Cơ hội nào cho thị trường truyện tranh Việt Nam?
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Truyện tranh, manga & Co. - Văn hóa truyện tranh mới của Đức khai mạc lúc 18h chiều qua (14/6) tại Nhà trưng bày và triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1) là một nỗ lực của người Đức trong việc quảng bá và cắt nghĩa một loại hình văn hóa xuyên quốc gia này.
Truyện manga (mạn họa) của Nhật vào Đức khoảng đầu thập niên 1980 và mới thực sự đình đám ở Đức chừng 5-7 năm trở lại đây, nhưng đến nay đã chiếm gần 70% thị phần truyện tranh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Triển lãm đặt ra một ý niệm, mới nghe thấy ngồ ngộ: Một chiếc xe đạp bị đánh cắp, một con thỏ bị cận thị và một chàng ca sĩ có điểm gì chung? Đúng - không có gì cả! Nhưng cùng với rất nhiều nhân vật khác, chúng làm nên triển lãm này, gồm 55 truyện tranh của 13 họa sĩ. Triển lãm đi từ những truyện tranh kiểu “cổ điển”, đến truyện tranh kiểu comic và manga, thể hiện sự không giới hạn về dòng chảy truyện tranh nói chung của Đức.
Xuyên văn hóa
Tại đây có hai thế hệ họa sĩ truyện tranh Đức khác nhau được giới thiệu. Nếu Jens Harder là những bức vẽ giàu chi tiết và mang tính khoa học tự nhiên, thì Reinhard Kaiser là những câu chuyện ly kỳ, một tiểu thuyết đồ họa. Bên cạnh đó là các câu chuyện được vẽ theo phong cách manga dành cho các cô bé của Christina Plaka. Đức còn có các tên tuổi truyện tranh khác như Anike Hage, Detta Zimmermann.
Trong bài nghiên cứu Transcultural Hybridization in Home-Grown German Manga (tạm dịch: Sự lai tạp xuyên văn hóa trong truyện mạn họa tự phát của Đức), Paul M. Malone (ĐH Waterloo, Canada) viết: “Năm 2000, khi Christina Plaka đến Carlsen Verlag để trình bản vẽ xin việc, họ nói cô ấy không có cơ hội. Không phải vì cô ấy là phụ nữ, thậm chí không vì cô ấy 17 tuổi, mà vì nhà xuất bản biết độc giả chẳng mấy ai quan tâm đến truyện manga do họa sĩ Đức vẽ. Một thập niên sau, sách của Plaka được xuất bản, tình hình người đọc đã thay đổi, rất đông người Đức đã chịu mua”. Đây cũng là thời điểm mà nhiều bài báo và nghiên cứu đã nói đến khái niệm “truyện manga Đức”.
Tranh phong cách Manga Đức tại triển lãm |
Thông thường, với độc giả nữ, một nửa truyện tranh là vẽ về các chủ đề cuộc sống thường nhật (trường học, tình bạn hay tình yêu), nửa còn lại về chủ đề “biểu tượng” (thiên thần và ác quỷ). Với độc giả nam, là những chủ đề về công nghệ mới và khoa học viễn tưởng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, manga kiểu Đức có nhiều chủ đề hơn so với manga gốc tiếng Nhật. Năm 2007, truyện phong cách manga chiếm khoảng 70-75% số truyện tranh xuất bản ở Đức, số độc giả nữ vượt xa độc giả nam.
Ảnh hưởng của truyện tranh Đức đã vượt ra ngoài thế giới của truyện tranh, nó đã đi vào nền văn hóa đại chúng. Đây có lẽ là lý do mà trong 2-3 năm gần đây, Đức đã có những nghiên cứu chuyên sâu về manga nội địa, một phần để giải thích cho trào lưu tác động lớn tới thẩm mỹ và tư tưởng của giới trẻ, phần khác là tìm cách quảng bá ra quốc tế. Sau những triển lãm quốc tế bài bản thế này, manga kiểu Đức sẽ dần dần được dịch ra ở nhiều nước, không loại trừ Việt Nam.
Việt Nam thì sao?
Tiền đề của tranh manga xuất hiện ở Nhật từ thế kỷ thứ 5, thứ 6, định danh từ thế kỷ 18, nở rộ thì phải đến sau Thế chiến II. Nó được dịch ra nhiều ngôn ngữ, sớm nhất là Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mexico, Argentina, Tây Ban Nha, Italia… và cả Việt Nam.Manga Nhật xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thập niên 1980, chủ yếu do dịch lậu, in lậu và hàng xách tay. Bộ truyện đầu tiên được mua bản quyền chắc là Doraemon (Đôrêmon), năm 1996, sau đó là Thám tử lừng danh Conan, năm 2000. Hai bộ này được độc giả chào đón nồng nhiệt, NXB Kim Đồng bội thu.
Đến nay, ngoài NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, TVM Comics, Vàng Anh Comics… thì vẫn còn nhiều đơn vị khác đang rục rịch mua bản quyền manga Nhật. Bên cạnh đó là lượng truyện tranh lậu vẫn được cung ứng ồ ạt ra thị trường. Gần đây, những sách manga in nội dung từ phải qua trái được chào đón tại Việt Nam nhiều hơn số sách in từ trái sang phải.
Nhìn một cách nào đó, lịch sử truyện tranh theo phong cách manga của Việt Nam khá giống với Đức, nhất là ở khía cạnh: chỉ mới nở rộ trong khoảng 1-2 thập niên gần đây. Trong nỗ lực Việt hóa, những truyện tranh như Thần đồng đất Việt, Tí quậy, Cậu bé rồng… có thể gọi là manga kiểu Việt Nam. Điều này cũng giống như đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn, người ta đã Việt hóa truyện tranh phương Tây (comic) bằng các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Sơn Vương…
Tuy nhiên, có 2 điểm khác biệt: Thứ nhất, vì đặc thù, Việt Nam chưa có những khảo sát chính xác về doanh thu của truyện tranh nói chung để biết được sức mạnh ngoài thị trường. Thứ hai, chưa có nhiều điều tra xã hội học và nghiên cứu rộng rãi để biết được sức ảnh hưởng của nó.
Tại các nước mà manga Nhật đi qua, nó đều gây tác động đến diện mạo chung của nền mỹ thuật, các lĩnh vực thị giác, điều này chắc cũng có dấu ấn với Việt Nam.
Đó là chưa nói, theo các nghiên cứu, thì manga theo phong cách Nhật có ít nhất 20 thể loại khác nhau, mà trong đó dành cho trẻ em, thanh thiếu niên chỉ là một bộ phận, có rất nhiều loại chỉ dành cho người lớn, người đồng tính, kinh dị, võ thuật, tình dục… Nếu không xác định trước khi dịch và xuất bản, tranh cãi là điều hiển nhiên; thậm chí, không cần thiết.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa