Cổ phiếu bất động sản thương mại vẫn hút dòng tiền
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 17/3, phần lớn cổ phiếu bất động đều chịu áp lực bán gia tăng song vẫn ghi nhận lực hấp thụ khá tốt, thậm chí một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền tham gia và ngược dòng tăng điểm cũng như duy trì được sắc xanh đến khi kết phiên.
Đáng chú ý, ở nhóm bất động sản thương mại, ngoại trừ NLG giảm 1,6%, cổ phiếu HDC, CEO và SCR giảm điểm nhẹ từ 0,2 - 0,5%, PDR đóng cửa tại mức giá tham chiếu, còn lại phần lớn cổ phiếu DXG, KDH, NVL, DIG... ghi nhận lực cầu tham gia mạnh về cuối phiên, qua đó đóng cửa xanh điểm với mức tăng từ 1,9 - 3,8%.
Trước đó, nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại đã phản ứng mạnh mẽ với động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi ghi nhận giao dịch tăng điểm mạnh hiện diện ở phần lớn lớp cổ phiếu các phiên trong tuần.
Động thái này được giới phân tích nhận định đến từ kỳ vọng của thị trường sau một loạt chính sách mới ban hành của Chính phủ. Mới nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Nghị quyết số 33), giúp giảm bớt việc thiếu thanh khoản cho ngành bất động sản trong ngắn hạn. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hai Quyết định số 313 và 314 điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành vào ngày 14/3/2023.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Nghị quyết số 33 đưa ra một định hướng tốt để thị trường biết rằng Chính phủ đang rất quan tâm để điều chỉnh tất cả hệ thống tài chính; trong đó, có hệ thống ngân hàng và hoạt động tín dụng, để người dân có thể ở mua nhà ở, từ đó khai thông thị trường bất động sản.
"Tôi nghĩ rằng Chính phủ nên đưa ra một chương trình hoãn nợ, cho phép tất cả các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng từ một cho đến hai năm", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08). Đây được coi là những giải pháp tình thế để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói riêng.
Chủ tịch Công ty FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho hay, thực tế trong 62 lô trái phiếu chậm thanh toán lãi và gốc thì có tới khoảng 70% là trái phiếu bất động sản. Đây là điểm thị trường đang quan tâm, bởi chất lượng những trái phiếu này hầu hết là thấp và những khó khăn mà ngành đang gặp phải.
Với Nghị định số 08 lần này, FiinGroup kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ. Cụ thể là tạo quy định cụ thể để nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể đàm phán giãn và hoãn nợ trái phiếu một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn tùy vào tình hình cụ thể của từng chủ đầu tư và từng dự án.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, để thị trường trái phiếu có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác. Theo đó, doanh nghiệp cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền. Về phía cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.
Vndirect chỉ ra bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc khi việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Theo Vndirect, thị trường đang chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.