Có nên tổ chức thi hoa hậu tại động Thiên Đường?
(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức một phần cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017 tại động Thiên Đường (thuộc di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình), dù vẫn chỉ là ý tưởng nhưng đang nhận về những ý kiến trái chiều.
- Xây cáp treo gần hang Sơn Đoòng tại Phong Nha Kẻ Bàng: Di sản Thế giới có nguy cơ vào 'danh sách đen'
- Phong Nha Kẻ Bàng- 5 năm nhìn lại
Thể thao &Văn hóa (TTXVN) trao đổi với PGS-TSTạ Hòa Phương (Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa chất, ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam và từng có gần 20 năm tham gia nghiên cứu hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
PGS Phương cho biết:
Khi nhắc tới cụm Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng ta thường nghĩ tới hang Sơn Đoòng. Nhưng, về bản chất, Sơn Đoòng chỉ là hang động có quy mô lớn nhất, còn động Thiên Đường mới được đánh giá cao nhất về mặt mỹ học.
Về quy mô, động Thiên Đường có chiều dài hơn 30 km, chiều rộng nơi lớn nhất lên tới hơn 150 mét, chiều cao từ 60 – 80 mét, có sức chứa cả ngàn người. Không gian này đủ sức đáp ứng việc tổ chức một sự kiện lớn như cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới.
PGS.TS Tạ Hòa Phương
Tuy nhiên, về bản chất, hang động tự nhiên có những đặc thù rất riêng so với các loại hình di sản khác. Vắn tắt, đó là một thế giới gần như hoàn toàn cách biệt với bên ngoài về môi trường, ánh sáng, điều kiện tự nhiên. Và, khi chấp nhận sự "xâm lấn" từ bên ngoài, thì hệ sinh thái sẵn có của môi trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.
Tôi chưa rõ sẽ có bao nhiều người xuất hiện nếu cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới tổ chức tại hang động này. Nhưng ngoài vấn đề về lượng người, đó còn là câu chuyện về sự xuất hiện của hệ thống trang thiết bị kĩ thuật, máy móc, âm thanh, ánh sáng và cả nhà vệ sinh lưu động nữa. Dù chỉ lắp đặt tạm thời, nhưng quá trình thao tác chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới kết cấu tự nhiên vốn rất nhạy cảm của hang động.
Thực tế, vì mục đích du lịch, chúng ta đã khai thác một số hang động tại Phong Nha Kẻ Bàng để đón khách. Và theo quan sát của tôi, những hoạt động này bước đầu đã để lại tác động về cảnh quan và hệ sinh thái của các hang. Nhiều nhũ đá tự nhiên đã bị hư hại, đặc biệt là các loại "nhũ tươi" cũng đang trở nên khô dần và bị rêu mốc phủ đầy. Những tổn thất ấy về tự nhiên ấy không thể khắc phục được.
Bên trong động Thiên Đường (Quảng Bình)
Trên thế giới, di sản hang động là loại hình luôn được ưu tiên bảo vệ hàng đầu trong du lịch. Tại nhiều quốc gia, những hang động có giá trị cao luôn được kiểm soát chặt về lượng khách tham quan, hoặc trong một số trường hợp chỉ dành cho giới khoa học hoặc các nhóm du lịch mạo hiểm nhỏ. Ta đem người đẹp vào đó để thi Hoa hậu có thể tạo ấn tượng trước mắt, nhưng chưa chắc đã là cách làm để họ đánh giá cao mình về lâu dài.
Theo tôi được biết, UNESCO không có quy định quá chi tiết về việc tổ chức hoạt động tại khu vực di sản, mà chỉ đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo tồn. Nhưng với trường hợp của động Thiên Đường, tôi thấy việc tổ chức thi Hoa hậu tại đó là không hợp và không nên.
Sơn Tùng (ghi)