Có một 'Trại hoa vàng' rất khác
(Thethaovanhoa.vn) - Những ai đã say mê câu chuyện tình tuổi ô mai của Chuẩn và Cẩm Phô trong Trại hoa vàng hẳn sẽ có chút ngỡ ngàng khi xem hết vở nhạc kịch dựa trên cuốn sách rất nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng thực tế, đó lại là ý tưởng của những người trong cuộc.
1. Tối 13/9, vở nhạc kịch này (biên kịch Hoàng Trang, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết) đã chính thức ra mắt tại Nhà hát Tuổi trẻ, theo một dự án phối hợp với Thành đoàn Hà Nội.
Đây cũng là vở diễn đầu tay của Tuyết, người từng có nhiều năm làm việc tại đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ. Và là vở đầu tay, nên chị chăm chút cho Trại hoa vàng theo cách rất kỹ lưỡng và chỉn chu. Như lời Tuyết, làm một vở diễn cho khán giả ở độ tuổi học trò là không hề dễ.
“Tôi rất hiểu những gì Ánh Tuyết làm. Nói thẳng thắn, nếu chia theo từng độ tuổi khác nhau, Nhà hát Tuổi trẻ không có nhiều vở diễn dành cho lứa tuổi từ 15 - 22 trong những năm gần đây. Bởi, cái tuổi vừa đáng yêu, vừa dở dở ương ương ấy cần những câu chuyện của mình và viết cho mình, thay vì cách suy nghĩ mặc định mà người lớn tưởng tượng” - NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói - “Và với những gì đã bỏ công, có thể nói, bước đầu Trại hoa vàng đã xứng đáng để bù vào khoảng trống ấy”.
Không khó hiểu, khi Ánh Tuyết chọn một cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn chuyên viết cho lứa tuổi mới lớn - để làm tiền đề cho vở diễn của mình. Như lời kể, chị và biên kịch Hoàng Trang đã “nâng lên đặt xuống” nhiều lần các tác phẩm của ông, để rồi tìm tới Trại hoa vàng - câu chuyện khá trong trẻo, cuốn hút và đậm màu sắc của tuổi học trò, với một kết thúc có hậu. Có điều, như lời Hoàng Trang, chừng đó vẫn chưa khiến họ yên tâm, bởi lớp trẻ bây giờ cũng đã khác ít nhiều so với thời điểm nhà văn viết Trại hoa vàng.
Bởi thế, một cuộc khảo sát trên mạng đã được Trang và Tuyết thực hiện với 1.000 bạn trẻ để tìm hiểu về những điều mà họ quan tâm nhất. Và kết quả nhận về: Một trong những vấn đề “nóng” nhất chính là chuyện... hướng nghiệp, với 2 nguyện vọng chung của những người tham gia: Được tự do lựa chọn và được thể hiện chính mình.
Ý tưởng lồng ghép câu chuyện hướng nghiệp với những gì được đề cập tới trong Trại hoa vàng ra đời. Và khi gặp Lê Anh Tuấn, một người bạn cũ hiện đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên (Thành đoàn Hà Nội), đạo diễn Ánh Tuyết nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ.
“Chúng tôi cũng đã từng rất băn khoăn về câu chuyện hướng nghiệp hiện nay. Đó là một vấn đề lớn, và cứ tuyên truyền, giáo dục cho các em bây giờ theo một lối mòn cũ thì không ổn. Bởi thế, khi gặp dự án của Tuyết, tôi rất mừng” - có mặt trong đêm công diễn 15/9, anh Tuấn cho biết - “Gửi gắm những tình huống, những bài toán muôn thuở là nên học đại học hay học nghề, nên chọn nghề nào trong muôn nghề... vào một tác phẩm như vậy là cách làm khá thú vị và hợp lý để những thông điệp cần thiết có thể đến được với người xem”.
- Đức thí nghiệm trên sân khấu hòa nhạc để xem các buổi tụ tập lan truyền Covid-19 như thế nào?
- Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều sân khấu chật vật hoạt động trong mùa dịch
2. Từng là ca sĩ, cựu thành viên của nhóm nhạc “Con gái”, cũng dễ hiểu khi NSƯT Ánh Tuyết chọn hình thức nhạc kịch cho vở diễn đầu tay của mình. Ở một chừng mực, lựa chọn ấy cũng là phù hợp cho câu chuyện “hướng nghiệp” nhẹ nhàng, với tiết tấu nhanh và khá nhiều bài hit đang được khán giả trẻ yêu thích.
Như lời chị, việc tìm được các gương mặt đảm bảo đủ 3 khả năng diễn xuất - hát - thể hiện vũ đạo... là điều không dễ trong mặt bằng diễn viên hiện nay. Bởi thế, bên cạnh việc “gom” một số diễn viên từ đoàn kịch và đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ, sức nặng của vở diễn chủ yếu được đặt lên vai các diễn viên Yến My (vai Cẩm Phô), Du Ka (Phú ghẻ), Lệ Quyên (Thảo) và đặc biệt là Quang Trọng trong vai Chuẩn.
Giống như nguyên tác, vở nhạc kịch vẫn là câu chuyện về Chuẩn, chàng trai nghèo, thích trồng hoa và luôn mơ ước sau này sẽ làm chủ một trang trại hoa. Đồng hành với Chuẩn là Cẩm Phô, cô gái nhà giàu được anh gửi gắm những rung động đầu đời. Nhưng, khác với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, câu chuyện được “lướt” khá nhanh, để đặt tình cảm của 2 bạn trẻ ấy vào bối cảnh năm học cuối cấp 3, khi họ phải chọn trường, chọn nghề để có một hướng đi trong cuộc sống.
Sẽ rất khó để so sánh, giữa vài trăm trang viết của một Trại hoa vàng với một vở nhạc kịch - thể loại còn khá mới trong đời sống giải trí hiện tại. Và cũng khó để so sánh giữa sự trong trẻo, lãng mạn và thuần khiết ở nguyên tác, với câu chuyện đã được nhào nặn lại để chuyển tải một câu chuyện khá nghiêm túc là hướng nghiệp. Bởi thế, có lẽ những người vốn quen với tư duy của kịch nói sẽ không thật ưng ý với đoạn kết đậm màu... lãng mạn, khi tất cả những nhân vật chính đều thành công trên con đường lập nghiệp của mình.
Nhưng, không phủ nhận, một nhạc kịch Trại hoa vàng nhiều màu sắc, với những bản hit khá nổi tiếng như Và thế là hết, Thật bất ngờ, Con đường tôi Bohemian Rhapsody... sẽ là một lựa chọn để người xem quan tâm khi nói về câu chuyện hướng nghiệp, với thông điệp giản dị nhưng vẫn có sức hút: Hãy khám phá chính mình, sống có ước mơ và trọn vẹn với ước mơ ấy.
Anh Bảo