Có 1 quy tắc từ chuyên gia tâm lý, cực đơn giản nhưng có thể “cứu” trẻ những lúc tuyệt vọng: Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý
Nuôi dạy con cái trưởng thành không phải trong ngày một ngày hai, càng không phải là công việc đơn giản với những công thức có sẵn. Bởi mỗi đứa trẻ có tính cách, thói quen và sở thích khác nhau. Đặc biệt là để nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần và trang bị cho con đầy đủ hành trang bước vào đời với đầy rẫy những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, vừa quy tắc vừa tinh tế, linh hoạt.
Có những tình huống mà cách ứng xử của cha mẹ có thể thay đổi tính cách và cuộc đời con cái. Chẳng hạn, một phụ huynh từng chia sẻ câu chuyện: Một ngày, chị cảm thấy con mình như một người khác, vẻ ngoài hoạt bát và vui vẻ biến mất, bắt đầu trở nên chán nản, cáu kỉnh và mất bình tĩnh vô cớ.
Qua trò chuyện, chị biết được rằng nguyên nhân là do con không đạt yêu cầu trong cuộc thi piano dành cho lứa tuổi vị thành niên. Đứa trẻ trở nên rất tiêu cực, đến mức không muốn tiếp tục chơi piano. Bà mẹ đã thuyết phục con gái mình đừng quá coi trọng kết quả, sẽ có những cơ hội khác, nhưng tình hình không thay đổi.
Trên thực tế, những trường hợp như thế này không hề ít. Không chỉ người lớn dễ rơi vào trạng thái tiêu cực bởi thất bại, lo toan, ngay cả trẻ em cũng không ngoại lệ. Trẻ rồi sẽ phải lớn, phải nỗ lực thực hiện mục tiêu đời mình, sẽ ít nhất một lần đối mặt với thất bại. Nhưng vai trò của những thử thách chính là tôi luyện để trẻ vững vàng hơn, bản lĩnh hơn nhưng với điều kiện: Trẻ phải có hiểu biết đúng về những lần vấp váp.
Khi trẻ bực bội, tủi thân vì một sự việc hoặc kết quả không như ý muốn, cha mẹ có thể áp dụng "quy tắc ABC" được các chuyên gia tâm lý gợi ý sau đây để giúp trẻ lấy lại sự tích cực, lạc quan. Bà mẹ ở câu chuyện trên cũng cho biết, sau cuộc trò chuyện giữa người bạn của chị và con gái theo nguyên tắc này, cô bé thực sự hoạt bát và bắt đầu tập đàn trở lại.
Quy tắc ABC là gì?
Quy tắc ABC của nhà tâm lý học Albert Ellis giúp chúng ta suy nghĩ lạc quan hơn: Trong đó:
A: Nghịch cảnh (điều gì đó xảy ra với hoặc xung quanh ai đó). Cha mẹ trước tiên phải hiểu nguồn gốc của sự tiêu cực của trẻ, đề cập đến quan điểm của trẻ về vấn đề này.
B: Niềm tin. Cha mẹ cần trao đổi hơn với con cái. Hiểu vấn đề này ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ như thế nào.
C: Hậu quả (niềm tin dẫn đến hậu quả, với niềm tin hợp lý dẫn đến hậu quả lành mạnh và niềm tin phi lý dẫn đến hậu quả không lành mạnh). Trẻ có những cảm xúc gì về vấn đề này. Nếu trẻ rất tiêu cực, cha mẹ phải thuyết phục trẻ có dũng khí đối mặt với khó khăn, để giúp trẻ lấy lại tinh thần tích cực và lạc quan.
Tóm lại, bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn, hãy phát triển suy nghĩ và niềm tin về tình huống. Điều này, đến lượt nó, dẫn đến hậu quả. Để trở thành người lạc quan, bạn cần thay đổi niềm tin về bản thân và tình huống, khi gặp phải nghịch cảnh. Niềm tin tích cực sẽ dẫn đến kết quả tích cực hơn và triển vọng tốt hơn.
Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi sử dụng "quy tắc ABC"?
1. Phân tích nguyên nhân là quan trọng nhất
Trước những cảm xúc tiêu cực của con cái, cha mẹ nên ngừng đổ lỗi cho con, dù sao con cũng đã cố gắng hết sức, nếu không cố gắng đi nữa thì cha mẹ và con cái cũng nên cùng nhau phân tích nguyên nhân.
2. Giải quyết vấn đề với thái độ lạc quan
Khi kết quả không mong muốn xảy đến, thái độ tiêu cực không mang lại hiệu quả gì. Cha mẹ nên khuyến khích con cái nhiều hơn và giúp con hình thành sự tự tin. Điều rất quan trọng là mạnh dạn đối mặt với vấn đề, giải quyết vấn đề với thái độ lạc quan, tích cực, không nên nản lòng trước một khó khăn nào.
Những người lạc quan sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả hơn và thành công hơn những người bi quan. Cha mẹ là tấm gương để con noi theo. Do đó, nếu muốn con thành người như thế nào, trước tiên, phụ huynh phải thành một người như vậy. Khi suy nghĩ tích cực, phụ huynh sẽ truyền được cho con sự lạc quan và yêu đời. Tất nhiên, trước đó, cha mẹ phải là người luôn tin tưởng vào cuộc sống.