'Cô Ba Sài Gòn' nghi 'mượn ý tưởng' phim ngoại vẫn vượt 'Em chưa 18' đoạt Cánh diều Vàng
(Thethaovanhoa.vn) – Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát lý giải vì sao phim Cô Ba Sài Gòn đã vượt qua ứng cử viên sáng giá là Em chưa 18 để đoạt Cánh diều Vàng. Bà cũng cho rằng, Cô Ba Sài Gòn mượn ý tưởng phim nước ngoài là thông tin không có căn cứ.
- Thách thức với Cánh diều cũng là thực tế của thị trường phim ảnh
- Ẵm giải tại ‘Cánh diều 2017’, Nhã Phương ‘phớt lờ’ chuyện với Trường Giang
- Cánh diều Vàng dành cho 'Cô Ba Sài Gòn' - Một chọn lựa khá an toàn
Vượt qua các ứng cử viên sáng giá như Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, Đảo của dân ngụ cư, giải thưởng Cánh diều Vàng hạng mục phim truyện điện ảnh đã được trao cho phim Cô Ba Sài Gòn tại Lễ trao giải Cánh điều 2017 vừa diễn ra tối 15/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bộ phim cũng đồng thời nhận thêm giải thưởng Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh.
Cô Ba Sài Gòn của đạo diễn Lộc Trần và Kay Nguyễn được cho là sự lựa chọn nhạt nhòa, an toàn từ kịch bản, đạo diễn, công tác phim trường cho đến diễn xuất và hiệu quả xã hội. Phim chưa có được dấu ấn nghệ thuật và đạo diễn như Em chưa 18, Đảo của dân ngụ cư, chưa có được chiều sâu tâm lý và câu chuyện như Dạ cổ hoài lang, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Và về khía cạnh bán vé, Cô Ba Sài Gòn với mức doanh thu 60 tỷ đồng còn kém xa Em chưa 18 (171 tỷ) và Cô gái đến từ hôm qua (70 tỷ đồng).
Khán giả so sánh cảnh phim 'Cô Ba Sài Gòn' với 'Devil Wears Prada - bộ phim điện ảnh đình đám từng ra mắt năm 2006
Đó là chưa kể, trước đó, bộ phim từng gây tranh luận vì có vay mượn ý tưởng từ tác phẩm nổi tiếng Devil Wears Prada - vấn đề này đã được đưa ra thắc mắc khi Cánh diều 2017 họp báo khởi động.
Trả lời báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh, cho biết: “Ghi nhận phản hồi của báo chí trong buổi họp báo giới thiệu giải Cánh diều 2017, tôi đã gửi ý kiến tới cuộc họp các thành viên ban giám khảo (BGK). Tuy nhiên, BGK cho hay, không có bằng chứng gì chứng minh, chỉ là tin đồn thì không thể căn cứ xét được. Chúng tôi cứ xét dựa trên phim.
Khi nhận giải, Kay Nguyễn - biên kịch phim Cô Ba Sài Gòn cũng chia sẻ, ê kíp sản xuất muốn chuyển tải thông điệp về áo dài và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
Kay Nguyễn nhận giải Cánh diều Vàng phim "Cô Ba Sài Gòn"
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng chia sẻ thêm: “Tôi cũng có theo dõi trên mạng xã hội faceook, có ý kiến phản ánh đoạn Helen do Diễm My 9X đảm nhiệm giống về phục trang với diễn viên trong phim Devil Wears Prada, như vậy thì tôi nghĩ, lỗi thuộc về người làm phục trang thôi chứ cốt truyện không có vấn đề gì.
Mọi người đều khen và nhất trí chọn Cô Ba Sài Gòn cho giải Cánh diều Vàng. Bản thân tôi ngồi chấm phim với tư cách biên kịch và chính tôi lựa chọn Cô Ba Sài Gòn cho giải Biên kịch xuất sắc phim điện ảnh.
Tôi thấy kịch bản có cái mới, có sáng tạo trong cách kể chuyện, nhân vật biết phân thân giữa quá khứ và hiện tại, rồi tự đấu tranh để cái tốt thắng cái xấu, hướng tới những điều tử tế”.
So sánh với một ứng cử viên sáng giá cho Cánh diều Vàng - phim Em chưa 18, nhà biên kịch cho hay: “Tôi đã xem Em chưa 18 tới 3 lần rồi, xem duyệt, chấm giải Ngôi sao xanh và Cánh diều... Ở giải Ngôi sao xanh, Em chưa 18 giành giải nhất vì hơn bộ phim Lô Tô 1 phiếu.
Tôi cũng rất thích phim Lô Tô và vai chính của bộ phim do NSƯT Hữu Châu đảm nhiệm. Tiếc là lần này phim không tham dự giải Cánh diều. Chúng tôi rất muốn giải thưởng Cánh diều có yếu tố mới mẻ, muốn tìm được những bộ phim đề cập tới các thân phận...
Trở lại với Em chưa 18, hội đồng chấm giải cho rẳng, đây không phải phim remake (phim làm lại) nhưng cách làm “rất remake”, rất Tây. Nó có đời sống là dành cho nhóm học sinh con nhà quyền quý, giàu có chứ không đại diện cho tất cả lứa tuổi “em chưa 18” của Việt Nam bây giờ.
Thậm chí có nhiều ý kiến gay gắt cho rằng, nhân vật trong phim chưa 18 mà đã hư, dễ dãi qua đêm với người khác. Ngoài đời có thể học sinh biết yêu sớm hơn nhưng trong phim ảnh quảng đại quần chúng, không nên khuyến khích điều này.
Chúng tôi có cùng ý kiến, giữa một bộ phim “không thuần Việt” với văn hóa dân tộc thì chúng tôi lựa chọn và ủng hộ Cô Ba Sài Gòn”.
Bà Ngát cho rằng, Cô Ba Sài Gòn cũng là bộ phim hay, công phu và hấp dẫn cả về diễn xuất, đáp ứng đầy đủ những tiêu chí giải thưởng Cánh diều là tính dân tộc, tính nhân văn, tính sáng tạo, và có hiệu ứng xã hội.
Anh Tuấn