Cờ vua Việt Nam khép lại cuộc phiêu lưu tại Olympiad, hướng tới tương lai 'màu hồng'
Hành trình thi đấu của đội tuyển cờ vua Việt Nam tại Olympiad lần thứ 45 giống như một cuộc phiêu lưu với những điểm nhấn khá đặc biệt.
Sau vòng đấu cuối diễn ra vào tối ngày 22/9, đội tuyển cờ vua Việt Nam đã khép lại hành trình tại Olympiad với thành tích chung cuộc, hạng 25 ở bảng Mở rộng và hạng 23 ở bảng Nữ. Kết quả này, phản ánh chính xác thực lực của các kỳ thủ với việc xếp hạng hạt giống lần lượt là 21 (bảng Mở rộng) và 20 (bảng Nữ).
Trải qua 11 vòng đấu với nhiều cuộc đấu trí căng thẳng và thể thức thi đấu rất khắt khe của Olympiad dù chưa tạo được sự đột phá về thứ hạng so với các kỳ giải trước (thành tích tốt nhất là hạng 7 nội dung nữ năm 2014 và hạng 7 nội dung nam năm 2018 song các kỳ thủ Việt Nam vẫn để lại ấn tượng đặc biệt.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam với đội hình gồm Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Trần Tuấn Minh, Bành Gia Huy có được chuỗi 6 vòng đấu bất bại với thành tích đầy khích lệ như khi thắng đương kim vô địch Uzbekistan, thắng Ba Lan (hạt giống số 11) và hòa Trung Quốc (hạt giống số 3).
Đây cũng là lần đầu tiên tại Olympiad, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 ở bảng Mở rộng sau vòng 6. Nhiều bình luận viên nổi tiếng trong làng cờ vua tỏ ra bất ngờ và đánh giá Việt Nam là hiện tượng thú vị của giải đấu. Thậm chí, kỳ thủ từng xếp hạng 4 thế giới Peter Svidler cho rằng, "Việt Nam đã vươn lên thành một ứng viên nghiêm túc tại giải".
Ở bảng nữ, Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Kim Phụng, Lương Phương Hạnh, Lê Thanh Tú, Bạch Ngọc Thùy Dương cũng đã có một hành trình đáng nhớ. Dấu ấn đáng kể nhất là chiến thắng trước nhà đương kim vô địch đồng đội châu Âu - Bulgaria (hạt giống 12) với đội hình gồm có kỳ thủ 45 tuổi từng vô địch thế giới Antoaneta Stefanova.
Về cá nhân, Lê Tuấn Minh là kỳ thủ tiến bộ vượt bậc và "có một giải đấu để đời" như nhận xét của đại kiện tướng Daniel Naroditsky (Mỹ). Đại kiện tướng 28 tuổi người Việt Nam lần đầu tham dự Olympiad đã giành tấm HCĐ cá nhân ở bàn 3 bảng Mở rộng với thành tích thắng 7 và hòa 4. Lê Tuấn Minh đạt hiệu suất thi đấu 2.795 (chỉ số đánh giá phong độ của một kỳ thủ tại một hoặc một số giải đấu liên tiếp), tương đương với phong độ của một kỳ thủ có Elo 2.795.
Trong số những bại tướng của Lê Tuấn Minh có 2 kỳ thủ từng là siêu đại kiện tướng (danh hiệu của kỳ thủ có Elo từ 2.700 trở lên) gồm Luke McShane (Anh) và Javokhir Sindarov (Uzbekistan).
Sau Olympiad, Lê Tuấn Minh tích lũy thêm 34 điểm vào hệ số, nâng Elo cá nhân lên 2.598 và chính thức trở thành 1 trong 4 kỳ thủ Việt Nam có Elo cao nhất từ trước tới nay (xếp sau Lê Quang Liêm 2.741, Nguyễn Ngọc Trường Sơn 2.665, Đào Thiên Hải 2.609).
Cùng với đó, Lê Quang Liêm với trận thắng trước đương kim vô địch thế giới Ding Liren (Trung Quốc, 2.736) ở vòng 6 cũng được đánh giá là chiến thắng vang dội nhất trong sự nghiệp của kỳ thủ số 1 Việt Nam. Hay thành tích bất bại của Nguyễn Ngọc Trường Sơn (3 thắng, 7 hòa) cũng là thành tích khích lệ với kỳ thủ 34 tuổi.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, kết quả thi đấu tại Olympiad thắp lên hy vọng, đồng thời, chỉ ra hạn chế mà cờ vua Việt Nam cần khắc phục để cải thiện thành tích trong 2 kỳ giải tới đây gồm Uzbekistan 2026 và UAE 2028. Trong đó, bộ 3 Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Lê Tuấn Minh tiếp tục đóng vai trò trụ cột. Lực lượng ở bàn 4, bàn 5 với Trần Tuấn Minh, Bành Gia Huy cùng các kỳ thủ trẻ hơn cần tiếp tục được đầu tư để nâng cao trình độ.
"Vị trí ở bàn 4 và bàn 5 chưa tạo được sự bứt phá ở những thời điểm quan trọng" là một trong các lý do khiến đội Việt Nam hụt hơi ở nửa cuối chặng đường, theo nhận xét của HLV Bùi Vinh.
Olympiad lần thứ 45 diễn ra tại Budapest, Hungary (từ ngày 10 đến 23/9) tạo nên kỷ lục về số lượng các đội tuyển tranh tài, 196 đội tuyển nam và 183 đội tuyển nữ, bao gồm toàn bộ các kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới.
Giải đấu này cũng được ví như World Cup của môn bóng đá, dù có những điều đáng tiếc song sự thể hiện của các kỳ thủ Việt Nam đã nhen nhóm hy vọng vươn tầm trong tương lai.