Có người lương cứng 8 triệu/tháng sáng chỉ uống C sủi mua được ô tô, người nhờ có xe mà kiếm tiền tỷ
Quan điểm mới lạ của người trẻ trong câu chuyện mua ô tô.
Chuyện mua nhà mua xe chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đặc biệt khi mà mọi thứ trở nên đắt đỏ như hiện tại nhưng mức thu nhập thì không theo kịp tốc độ của chi phí để sắm sửa những tài sản lớn. Dù vậy, hiện nay, có nhiều người đã sở hữu cho mình chiếc ô tô riêng ở độ tuổi còn rất trẻ.
Mua ô tô khi lương cứng dưới 10 triệu/ tháng
Ngọc Linh đã “tậu” cho mình chiếc ô tô xinh xắn khi vừa mới 23 tuổi. Lúc mua xe, mức lương của cô bạn 5 triệu/ tháng. Ngoài ra, Ngọc Linh còn có thêm khoản thu nhập đến từ hoa hồng bán BĐS, cộng thu nhập từ việc kinh doanh và đầu tư.
Được biết, cô bạn đã mua xe với giá trị trên hợp đồng là 370 triệu đồng chưa bao gồm thuế trước bạ. “Do mình được hưởng một số ưu đãi, tổng số tiền cuối cùng mình phải trả là 360 triệu đồng. Lúc mình mua chiếc xe này cũng là khoảng thời gian ra trường, do vậy bố mẹ đã hỗ trợ 50% khoản tiền mình mua xe, coi như phần thưởng tốt nghiệp”.
Theo Ngọc Linh, quyết định mua xe của mình đến từ 2 lý do. Ngoài chương trình giảm giá trong thời điểm mua, tính chất công việc yêu cầu cô bạn phải di chuyển khá nhiều, đi khảo sát thị trường và gặp khách hàng. “Có những hôm từ nhà mình qua dự án cách nơi mình ở khoảng 30km, trời mưa, cần qua gặp khách gấp, khi đó, mình chỉ ước có một chiếc xe ô tô để tiện đi lại”.
Bên cạnh đó, Ngọc Tài (sinh năm 1996) mua đứt chiếc ô tô giá lăn bánh 780 triệu trong năm 2022. Được biết cậu bạn đã mất khoảng 4 năm để mua xe, từ những năm bắt đầu làm agency đến giờ lương cứng cũng chỉ khoảng 8-12 triệu. “Nhưng mình là kiểu người lao đầu vào làm. Có những thời điểm mình phải tận dụng hết thời gian, tan làm trên công ty 18h, thì mình tính toán về nhà, ăn tối và vệ sinh cá nhân chỉ được trong 1 tiếng. Sau đó mình lại bắt đầu ngồi ngay vào laptop để làm việc tới khuya 1-2h. Sau đó đi ngủ và mỗi ngày lặp lại như thế”.
Ngoài ra, dân đi làm văn phòng, đặc biệt là thế hệ Gen Z ở agency buổi sáng sao có thể thiếu được Starbucks, Phúc Long, trà sữa,... nhưng đồ uống yêu thích mỗi sáng của cậu bạn chỉ là 1 viên sủi vitamin C.
Ngọc Tài - Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, Ngọc Linh nhấn mạnh “Nếu nguồn thu nhập chỉ đến từ mức lương 8 triệu/ tháng sở hữu một chiếc ô tô, kể cả khi độc thân hay có gia đình thì mình đều thấy khá khó khăn. Mình nghĩ các bạn trẻ nên chủ động tìm kiếm nhiều nguồn thu nhập từ nhiều công việc khác nhau. Học tập, học thêm những kỹ năng mới, làm thêm một việc gì đó để tối đa nguồn thu nhập của bản thân. Dành tiền để có khoản vốn đầu tư, khi đó sở hữu một chiếc xe hơi sẽ dễ dàng hơn”.
Mua ô tô có phải là tiêu sản?
Thu Hà (cô gái 29 tuổi, Đắc Lắc) đã mua đứt chiếc xe với giá lăn bánh tại Việt Nam vào khoảng 700 triệu. Bên cạnh đó, trước ý kiến mua ô tô là tiêu sản, Thu Hà không đồng ý với quan điểm này. Cô bạn cho rằng thường thì định nghĩa thành công trong mắt những người đi trước sẽ là nhà lầu, xe hơi, có của ăn của để, có nhiều đất, nhiều thứ để người ta nhìn thấy mà hâm mộ. Nói chung, theo quan niệm của thế hệ trước là phải có tài sản tích trữ bằng hiện vật, có thể sờ nắm, quy đổi ra tiền.
“Nhưng thế hệ Millennials chúng mình không nghĩ thế. Mình không muốn mua nhà đắt tiền, lại càng ít muốn mua xe sang. Thực tế, thứ mình muốn sở hữu là những thứ tiền đẻ ra tiền, để tiền có thể quy đổi thành nhiều tiền hơn. Mình vẫn thuê nhà chung cư ở, nhưng quyết định mua 1 chiếc xe giá khoảng 700 triệu, mục đích chính là dùng phục vụ cho nhu cầu đi lại, không hơn không kém”.
Đối với Thu Hà, một chiếc xe 700 triệu giúp cô bạn kiếm thêm cả tỷ bạc, chứ không phải là món đồ tiêu sản như mọi người thường định nghĩa. Ô tô chỉ là phương tiện di chuyển, phục vụ cho công việc.
Cùng quan điểm với Thu Hà, Ngọc Linh cho rằng đối với công việc thuộc khối kinh doanh đi lại nhiều, có khi đi gặp khách hàng, có lúc đi khảo sát dự án, cần chủ động về thời gian và phương tiện. Vậy nên, việc mua xe với mình là cần thiết, nó giúp tạo nhiều thu nhập hơn cho cô bạn.