Có gì trong 'Tháng năm rực rỡ' của Nguyễn Quang Dũng?
(Thethaovanhoa.vn) - Tuy ngày 9/3 tới đây Tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng mới công chiếu, nhưng thông tin về phim làm lại (remake) này đang được lan truyền khá rầm rộ. Có vẻ như công chúng đang khá tò mò với sự trở lại của Nguyễn Quang Dũng trong diện mạo trẻ trung hơn, sau chuyện buồn xa xứ của hai người già trong Dạ cổ hoài lang.
1. Không chỉ năm 2010 Nguyễn Quang Dũng đã có phim Những nụ hôn rực rỡ, mà gần như phim nào của đạo diễn này cũng đầy sự rực rỡ về hình ảnh, trang phục, màu sắc. Có lẽ vì vậy, khi làm lại phim Sunny của Hàn Quốc, cái tên Tháng năm rực rỡ đã dần dần thay thế Ngựa hoang?
Phim là hành trình tìm lại tuổi thiếu thời của Hiểu Phương (do Hồng Ánh thủ vai lúc trung niên) và nhóm Nữ quái ngựa hoang. Câu chuyện bắt đầu khi Hiểu Phương trung niên tình cờ gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung (Thanh Hằng), sau 26 năm xa cách, họ lại cùng thực hiện hành trình quay về ngày xưa, để cùng hoàn tất những dự định trong “tháng năm rực rỡ” của đời mình.
Thuở nhỏ, nhóm Nữ quái ngựa hoang gồm 6 cô gái tuổi 16 rực rỡ và nổi loạn. Họ đã có những kỷ niệm sâu sắc với nhau, bên cạnh đó là những giấc mơ dang dở mà phải 26 năm sau mới có hy vọng tiếp tục.
Phim có 6 vai chính gồm Hiểu Phương (do Hoàng Yến Chibi và Hồng Ánh thủ vai), Mỹ Dung (Hoàng Oanh - Thanh Hằng), Bảo Châu (Khổng Tú Quỳnh - NSƯT Mỹ Uyên), Thùy Linh (Trịnh Thảo - NSƯT Mỹ Duyên), Lan Chi (Minh Thảo - Tuyền Mập), và Tuyết Anh (Jun Vũ). Đây gần như là hai câu chuyện song hành, một về những nữ sinh đầy hoài bão và mơ mộng, một về những phụ nữ trung niên từng trải. Thời tuổi trẻ là những năm 1970 tại Đà Lạt, thời hiện tại là những năm 2000 ở TP.HCM, họ chỉ còn có 5 người.
Đây cũng là một hành trình hoài niệm về Đà Lạt thập niên 1970. Nguyễn Quang Dũng cho biết anh không chỉ có ý định tái hiện một Đà Lạt mộng mơ, mà còn vô cùng rực rỡ, với câu chuyện sôi động. “Thập niên 1970 trên thực tế cũng là giai đoạn rực rỡ bậc nhất của Đà Lạt, không chỉ về khoa học, văn chương, giáo dục, mà còn về lối sống, nghỉ dưỡng, du lịch… của khu vực miền Nam” - Nguyễn Quang Dũng nói.
xem còn có thể cùng các nhân vật tái hiện lại đời sống của những ca khúc đình đám một thời như Kim ơi (sáng tác: Y Vũ), Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy và Ngọc Chánh), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Yêu (Văn Phụng), Tôi muốn (Lê Hựu Hà)… Mỗi ca khúc sẽ có một câu chuyện riêng để dẫn dắt, để kể, chứ không làm nhiệm vụ “nhạc minh họa”.
2. Thời gian gần đây Việt Nam có nhiều phim được làm lại từ kịch bản ăn khách của Hàn Quốc. Có thể kể đến những phim đã chiếu và đang rục rịch làm như: Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi, đừng sợ!, Cô nàng ngổ ngáo, Ông ngoại tuổi băm… Đặc điểm chung của các phim này là phía sản xuất và đạo diễn không “tự ý” làm, mà thường được làm theo “gợi ý” từ phía Hàn Quốc.
Khi chấp nhận lời gợi ý là chấp nhận những điều kiện, những quy tắc được cài cắm phía sau. Phía Hàn Quốc - thông qua những công ty của mình tại Việt Nam - sẽ tài trợ và quảng bá đúng mức cho các phim này.
Phim Em là bà nội của anh được hưởng trọn vẹn các điều kiện tối ưu của sản xuất, truyền thông, phát hành… nên từng trở thành phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Lần này, Tháng năm rực rỡ cũng đánh dấu sự ra đời của công ty mới là CJ HK Entertainment, một liên minh giữa CJ (Hàn Quốc) và HK (Việt Nam). Ngoài đầu tư, CJ HK Entertainment còn phụ trách cả sản xuất, phát hành, và quan trọng nhất là giữ hồn cốt câu chuyện, giữ tinh thần văn hóa của Hàn Quốc.
Như Hà