Có thông tin khủng bố, trận Pháp - Đức vẫn tiếp tục diễn ra
(Thethaovanhoa.vn) - Không lâu sau 9 giờ 45 tối ngày thứ Sáu, vào giờ nghỉ trận giao hữu giữa Pháp và Đức, cầu thủ cả hai đội trở lại phòng thay đồ, trong khi các HLV, bình thường sẽ xem xét lại chiến thuật của họ, lại nhận được tin dữ.
- Tổng thống Pháp là người yêu cầu không được hoãn trận giao hữu Pháp - Đức
- Mỹ 'chắc chắn' ủng hộ Pháp trả đũa các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris
- Khủng bố tại Paris: Pháp ráo riết săn lùng nghi phạm gốc Bỉ 'rất nguy hiểm'
- CĐV bóng đá toàn châu Âu chia sẻ với tai họa của nước Pháp
- Pháp - Đức 2-0: Một chiến thắng bi thảm
- David Luiz không muốn quay lại PSG sau vụ khủng bố tại Pháp
- Những tên khủng bố tại Paris đã giả dạng người tị nạn từ Syria để vào Pháp
Lựa chọn khó khăn
Sự kiện lớn ở sân Stade de France ngay phía Bắc Paris, tạo ra một bầu không khí siêu thực: Các cầu thủ chơi bóng và hầu hết các CĐV vẫn hò hét như thường, không biết những gì xảy ra xung quanh họ, trong khi vài HLV, quan chức an ninh trên sân, và cánh nhà báo (được tiếp cận internet) không còn tâm trạng nào cho bóng đá nữa, khi ngay ngoài kia, những vụ bắn giết tàn bạo dần đẩy số người thiệt mạng lên 129.
“Thật lạ lùng”, Cyril Olivès-Berthet, phóng viên của tờ L’Équipe đưa tin về trận đấu, nói. “Các cầu thủ chạy ra sân, những CĐV hét vang những bài ca xung trận. Khi Pháp ghi bàn vào cuối trận, họ đều vẫy cờ, và các cầu thủ ăn mừng như không có chuyện gì xảy ra”. Tuy nhiên, ngay khi trận đấu kết thúc, khoảng 10h50, cơn địa chấn bắt đầu lan đi. Một số cầu thủ Đức chôn chân ở đường hầm dẫn vào phòng thay đồ, chăm chăm nhìn lên truyền hình đang cập nhật tin tức từng giây. Trong phòng thay đồ của ĐT Pháp, Thierry Braillard, Bộ trưởng thể thao Pháp, có bài phát biểu ứng khẩu với các cầu thủ, nói với họ về thảm kịch.Tuyển thủ Pháp Antoine Griezmann sau đó kinh hoàng nhận ra em gái mình đang đi xem một buổi diễn ở nhà hát Bataclan, trọng điểm của vụ tấn công, nơi những tay súng đã sát hại ít nhất 80 người. Griezmann sau đó cho biết trên Twitter rằng em gái anh chỉ thoát chết trong gang tấc. “Chúa phù hộ cho em gái tôi và cả nước Pháp”, anh viết.
Sự hoảng sợ tột độ
Các CĐV trên sân ban đầu được hướng dẫn chỉ rời sân qua 2 ngả, gây ra tình trạng kẹt đường. Andreas Berten, phóng viên của Funke Mediengruppe, một tờ báo và hãng xuất bản tạp chí, nói anh và các nhà báo khác đang đợi ở thang máy để xuống khu vực phòng thay đồ thì “hàng trăm CĐV bỗng chạy trở lại qua các cửa xuống sân”. Làn sóng người khi đó thật đáng sợ, Berten nói, vì có vẻ như họ đang tháo chạy trong sợ hãi. “Chúng tôi sợ có những kẻ tấn công đã mang súng vào sân”, anh nói. Nhưng hóa ra chỉ vì cảnh sát đã thay đổi hướng rời sân cho các CĐV.
Những thủ tục thông thường bị hủy bỏ. Không có họp báo hay phỏng vấn sau trận đấu. Các cầu thủ thay quần áo và đợi thêm chỉ dẫn. Cảnh sát nói hiện giờ họ rất mỏng người và không thể bảo đảm an toàn cho xe buýt chở hai đội, nên các cầu thủ và HLV cần ở lại phòng thay đồ, hầu hết ngồi dán mắt vào ti-vi. Vợ và các con họ cũng được phép vào đợi cùng người thân.“Chúng tôi đều bị sốc”, ông Loew nói. “Tất cả chúng tôi đông cứng vì sợ hãi”. Không lâu trước 3 giờ sáng, đội Pháp lên xe buýt tới nơi tập trung của họ cách Paris 65 km về phía Tây Nam. Đoàn Đức nói hiện chưa thể đảm bảo cho họ rời sân Stade de France. Nhà chức trách sợ họ có thể trở thành mục tiêu tấn công bởi xe chở đội có những chỉ dấu rõ cho thấy đó là xe của đội tuyển Đức. Mãi tới 7 giờ sáng, đội mới rời sân trong một đoàn các xe nhỏ đưa họ thẳng ra phi trường. Đội bóng về tới Frankfurt lúc 10 giờ sáng.
Hải Minh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa