Có phanh tự động chống va chạm, sao xe vẫn cứ…va?
(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc Mercedes GLC có trang bị hệ thống hỗ trợ phanh tự động phòng ngừa va chạm song dường như hệ thống này không hoạt động trong vụ tai nạn thương tâm tại điểm dừng đèn đỏ ở Hà Nội? Một thắc mắc dấy lên: Các công nghệ an toàn hiện đại trên xe ngày nay có thực sự khiến việc lái xe trở nên an toàn hơn?
Hệ thống hỗ trợ phanh tự động phòng ngừa va chạm CPA - Collision Prevention Assist Plus trên GLC, hay còn nhiều tên gọi khác tuỳ theo hãng xe, nhưng tựu chung lại là Hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB - Autonomous Emergency Braking, là một trong những công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn mới đang rất được ưa chuộng, không chỉ trên những chiếc xe hạng sang, mà ngay cả các dòng xe phổ thông, thậm chí xe bán tải cũng đã được trang bị.
Hệ thống này sử dụng cảm biến radar, laser hay camera để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra va chạm. Khi phát hiện ra nguy hiểm, hệ thống này sẽ cảnh báo bằng hình ảnh (trên màn hình trung tâm), âm thanh, rung tay lái và ở cấp cao hơn nếu không thấy lái xe phản ứng lại các cảnh báo thì hệ thống này sẽ tự động phanh.
Nếu hoạt động chuẩn như thiết kế, hệ thống này hỗ trợ rất hữu hiệu cho tài xế trong trường hợp thiếu tập trung hoặc thiếu quan sát khi gặp chướng ngại vật (xe khác, người, động vật…) bất ngờ. Hoặc với hiện tượng “nhầm chân ga với chân phanh”, như với chiếc Mitsubishi Triton phiên bản 2020 trong tình huống hệ thống camera trên xe phát hiện có chướng ngại phía trước mà lái xe vẫn nhồi chân ga thì hệ thống này sẽ can thiệp ngăn chặn việc xe tăng tốc trong khoảng thời gian 3-5 giây đồng thời phát tín hiệu cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh trên màn hình trung tâm.
Theo Viện bảo hiểm an toàn giao thông Mỹ thì hệ thống phanh tự động khẩn cấp có thể giúp giảm thiểu tới 20% vụ va chạm và có thể giảm tới 87% số thương vong trong va chạm. Bởi vậy, nhiều quốc gia đã qui định phanh tự động khẩn cấp là trang bị bắt buộc trên xe hơi trong vài năm tới đây (tại Mỹ là từ 1/1/2022).
Tuy nhiên hệ thống nói trên chỉ được kích hoạt với những điều kiện cụ thể, tuỳ từng mẫu xe như là: tốc độ xe lúc đó phải đạt bao nhiêu km/h (tuỳ theo set-up của từng hãng), thời điểm đó người lái không tác động điều hướng volant và điều kiện thời tiết cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống này. Do vậy, trên thực tế, có thể nói hệ thống phanh tự động khẩn cấp kích hoạt cũng…không dễ như túi khí bung. Nói cách khác, nếu người bán xe tô vẽ quá nhiều tác dụng của hệ thống hỗ trợ an toàn này khiến người sử dụng có tâm lý trông đợi vào những chiếc xe an toàn như quảng cáo, thì nguy cơ xảy ra va chạm dẫn đến tai nạn vẫn xảy ra như thường.
Không chỉ với hệ thống phanh tự động khẩn cấp, ngay cả Hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control cũng tiềm ẩn không ít sự mất an toàn, mà nguyên do chính là nó có thể khiến người lái lơ là sự tập trung. Cruise Control tức ga tự động, tài xế không cần đạp ga xe vẫn giữ tốc độ đã cài đặt. Đi đường dài, trên cao tốc – nơi có thể giữ tốc độ ổn định một quãng đường dài, công nghệ này rất hữu dụng, tương tự với những đoạn đường giới hạn tốc độ. Tuy nhiên, thực tế giao thông ở Việt Nam các tình huống bất ngờ rất dễ xảy ra (người/động vật xuất hiện bất ngờ, các giao lộ không có đường vượt hoặc đèn xanh đèn đỏ…), chế độ ga tự động khá nguy hiểm trong các tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
Phan Ka