Có gì trong phóng sự học sinh cấp 2 nghiện xem PK trên TikTok, "lách luật" chuyển khoản chỉ để được gặp idol?
Trò PK livestream với mục đích kiếm tiền, bày đủ trò phản cảm thu hút nhiều lượt xem trên TikTok, đặc biệt có cả trẻ ở độ tuổi vị thành niên khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Với người dùng TikTok, livestream trên nền tảng này dường như là câu chuyện đã quá quen thuộc. Tuy nhiên càng ngày, nội dung livestream càng biến tướng, tập trung vào các yếu tố phản cảm, gây sốc, gây ảnh hưởng lệch lạc đến người xem.
Trong đó, phải kể đến chiêu thức PK (Player Killing - tiêu diệt đối thủ) hay còn gọi là livestream đôi, đối đầu xem ai được nhiều lượt thích và quà tặng hơn từ người xem trực tiếp. Theo đó, những người tham gia PK sẽ đặt ra thử thách cho đối phương, ai thua sẽ phải thực hiện. Đáng nói, những thử thách này có đủ từ hành động thô tục, phản cảm đến khoe thân.
Mới đây, trong bản tin trưa ngày 29/3, VTV24 thực hiện phóng sự: “Sốc - sến - hở: Muôn kiểu thách đấu phản cảm trên livestream”. Cụ thể trong phóng sự phản ánh hình thức PK livestream để kiếm tiền từ người xem với hàng loạt hình phạt cho người thua cuộc như bắt ăn theo cách thức của động vật, nhảy khiêu gợi,... Đáng chú ý, việc một bộ phận đông người dùng “chìm đắm” vào những livestream này đã tiêu tốn rất nhiều tiền để mua quà gửi cho thần tượng. Đặc biệt, có cả những em nhỏ dưới tuổi vị thành niên, đang là học sinh cấp THCS cũng “nghiện” xem PK.
Người xem có thể bỏ tiền lên đến 1 tháng lương để tặng quà
Cơ bản, cách để xác định người chiến thắng trong một phiên PK dựa vào lượt yêu thích cũng như quà tặng mà họ nhận được từ người xem trực tuyến. Số tiền người xem bỏ ra càng cao thì người chơi được nhận sẽ thắng cuộc. Sau đó, số tiền này sẽ được chia sẻ theo quy định giữa nền tảng và người chơi.
Trong phóng sự, TikToker Nguyễn Thị Yến tiết lộ: “Những bạn fan yêu quý mình họ có thể bỏ ra số tiền bằng 1 tháng lương. Món quà lớn nhất mình nhận được là sư tử có giá 10 triệu. Các bạn fan sẽ nạp 10 triệu và khi quy đổi ra mình sẽ nhận về được tầm 3,5 triệu”.
Có thể nói, mặc dù TikTok đã giữ lại rất nhiều phần trăm số tiền do người xem donate (ủng hộ) nhưng các TikToker thực hiện PK livestream vẫn có thể kiếm được số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng trong một tháng.
Cũng chính vì cách kiếm tiền quá dễ dàng mà những người livestream ngày càng mọc lên như nấm. Không những vậy, họ nghĩ ra đủ chiêu trò câu view, câu like để kêu gọi người xem tặng quà, thả yêu thích để quy đổi ra tiền. Càng những hình thức PK sốc, càng thu hút nhiều lượt xem.
Học sinh cấp 2 chưa đủ tuổi gửi quà vẫn “lách luật”, chuyển khoản tiền để được gặp idol
Những cuộc thách đấu thường diễn ra trong khoảng 5 phút, không mang nhiều hàm lượng thông tin nhưng lại khiến rất nhiều người “chìm đắm”. Chưa kể, người xem còn gọi những người mà mình yêu thích là idol, thần tượng và tự nguyện gửi tiền ủng hộ.
Tuy nhiên phóng sự nêu ra có rất nhiều người xem là trẻ ở tuổi vị thành niên, học sinh cấp 1, cấp 2 chưa nhận thức được hành vi, hành động của mình. Điều đáng nó, đã từng có trường hợp gia đình lên tiếng khi con gái lấy trộm 400 triệu để ủng hộ cho thần tượng.
Theo quy định của nền tảng TikTok, những bạn trẻ đang là học sinh cấp 2 chưa đủ tuổi để mua điểm, tặng quà cho thần tượng. Tuy nhiên, phóng sự của VTV khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nhiều em nhỏ đã thông thạo việc này bằng cách “lách luật”.
Thay vì nạp tiền đổi điểm trên TikTok, các bạn học sinh sẽ trực tiếp chuyển khoản, gửi tiền, gửi quà cho idol của mình. Một em học sinh còn thẳng thắn cho rằng xem PK là điều bình thường và cũng đã từng nhiều lần chuyển khoản, dành tiền mua quà để được gặp idol của mình.
Bên cạnh những vấn nạn về tiền bạc, các em học sinh còn là những người dễ bị ảnh hưởng, học theo hay bắt chước những nội dung nhảm nhí khi xem PK livestream. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại, sợ rằng con cái sẽ phát triển và có suy nghĩ lệch lạc vì loạt video dung tục, phản cảm trên TikTok.
Biết nhảm nhí, vô bổ nhưng vẫn xem vì sao?
Không chỉ trẻ em, rất nhiều người trưởng thành dù biết PK livestream vô bổ nhưng vẫn dành thời gian để xem đều đặn. Lý giải về điều này, một người dùng TikTok chia sẻ trong phóng sự: “Vì được tặng quà nhiều nên mình có xem. Cũng phải nói là nhiều, giá trị khá lớn”.
Cụ thể, để kéo thêm lượng người xem, những người livestream tung ra chiêu thức tặng quà bằng xu cho mỗi phiên trực tiếp. Số xu có thể từ vài trăm lên tới vài nghìn và có thể quy ra tiền mặt. Chính vì vậy, điều này hình thành một lượng lớn người xem mải mê xem livestream đôi để kiếm tiền. Lâu dần trở thành thói quen và bị lôi cuốn vào loạt PK livestream thách thức nhảm nhí.
Biết vô bổ nhưng vẫn xem vì để nhặt xu, kiếm tiền
Tại Trung Quốc, đất nước khai sinh ra TikTok đã ban hành những quy định, tiêu chuẩn riêng cho người thực hiện livestream. Còn tại Việt Nam, hiện tại các cơ quan quản lý vẫn chưa có quy định về quy chuẩn cho hoạt động livestream cụ thể. Do vậy hàng ngày, những trận thách đấu phản cảm vẫn diễn ra tràn lan, kích động góc tối trong tâm hồn người xem và nguy hiểm nhất là trong đó có rất nhiều trẻ vị thành niên.