Có thể bạn chưa biết: Phượt thủ cả đời chỉ chu du thiên hạ
HeinzStuecke là một tên tuổi lẽ ra phải được coi là huyền thoại, nhưng những bạn Đức được tôi hỏi đều chưa nghe thấy bao giờ. Chuyến đi châu Âu đầu tiên sau đại dịch Covid-19 của tôi thì quá ngắn để xin hẹn gặp ông.
Thực ra tôi có đủ thì giờ nhưng ngần ngại, vì con người có tên trong sách kỷ lục Guinness ấy đã trả lời hàng ngàn cuộc phỏng vấn rồi, mà tôi chỉ có những thắc mắc vụn vặt đến thảm hại như: Tại sao từ “Heimat (quê hương)” trong tiếng Đức không có số nhiều? Đi đến 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều xứ không tên, có khi nào ông nhớ nhà không? Ông tốn bao nhiêu cuốn hộ chiếu trong nửa thế kỷ chu du thiên hạ...
Chiếc xe thần thánh
Heinz Stuecke ra đời giữa Thế chiến II ở một làng quê 6 ngàn dân Hoevelhof, cũng là một cái tên chẳng ai biết. Ít nhất thì ngôi làng này cũng dành cho ông một ngôi nhà nhỏ làm nơi trú ngụ khi đã mỏi gối chồn chân đi ra thế giới bao la, nhưng nó quá nhỏ để lập ra một bảo tàng tư nhân với vô vàn tư liệu lượm lặt dọc đường thiên lý, trong đó có mấy tấm ảnh chụp ở Hà Nội cổ kính.
Và tất cả các trải nghiệm không thể kể hết ấy, ông chỉ có được nhờ một chiếc xe đạp duy nhất: Một chiếc xe khung sắt nặng trịch 3 tầng xích mà ngày nay đứa trẻ con nào cũng dè bỉu không ngó ngàng tới. Chiếc xe đó cùng ông đứng trong sách kỷ lục Guinness từ 1995 đến 1999 và cũng có một lý lịch lẫy lừng không kém chủ nó: Bị mất cắp vô số lần, nhưng chỉ vài hôm sau lại tìm được. Cho đến 2014, nó trung thành chở ông đi 648.000 km, trong năm đó ông từ giã hành trình để đời của mình ở tuổi 74 và quay về Hoevelhof.
Mọi chuyện bắt đầu năm 1958. Heinz đạp xe 10.000 cây số quanh vùng biển Địa Trung Hải để tự lượng sức mình, nhưng sau đó lại quay về nhà máy cũ, nơi ông học nghề thợ cơ khí.
Hai năm sau thì quyết tâm đã chín, ông bán chiếc ô tô Con bọ để đủ tiền đạp xe tới tận Ấn Độ. Chuyến đi kéo dài ngót một năm và ngốn gần hết số tiền tiết kiệm. Heinz xin việc trên một chiếc tàu Na Uy đi tiếp tới Singapore. Đi tiếp đến Liên Xô cũ thì Heinz vác xe đạp xuống tàu, nhưng ở đây người ta chưa hề gặp trường hợp nào quái lạ như ông. Phải nói thêm là Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm, và thế là Heinz bị tống vào tù. Sau nhiều lần thẩm vấn, người ta thả ông qua đường Phần Lan và Nordkapp (Na Uy) để trở về… Hoevelhof.
Làm đủ tiền giắt lưng, Heinz lại lên đường. Lần này là đi xem Thế vận hội Olympic mùa Hè 1964 ở Tokyo. Heinz dự tính đi mất 2 năm và khởi hành 1962, song có quá nhiều chuyện hay ho dọc đường khiến ông đổi lịch trình! Rốt cuộc Heinz cũng đặt chân, xin lỗi, đặt lốp xe lên xứ Phù Tang, song đó là năm… 1971.
Nhớ nhà? Không, sợ nhà!
Heinz gặp nhiều may mắn dọc đường. Ông treo sau xe một bản đồ đánh dấu các điểm trên hành trình của mình, khiến nhiều người tò mò bắt chuyện và mời ông ăn. Dĩ nhiên trong chuyến đi không chỉ cần ăn uống, mà còn quần áo, phụ tùng sửa xe v.v... Heinz ghi lại các trải nghiệm dọc đường thành một cuốn sách mỏng và tổ chức các buổi thuyết trình về du lịch. Ông nói thạo tiếng Anh và Tây Ban Nha, tiếng Pháp tàm tạm, và thế là đủ kinh phí dọc đường. Riêng số tiền bán sách ở Nhật là 20.000 USD, đủ cho ông tiêu 6 năm ròng.
Trong cuốn sách của ông, tôi tình cờ đọc được câu trả lời cho thắc mắc ít chất giang hồ của mình: Gia đình ông không ủng hộ cuộc đời lang bạt, tuy cũng không thể ngăn cản. Năm 1977, khi ông đang đạp xe ở Hà Lan, họ có qua thăm. Sau chừng ấy năm xa cách, họ cũng chỉ dành cho ông được hai hôm rồi vội quay về để đầu tuần còn đi làm. Heinz sốc nặng: Không, cuộc đời ông sẽ phải khác! Và nỗi nhớ nhà từ nay sẽ biến thành nỗi sợ về nhà. Thế gian biết bao niềm vui, tại sao cứ phải về quê? Thực ra Heinz cũng nhiều lần muốn bỏ cuộc. Năm 1974 ông về Đức để xem World Cup bóng đá nhưng sau đó lại lên đường. Rồi ông muốn vượt mặt nhà thám hiểm Marco Polo từng lênh đênh 25 năm khắp địa cầu, chỉ không ngờ là vượt hẳn gấp đôi!
Xứ lạ cũng không hẳn chỉ có những điều hay ho: Ở Indonesia ông bị “Tào Tháo rượt” gần chết, ở Iran ông nhiễm bệnh thương hàn và phải nằm viện, ở Zambia ông trúng đạn AK-47 khi lạc vào vùng kiểm soát của phiến quân và bị nghi là gián điệp…
Đường đi là đích đến
Những trải nghiệm vô giá với Heinz không chỉ là vượt con đèo cao nhất Ấn Độ (5.360 m), dựng lều ngủ đêm bất hợp pháp trên Vạn Lý Trường Thành hay yết kiến Đạt Lai Lạt Ma, mà là những con người và nền văn hóa khác nhau. Con đường vạn dặm đã trở thành một thứ “ma túy” với Heinz - “lên đường nghĩa là tự tìm hiểu chính mình, là học từ người khác, là biết cách tôn trọng nhau, và nếu có thể thì kết nối tình bạn. Thế giới lạ lẫm sau mỗi khúc quành là động cơ kéo chiếc xe của tôi đi”.
Con đường vạn dặm cũng là thử thách để xây nên tính cách. Do chỉ đi làm và đóng bảo hiểm hai năm, ông không có bảo hiểm y tế và rất ít lương hưu, đủ để mua báo và trả tiền điện thoại. Từ ngày ở nhà và chỉ bận bịu với biên tập ảnh để in cuốn sách phượt mới, ông tiếp tục kiêu hãnh trang trải cuộc sống bằng các buổi thuyết trình chứ không xin trợ cấp xã hội của một nhà nước hào hiệp cưu mang 2 triệu người tị nạn từ châu lục khác đến.
Trên đường, ông tặng các cuốn sách ảnh của mình chứ không bán. “Lẽ ra tôi định bán với giá 1 USD, nhưng người ta thường biếu tôi 5 hay 10 USD. Nhiều người mời tôi về nhà chơi” - đó mới chính là món quà vô giá mà Heinz nhận được dọc đường. Qua đó, Heinz học được vô số bài học cho cuộc đời. Những sự kiện “vĩ đại” như xây nhà hay vượt đại dương thường chỉ xảy ra một lần hay không lần nào trong đời, nhưng cuộc sống phong phú nhờ vô vàn niềm vui thường nhật lớn nhỏ.
- Phan Cẩm Thượng: 'Phượt thủ văn hóa' vì văn hóa
- Sách 'Á - Âu cách một cây cầu': Kinh nghiệm 'phi phượt thủ' qua 20 quốc gia
- Nữ tiến sĩ, phượt thủ và chuyện ‘đàn bà thì phù phiếm’
“Tôi luôn có chút mặc cảm tội lỗi với những người hào phóng, vì vậy tôi cảm thấy mình phải đền đáp lại họ. Rất nhiều người chỉ cần tôi gửi cho họ một tấm bưu thiếp và tôi thường không làm được gì hơn. Gần đây, khi lướt qua 3.000 địa chỉ và tên tuổi đã thu thập được của mình, tôi nhận ra tên của một người đàn ông đã tặng tôi tiền dọc đường. Tôi vội gói một cuốn sách ảnh về chuyến đi và đem ra bưu điện. Ông ấy rất mừng khi nhận sách, một thời gian sau tôi thấy 100 euro gửi vào tài khoản của tôi. Ông ấy thậm chí quên rằng đã giúp tôi một số tiền ngày xưa rồi. Xúc động quá!”.
Chiếc xe đạp cũ với 40kg hành lý khiến khớp cổ xương đùi của ông mòn vẹt, may mắn thay, một bệnh viện đã nhận phẫu thuật miễn phí. Gọi đó là “ở hiền gặp lành” cũng được. Cũng muốn kể thêm là Heinz có vài phụ nữ cưu mang dọc đường, đó là những phút ấm lòng, nhưng ông chỉ có một bạn gái “thực sự” người Nga ở Minsk để tâm sự qua thư từ đến tận hôm nay.
Đến đây, nghĩ lại chuyện định xin gặp ông trước đây hai tuần mà tôi giật mình: Nếu bạn muốn gặp con người người lang thang ấy, bạn sẽ gặp khó khăn. Điện thoại? Ông không bắt số lạ. E-mail? Heinz không thích computer, trừ những lúc số hóa kho ảnh 100.000 bức và 15.000 trang nhật ký. Ngày xưa bạn bè của ông sống rải rác trên khắp thế giới báo cáo rằng ông đang ở “phía Nam Alaska” hoặc “đâu đó trên bán đảo Sicily” hoặc “đang gần đến Havana”. Bạn phải kiên nhẫn vô độ. Kể cả khi đang ở nhà thì Heinz còn ngại đi ra hòm thư.
Trong tâm trí, Heinz Stuecke vẫn đang trên đường.
Lê Quang