Có 2 hổ tướng lẫy lừng thời Tam quốc bỏ mạng bởi một người, nhưng vị này không được ca tụng vì nguyên nhân ít ai biết
Mã Trung khiến Quan Vũ và Hoàng Trung bỏ mạng, vậy tại sao ông không được xếp vào hàng ngũ danh tướng tài giỏi?
Nói đến danh tướng và hổ tướng trong thời Tam Quốc, Ngũ hổ tướng có lẽ được nhắc đến nhiều và quen thuộc nhất với những ai tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc. Kế tiếp là Ngũ tử lương tướng và 24 danh tướng tài giỏi.
Ngoài ra, có một người sẽ được nhắc đến nhiều lần, địa vị của người này trong quân đội chỉ ở chức vụ bình thường. Song lại có 2 vị hổ tướng nổi tiếng đã chết trực tiếp và gián tiếp dưới sự chỉ huy của nhân vật này. Đó chính là tướng lĩnh Đông Ngô - Mã Trung, người đã bắt giết Quan Vũ và bắn chết Hoàng Trung.
Chính vì Quan Vũ và Hoàng Trung quá nổi danh, thế mà đều chết dưới tay Mã Trung, cho nên rất nhiều người cho rằng Mã Trung rất lợi hại và gọi ông là “thần cấp thượng tướng” (tướng quân thuộc đẳng cấp thần thánh) hay thần xạ thủ giỏi nhất Tam Quốc.
Thậm chí không ít người còn bức xúc vì Mã Trung không được xếp vào hàng 24 danh tướng. Câu hỏi đặt ra là, Mã Trung có thật sự mạnh như vậy không? Lực lượng của ông có thể vượt qua rất nhiều danh tướng, xếp vào trong 24 danh tướng sao?
Cùng nhìn lại chi tiết hai vị hổ tướng lừng danh Quan Vũ và Hoàng Trung bỏ mạng dưới tay Mã Trung.
Bắt và giết Quan Vũ
Khi Quan Vũ đột phá vòng vây ở Mạch Thành, dưới trướng chỉ có khoảng 200 người, đầu tiên gặp Chu Nhiên, đánh một hồi thì gặp Phan Chương. Nói cách khác, Quan Vũ sử dụng vũ lực suốt cả đêm, đến gần 5 giờ sáng mới mệt lả, xung quanh chỉ còn mười mấy quân sĩ.
Điều quan trọng là Mã Trung bắt được Quan Vũ không phải bằng vũ lực mà bằng "hai lần phục kích, đồng thời dùng móc câu và thòng lọng để khiến Quan Vũ ngã ngựa. Quan Vũ ngã xuống đất, bị bộ tướng Mã Trung của Phan Chương bắt giữ".
Tức là Quan Vũ bị Mã Trung bắt sau khi vấp phải dây ngựa và bị bao vây bởi đám đông binh lính đã mai phục từ trước trên con đường núi hẹp. Trong trường hợp này, Mã Trung không hề giao chiến trực diện với Quan Vũ, mà chỉ nhờ vào mưu kế và số đông, cộng thêm vị hổ tướng đã mệt lả sau nhiều trận đánh. Nếu đổi thành Lữ Bố hay Triệu Vân cũng không thể chống cự nổi.
Bắn chết Hoàng Trung bằng cung tên
Năm 220, Lưu Bị dẫn 70 vạn đại quân đánh Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ, Trương Phi. Nhân vật Hoàng Trung dẫn quân đến Di Lăng nghênh chiến quân Ngô. Hoàng Trung bị Phan Chương dụ rơi vào vòng vây của Chu Thái, Hàn Đang, Lăng Thống. Khi đột phá bỗng nhiên có gió lớn khiến Hoàng Trung di chuyển cực kỳ khó khăn và kém linh hoạt, bị Mã Trung bắn vào vai trên sườn đồi và qua đời sau khi về trại.
Dưới đây là một số điều cần làm rõ:
Thứ nhất, Hoàng Trung lúc bấy giờ đã là một lão tướng 75 tuổi và khả năng phản ứng trên chiến trường chắc chắn không còn nhạy bén như xưa.
Thứ hai, Mã Trung đứng ở vị trí trên cao bắn Hoàng Trung, và cũng không bắn trúng chỗ hiểm. Tên bắn vào hốc vai giữa, gió mạnh khiến Hoàng Trung không thể tránh được tên bắn bất ngờ và hướng gió song song với đường bay của mũi tên khiến lực bắn mạnh hơn. Với kỹ năng bắn cung như vậy, làm sao Mã Trung có thể được gọi là xạ thủ giỏi nhất?
Là thuộc hạ của Phan Chương - một tướng lĩnh có năng lực bình thường
Phan Chương là 1 trong 12 hổ thần ở Giang Đông. Chúng ta biết rằng binh lực cá nhân của các tướng lĩnh ở Giang Đông kém hơn nhiều so với Tào Ngụy và các tướng lĩnh của Thục Hán. Trong số 12 hổ thần này, ngoại trừ Cam Ninh, Trình Tấn, Lăng Thống và Chu Thái, thì những người khác đều có thực lực trung bình.
Phan Chương nhiều nhất chỉ ở mức giữa trong số 12 người. Ông đã chiến đấu với Quan Vũ và bị đánh bại trong ba hiệp. Vậy thì với tư cách là thuộc hạ của Phan Chương, Mã Trung có thể mạnh đến mức nào? Hơn nữa, nếu thực lực quân sự của ông tốt, Tôn Quyền đã sớm thăng chức cho ông.
Không đơn thân độc mã chiến đấu
Cũng trong trận Di Lăng, Quan Hưng giết Phan Chương và gặp Mã Trung. Mã Trung cưỡi ngựa đến tiếp đấu Quan Hưng, nhưng không chiến đấu một mình, mà cùng với 300 quân sĩ bao vây Quan Hưng. Điều này chứng tỏ năng lực độc chiến của Mã Trung rất tầm thường, ít nhất là kém hơn nhiều so với Quan Hưng.
Do đó, võ nghệ và kỹ năng bắn cung của Mã Trung chỉ ở mức trung bình. Hoàn toàn không có cơ sở để Mã Trung có thể đứng trong hàng ngũ hổ tướng hoặc thậm chí là danh tướng, chứ đừng nói đến danh xưng “vị tướng cấp thần” hay xạ thủ giỏi nhất Tam Quốc. Điều giúp Mã Trung lập nên chiến công chính là vận may: ông phục kích và bắt được Quan Vũ, tình cờ bắn tên trúng Hoàng Trung khi ông đột phá vòng vây.
Nguồn: Sohu