'Có nhà, có lương, có chó và mèo, tôi chẳng lấy chồng cũng được': Cô gái 9x kiếm 20 triệu đồng/tháng 'chán' cảnh kết hôn
Biếu bố mẹ 8 triệu đồng, tiết kiệm 7 triệu, còn 5 triệu chi tiêu cho bản thân. Tài chính như vậy là vừa đủ, thời gian cũng vô cùng quý giá. Chẳng có lý do gì tôi cần tìm thêm một người đàn ông để chia sẻ điều thứ 1, lãng phí điều thứ 2", cô gái 9x đời đầu chia sẻ.
Chẳng biết từ bao giờ, tư duy của người phụ nữ hiện đại đã có sự thay đổi khá nhiều so với những thế hệ cũ. Điều này thể hiện rất rõ trong vấn đề hôn nhân.
Khi mà ông bà, bố mẹ của chúng ta luôn coi việc kết hôn, sinh con đẻ cái là một điều "tất lẽ dĩ ngẫu" (không còn gì phải bàn cãi). Những người trẻ lại ý thức được rằng, "Kết hôn hay không, không quan trọng. Quan trọng là cách sống của mình."
Độc thân có nhà có xe, nuôi chó nuôi mèo
Chị Thanh Huyền (30 tuổi, Hà Nội) là một người như vậy.
Ở tuổi 30, chị thường xuyên đối mặt với những câu hỏi, lời nói "giục cưới" không chỉ đến từ bố mẹ, họ hàng, mà cả những người bạn cùng trang lứa và các đàn em quen biết.
"Chị đừng kén nữa, lấy chồng đi."
"30 tuổi rồi mà chưa cho các cô các bác ăn cỗ à?"
"Bằng tuổi cháu, con gái cô đã có 2 đứa rồi đấy nhé"...
Vô số câu hỏi tương tự như vậy với tần suất ngày càng dày lên khiến chị Huyền cảm thấy phát nản.
Chị luôn cảm thấy, trong mắt mọi người, "không lấy chồng" giống như thất bại. Chỉ có người nào sớm yên bề gia thất, có trai gái đông đủ mới được coi là thành công.
"Rốt cuộc thế nào là thành công? Sống cuộc đời mình thích, có thu nhập ổn định, biết chăm chút cho bản thân, dành thời gian báo hiếu bố mẹ... Tất cả những điều này còn chưa đủ là thành công hay sao?" Chị nói về quan điểm của mình.
Ở độ tuổi này, chị sở hữu một bề dày kinh nghiệm và thành tựu nhất định trong nghề. Điều này đem tới cho chị một vị trí với mức thu nhập ổn định trong công ty. Mỗi tháng, chị nhận lương từ 20 triệu đồng trở lên. "Khi nào được thưởng KPI, thưởng quý hoặc thưởng lễ, Tết, con số có thể lên tới 3x, 4x", chị tiết lộ.
"Sau khi nhận lương, tôi dành ra khoảng 15 triệu đồng để gửi cho bố mẹ và tự tiết kiệm cho bản thân. Trung bình tôi để ra khoảng 5 triệu đồng cho những khoản chi tiêu, mua sắm cá nhân khác. Tháng nào dư tiền thì tranh thủ tiết kiệm thêm, hoặc sắm sửa một số đồ gia dụng, điện tử tốn kém.
Bạn thấy đấy, thu nhập ở mức này hoàn toàn phù hợp với các nhu cầu sống của tôi. Thời gian dành cho công việc và bản thân cũng vừa đủ. Trong nhà nuôi thêm 1 chú chó và 1 chú mèo, đảm bảo không bao giờ thấy cô đơn hay nhàm chán.
Cứ như vậy, tôi hoàn toàn thoả mãn và hạnh phúc với hiện trạng. Nếu có thể tìm được một người thực lòng hợp ý, vậy thì tiến tới. Còn nếu không may chẳng thể gặp, vậy có gì phải lo?"
Giãi bày về nỗi lòng rồi, Thanh Huyền lại cười thật tươi và nói: "Hạnh phúc là khi chính mình an yên."
Lấy chồng hay không cũng chỉ là 1 lựa chọn, không thể quyết định cả đời người
Trước đây, những người phụ nữ không lấy chồng thường bị cho là quá khó tính nên mới độc thân. Nhưng xu thế giờ đã thay đổi.
Trên khắp thế giới, có thể thấy số lượng phụ nữ chọn sống độc thân đang ngày càng tăng trong những năm qua.
Theo The Guardian, phụ nữ chưa từng có cuộc sống như vợ chồng, hoặc chưa bao giờ kết hôn đang gia tăng ở mọi độ tuổi dưới 70.
Tại Anh, người ta ghi nhận từ năm 2002 đến 2018, tỉ lệ những người độc thân (chưa từng kết hôn) ở độ tuổi 40 tăng gấp đôi. Độ tuổi kết hôn trung bình cũng lên cao hơn cả, khi lần lượt đạt mức 31,5 ở nữ và 33,4 ở nam.
Và nó không chỉ là một hiện tượng phương Tây. Tại Hàn Quốc, theo khảo sát của Giáo sư Park Jeong-min của Đại học Quốc gia Seoul, chỉ 4% phụ nữ Hàn Quốc chưa kết hôn ở độ tuổi 20 và 30 coi hôn nhân và sinh con là điều cần thiết trong cuộc sống của họ.
Ngoài ra, hơn 53% phụ nữ đồng ý rằng, kết hôn và sinh con không quan trọng trong cuộc đời của họ.
Theo nghiên cứu của Đại học Houston, Phó Giáo sư về Nhân chủng học Dinah Hannaford và các đồng nghiệp của bà cho thấy, phụ nữ chọn không kết hôn với các lý do chính bao gồm: Đối phương ngoại tình; tăng cơ hội nghề nghiệp và có cuộc sống độc lập; cảm thấy an toàn hơn khi ở cùng bố mẹ và người thân.
Bà và nhóm nghiên cứu của mình cũng tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ của phụ nữ với gia đình ruột thịt của mình. Ở nhiều nhóm xã hội họ nghiên cứu, khi phụ nữ được lựa chọn giữa việc ở lại với gia đình hay là chuyển đến ở với chồng, họ chọn ở lại vì tin tưởng gia đình sẽ không bao giờ bỏ rơi, lừa dối hay phản bội họ.
Bà Hannaford cũng khẳng định, khi những cơ hội mới mở ra cho phụ nữ có thể giúp họ trở nên tốt hơn mà không cần hôn nhân, họ sẽ chọn chúng.
Bản thân chị Thanh Huyền cũng vậy. "Sống cuộc đời độc thân chất lượng cao vẫn tốt hơn là 'trói mình' vào một cuộc hôn nhân chất lượng thấp chứ, đúng không?", chị nói.
'Team qua đường' tóm gọn Bảo Anh đi diễn hậu nghi vấn mang thai: Visual sắc nét nhưng vẫn trùm đồ giấu dáng?