Cố hương
(Thethaovanhoa.vn) - “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”. Mỗi con người sinh ra như hoa, như lá từ nguồn cội gốc rễ quê hương. Chính tình cảm, sự gắn bó với quê hương là cơ sở để hun đúc nên những tình cảm lớn lao hơn khi con người trưởng thành. Về thăm quê nhà báo Lưu Vạn Kha, Lê Duy Truyền, Lê Xuân Thành - ba trong số nhiều đồng nghiệp nhiều gắn bó với tôi ở TTXVN - tôi thêm hiểu điều ấy.
Thể thao và Văn hóa xin trân trọng giới thiệu ghi chép của Nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hưởng tới quý độc giả.
Nhà báo Lưu Vạn Kha: Con người in dấu tài hoa miền Kinh Bắc
Biết nhau gần nửa thế kỷ, cùng làm việc nhiều năm, gần đây tôi mới có dịp về thăm quê của nhà báo Lưu Vạn Kha - thôn Phù Lưu, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh.
Đây là một ngôi làng cổ gần bên sông Cầu, vùng Kinh Bắc, quê hương của những làn điệu quan họ bao đời duyên dáng đắm say, của những di tích lịch sử, những truyền thuyết đã in đậm trong đời sống tinh thần người Việt.
Chúng tôi đã cùng Nhà báo Lưu Vạn Kha đi dọc phòng tuyến sông Cầu năm xưa, đến bến sông Như Nguyệt, nơi Thái uý Lý Thường Kiệt đọc bài thơ Thần, tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước.
Chúng tôi đến thăm đển thờ Lý Thường Kiệt đang xây dựng, đi qua những làng xóm thân thuộc bao đời, nơi luôn văng vẳng tiếng canh cửi và ngân nga những làn điệu dân ca đã truyền qua bao thế hệ.
Làng Phù Lưu đang có những biến đổi nhưng nét xưa vẫn còn. Vẫn mái đình, bến nước, ngôi chùa cổ và những con đường gạch nhỏ mà theo lệ làng ngày xưa, những chàng trai về làm rể Phù Lưu góp sức làm nên.
Nhà của Nhà báo Lưu Vạn Kha ở giữa làng, một trong bốn ngôi nhà đại khoa còn lại đến nay của Phù Lưu. Ông nội anh đã xây dựng từ hơn 100 năm trước, đến nay vẫn khá nguyên vẹn.
Là con trai duy nhất trong gia đình, lại là trưởng một chi họ, tuy xa quê từ khi còn trẻ, nhưng Lưu Vạn Kha vẫn rất gắn bó với quê nhà. Ngôi nhà cổ của gia đình anh giờ có một người cháu đến trông nom nhưng hàng năm, anh vẫn tự bỏ tiền tu sửa, gìn giữ.
Năm nào Lưu Vạn Kha cũng về quê chủ trì lễ giỗ tổ, họp mặt đông đủ họ hàng để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân. Các công việc liên quan đến quê hương, dòng họ anh vẫn lo toan chu đáo.
Lần ấy, cùng các Nhà báo Phạm Đình Lợi, Ngô Hà Thái, chúng tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với một số người dân làng Phù Lưu. Trong câu chuyện kể, họ nhắc đến bác Lưu Vạn Khoa, bố Nhà báo Lưu Vạn Kha nhiều kỷ niệm tốt đẹp: Một cán bộ hoạt động cách mạng từng bị tù đày trong kháng chiến chống Pháp, một phó chủ tịch huyện gần dân, giản dị và là một người đứng mũi chịu sào trong chiến tranh chống Mỹ trên đất Yên Phong, một người cha hết lòng vì gia đình, vợ mất sớm vẫn ở vậy nuôi các con khôn lớn... Bữa cơm ấy ở Yên Phong nâng chén rượu đậm tình quê, với sản vật chim trời cá nước, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình đất, tình người trên mảnh đất này.
Nhà báo Lưu Vạn Kha từng là Phó TBT báo Việt Nam News, Phó TBT báo Thể Thao & Văn Hoá, phóng viên TTXVN nhiều năm ở CuBa, Italy. Anh viết báo, làm thơ, chơi thể thao giỏi... Nhiều nét tài hoa trong con người anh in đậm dấu vết của miền Kinh Bắc quê hương.
Nhà báo Lê Duy Truyền và nơi "neo đậu bến quê"
Nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, TBT báo Tin Tức, người thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ngôi làng nhỏ này nằm ngay bên bờ sông Bút Sơn, một vùng quê êm đềm gắn với tuổi thơ của anh. Tôi đã về thăm quê Lê Duy Truyền và có dịp hiểu về cuộc sống và con người ở đây.
Điều khá bất ngờ là riêng huyện Hoằng Hoá quê anh đã có 15 di tích lịch sử cấp quốc gia và gần 70 di tích cấp tỉnh. Một mật độ dày đặc trên một vùng đất nhiều chứng tích, dấu ấn của quá khứ. Chúng tôi đã có dịp viếng đền thờ Trạng Quỳnh, thăm tượng đài các cụ lão dân quân Hoằng Hoá, cửa Lạch Trường với đài kỷ niệm Hải quân Vệt Nam đánh thắng trận đầu. Những di tích ấy đều không xa làng quê của Nhà báo Lê Duy Truyền.
Lần đầu chúng tôi về thăm nhà anh Lê Duy Truyền khi anh đang xây nhà. Ngôi nhà mới trên nền đất cũ đang làm, ngôi nhà ngang cũ vẫn còn. Đây là phần đất của gia đình được thừa hưởng từ đời trước, nơi bố mẹ và các anh em Lê Duy Truyền sống từ nhỏ. Bây giờ, các cụ đã qua đời. Người anh trai của anh, liệt sĩ Lê Duy Quang, hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 . Các em gái đều lấy chồng xa, không ở làng. Lê Duy Truyền vẫn về xây nhà ở quê. Anh bảo: "Đất vườn các cụ để lại, em xây để làm nơi thờ cúng và lấy chỗ đi về của anh em, con cháu. Còn họ mạc xóm giềng. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của mình".
Lần ấy, chúng tôi ngồi trò chuyện ở ngôi nhà ngang. Căn nhà nhỏ với những cột gỗ, rui mè từ thế kỷ trước, nơi Lê Duy Truyền tạm chuyển ban thờ có di ảnh bố mẹ và người anh trai đã hy sinh xuống. Chúng tôi nghe anh kể chuyến đi tìm mộ người anh trai ở miền tây Hải Lăng, Quảng Trị, một chuyến đi với nhiều vất vả nhưng cũng có những may mắn.
Chúng tôi cũng có dịp gặp và trò chuyện với ông Lê Doãn Miện, một người anh em trong họ với Lê Duy Truyền, từng là bộ đội hải quân, phục viên về làng. Chúng tôi chia sẻ những kỷ niệm thời cùng quân tình nguyên Việt Nam giúp nhân dân CamPuChia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot thời kỳ 1978-1980. Đơn vị của ông Lê Doãn Miện tham gia cùng quân đoàn 2 ở phía Nam, trực tiếp trong các trận đánh ở cảng Kong Pong Som... Qua những câu chuyện ấy, tôi hiểu, ở mỗi làng quê như thôn Tế Độ này, kỷ niệm về những người đã hy sinh, về một thời chiến trận luôn là một phần trong ký ức của mỗi người dân.
Lần thứ hai, tôi cùng một số đồng nghiệp ở TTXVN về thăm mừng Lê Duy Truyền đã làm xong nhà. Ngôi nhà nhỏ nhưng khá khang trang trên đất cũ, nơi neo đậu của Lê Duy Truyền với làng quê thân thuộc của mình.
Nhà báo Lê Xuân Thành với truyền thống đáng tự hào của dòng họ Lê Xuân
Cũng là một người con của Hoằng Hoá, Nhà báo Lê Xuân Thành, TBT báo Thể Thao & Văn Hoá - TTXVN quê ở thôn Đông Thành, xã ven biển Hoằng Tiến, kề bên cửa Lạch Trường.
Nhà báo Lê Xuân Thành thuộc lớp cán bộ trẻ hơn nhưng cũng đã sớm trải qua các cương vị công tác khác nhau. Anh từng là Phó trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ TTXVN, Phó Giám đốc cơ quan đại diện TTXVN tại Miền Trung và Tây Nguyên... Dòng họ Lê Xuân của anh đã nhiều đời gắn bó với mảnh đất này. Cụ Lê Xuân Tuyển, còn gọi là cụ Đội Tám, cụ nội nhà báo Lê Xuân Thành, là một người chỉ huy nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Đền thờ cụ Đội Tám hiện giờ được công nhận là di tích lịch sử của địa phương.
Các con cháu của cụ Đội sau này đều tiếp nối truyền thống gia đình, tham gia vào các công việc chung. Ông Lê Xuân Kỳ, bố của nhà báo Lê Xuân Thành, là cán bộ tiền khởi nghĩa, sau có thời gian làm báo Sự Thật, rồi là một cán bộ chủ chốt của ngành công nghiệp thực phẩm. Ông Lê Xuân Lan, bác ruột của anh, cũng hoạt động cách mạng từ sớm, là chủ tịch đầu tiên của huyện Hoằng Hoá sau năm 1945. Hiện nay ở Hoằng Hoá có một trường học mang tên ông...
Chúng tôi đã về thắp hương ở nhà thờ họ Lê Xuân và nhà thờ cụ Đội Tám và hiểu rằng truyền thống đáng tự hào của dòng họ, gia đình và quê hương đã là nền tảng nâng bước lớp con cháu như Lê Xuân Thành trên mỗi bước đường trưởng thành.
Khu du lịch sinh thái Hải Tiến trên địa bàn các xã Hoằng Hải và Hoằng Tiến ở Hoằng Hóa đang có sức thu hút du khách các nơi. Khu du lịch này đang mở rộng và góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng biển nghèo trước đây. Chúng tôi đã có dịp về Hải Tiến, gặp gỡ với anh Lê Xuân Thảo, con bác Lê Xuân Lan, bác ruột nhà báo Lê Xuân Thành. Chính anh Thảo là người từ nhiều năm trước đã theo đuổi ý tưởng và dành nhiều công sức cùng gia đình, anh em để Hải Tiến có được sự phát triển như ngày hôm nay.
***
“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi ...”. Mỗi con người sinh ra như hoa, như lá từ nguồn cội gốc rễ quê hương. Chính tình cảm , sự gắn bó với quê hương là cơ sở để hun đúc nên những tình cảm lớn lao hơn khi con người trưởng thành. Về thăm quê các anh Lưu Vạn Kha, Lê Duy Truyền, Lê Xuân Thành- ba trong số nhiều đồng nghiệp nhiều gắn bó với tôi ở TTXVN - tôi thêm hiểu điều ấy.
Xin kết thúc những chia sẻ này bằng việc nhắc lại ý kiến của nhà văn xô viết nổi tiếng Ilya Ehrnburg từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong thế hệ chúng tôi: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật bình thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Trần Mai Hưởng