Cổ nhân dạy 3 cách để xoay chuyển vận mệnh khi cuộc đời đang xuống dốc, làm được thì ngày thành công giàu sang không còn xa
"Dựa núi núi đổ, dựa cây cây ngã, cậy người người chạy", chúng ta có thể nhờ vả người khác, nhưng không thể ỷ lại quá nhiều, một khi quý nhân ngã quỵ, bạn cũng gặp xui xẻo theo.
Đời người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cho dù may mắn đến mấy, có năng lực xuất chúng cũng khó tránh khỏi va phải trắc trở cản lối. Song chính những thăng trầm này đã khiến cuộc sống trở nên muôn màu muôn vẻ.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không phải ai cũng có thể đứng dậy sau cú vấp ngã hoặc leo lên khỏi hố sâu cuộc đời. Người leo lên được có thể ngắm cảnh sắc thiên nhiên vô tận, nhưng người không làm được chắc chắn thụt lùi, dần bị thế giới lãng quên.
Vậy một người có thể làm gì để xoay chuyển vận mệnh một cách nhanh chóng?
Cổ nhân Quỷ Cốc Tử - bậc thầy của những triết lý đời người đã nhìn ra và để lại 3 câu này, dạy mọi người cách thoát ra khỏi hố sâu tăm tối và tránh đi đường vòng.
Môi trường là số phận, cơ hội là vận may
Cái gọi là "số phận", chính là sự giao thoa giữa vận mệnh và vận may. Vận mệnh chỉ môi trường chúng ta đang sống. Số phận của mỗi người đều khác nhau, có người sinh ra đã phú quý, sống trong nhung lụa; có người nghèo khó, loay hoay để tìm thấy cảm giác an toàn từ đồng tiền mang lại.
Số phận không dễ thay đổi, vậy thì có đúng là người sinh ra trong nghèo khó phải chấp nhận bỏ cuộc sao? Không, muốn thay đổi vận mệnh nhất định phải dựa vào vận thế, cho dù xuất phát điểm có tồi tệ đến đâu, sớm muộn cũng phát tài.
Song không chỉ cần may mắn mà con người còn cần có sự sáng suốt mạnh mẽ. Có nghĩa là, nếu bạn nắm bắt được vận may, ngay cả khi khả năng tầm thường, bạn cũng có thể làm nên chuyện.
Vậy, làm thế nào để nắm bắt vận may? Điều này đòi hỏi bạn phải chú ý và phân tích môi trường chung, hiểu nhu cầu phát triển của xã hội và điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế của chính bạn. Ví dụ, trước đây khi kinh doanh, môi trường chung đều theo đuổi “giá rẻ”, chỉ cần đủ rẻ thì chắc chắn sẽ bán chạy, nhưng hiện nay, môi trường chung đã thay đổi, nó trở thành việc theo đuổi chất lượng. Do đó thay đổi lúc này là cần thiết để thay đổi cục diện, cứu lấy miếng cơm manh áo của mình.
Lấy một ví dụ cá nhân khác, trước đây, môi trường chung là chịu đựng khó khăn và làm việc không ngừng nghỉ, bạn phải tạo ra sự khác biệt; bây giờ, bạn đã bước vào một môi trường đa dạng, làm việc chăm chỉ chưa chắc đã mang lại lợi ích cho bạn. Có khả năng, có đầu óc nhạy bén mới kiếm được nhiều tiền.
Vì vậy, có thể vạch xuất phát không được như người ta, nhưng đừng phàn nàn về số phận, chỉ bằng cách biết cách quan sát vận may trong tương lai, bạn mới có thể mang lại may mắn cho bản thân và tìm thấy thành công.
Tham vọng quá nhiều, lợi ích không thấy đâu mà chỉ toàn "quả đắng"
Nếu một người có quá nhiều tham vọng thì sức lực sẽ bị phân bổ nhiều hướng, dẫn đến nhu nhược ý chí, cuối cùng chẳng đạt được gì.
Có người từng hỏi tỷ phú người Mỹ Warren Buffett làm thế nào để thành công như ông. Buffett đã trả lời như sau: "Trước hết, bạn phải chọn ra 25 thứ mà bạn đặc biệt muốn, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng, và tiếp tục làm phép trừ, và cuối cùng chỉ còn lại 5 thứ".
Nghe vậy, người kia nói: "Tôi hiểu, bước tiếp theo là làm 5 điều này với tất cả sức lực của mình và thực hiện 20 điều còn lại nếu có cơ hội".
Tuy nhiên, Buffett lại đáp: "Không, điều đó hoàn toàn sai. Bạn phải tránh 20 mục tiêu kia như tránh bệnh dịch. Bởi vốn dĩ đã rất khó để một người có thể thực hiện tốt 5 mục tiêu".
Quả thực, sức người là có hạn, nếu phân tán sức lực cho quá nhiều mục tiêu thì quá trình chưa chắc được thực hiện đến nơi đến chốn, bạn có vẻ rất bận rộn và mệt mỏi, nhưng không một chuyện nào được làm tốt cả. Điều này giống như một người thợ săn cùng lúc nhắm vào nhiều mục tiêu, lần lượt đuổi theo mục tiêu này, truy đuổi mục tiêu khác, trông có vẻ rất cần mẫn, nhưng cuối cùng lại trắng tay. Đối với thợ săn thông minh, mục tiêu của họ thường là duy nhất, tỷ lệ thành công tăng lên ngay lập tức.
Một người suy nghĩ nhiều cũng không phải là chuyện xấu, nhưng nếu cứ do dự, không quả quyết và phân tán sự tập trung thì nhất định không đi đến đâu. Chỉ khi biết cách từ bỏ một số mục tiêu và tập trung vào số ít, bạn mới có thể đẩy nhanh tốc độ và đến nơi bạn muốn nhanh hơn.
Trên đời không có cái gì luôn cao quý và bất biến
Câu nói “Trên đời không có cái gì luôn cao quý” nhắc nhở chúng ta đừng quá ỷ lại vào người khác, bởi trên đời này không có quý nhân mãi mãi giúp đỡ chúng ta. Như câu nói “dựa núi núi đổ, dựa cây cây ngã, cậy người người chạy”, chúng ta có thể nhờ vả người khác, nhưng không thể ỷ lại quá nhiều, ngược lại, một khi quý nhân ngã quỵ, bạn cũng gặp xui xẻo theo.
Hành sự không có nguyên tắc cố định bất biến, và con người phải biết điều chỉnh hành vi theo sự thay đổi.
Ví dụ, khi duy trì các mối quan hệ, nhiều người chỉ chú ý đến đối phương là người hữu ích và quyền lực. Kết quả là một khi nhóm quan hệ được cho là có giá trị này không còn nữa, họ sẽ không còn gì cả.
Cũng giống như trong môi trường công sở, nhiều người đã quen với sự ổn định hiện tại, thậm chí làm việc như một cái máy và quá quen nằm trong vùng an toàn. Song thời thế thay đổi, bạn cũng không thể chắc công việc cứ mãi như thế và liệu bản thân đủ năng lực để tranh đấu với thế hệ tiếp theo hay không. Lúc này, đào thải là chuyện sớm muộn.
Vì vậy, người thông minh thường biết cách phán đoán và điều chỉnh theo tình hình thực tế.