thế hệ của ông bà (qua bức hình cũ) đến câu chuyện của người cha kể với con. Để sự thật không bao giờ được quên, để những ước mơ con trẻ không bao giờ bị vùi dập bởi chiến tranh.
Bài hát với giai điệu du dương khiến người nghe vừa day dứt khôn nguôi nhưng cũng lại như được nạp thêm năng lượng yêu thương. Cả bài hát không hề có một đoạn lời nào chỉ đích danh đến lò mổ chiến tranh, nạn diệt chủng, trại tập trung… nhưng người nghe vẫn sởn gai ốc với những hình tượng được đặt ra. Và nó cũng là ý mở của Goldman khi có thể liên hệ bài hát tới những cuộc chiến khác, những tội ác khác biến bọn trẻ trở thành những nạn nhân vô tội.
Jean-Jacques Goldman đã nói thay tất cả những đau đớn mãnh liệt, bằng một giọng hát quá đỗi dịu dàng.
Comme Toi (Giống như con) như thể cái bóng phản chiếu sự ám ảnh khôn nguôi của chiến tranh. Đó có thể là bé gái của bất cứ gia đình nào. Hay nói như Goldman, “bé gái ấy, chính là chúng ta”.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần