Chuyện xã hội, chuyện liên đoàn…
Mới đây Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trực tiếp tuyển sinh bóng đá nữ nhằm thành lập các tuyến U trong bối cảnh mà các đội bóng nữ tại Việt Nam hiện tại không đủ khả năng duy trì, đào tạo. Hành động này rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng có e ngại rằng nó có đi ngược với quy luật phát triển của thể thao chuyên nghiệp?
1. Trước hết cần phải thấy rằng tại Việt Nam, bóng đá trẻ rất được quan tâm nhất là khi đi thi đấu quốc tế. Mỗi đợt dự giải Đông Nam Á, VFF đã triệu tập những đội tuyển U huấn luyện suốt gần 2 tháng trời. Nếu tính ra chi phí, thì khoản đầu tư này không hề nhỏ và hầu như “mất trắng” do tiền thưởng (nếu có) ở các giải bóng đá trẻ không nhiều.
Đầu tư cho bóng đá trẻ là chuyện phải làm, nhưng vấn đề nằm ở cách làm cũng như mục tiêu đầu tư. Việc chúng ta luôn có sẵn các đội tuyển trẻ để tham dự những giải đấu quốc tế chưa chắc đã chứng minh bóng đá trẻ ở Việt Nam đã tốt.
Như trường hợp của bóng đá nữ, hơn 20 năm qua, giải vô địch quốc gia chỉ có tối đa 8 CLB, không thể mở rộng được thêm, chính vì thế mà đến lứa tuổi U thì “cạn nguồn”.
Nhiều năm trước, VFF đã phải tự tổ chức đào tạo một nhóm cầu thủ nữ rồi sau đó chuyển giao cho một vài CLB. Nhiều người trong số này chính là nòng cốt của đội tuyển nữ vừa đoạt vé dự World Cup 2023. Như vậy, chính VFF đang làm thay công việc mà lẽ ra thuộc về phía các đội bóng.
Về trước mắt, thành tích sẽ đến mà tiêu biểu là vé dự World Cup. Tuy nhiên, không cần phải đến mùa Hè 2023 thì người ta cũng có thể dự báo đội tuyển nữ Việt Nam sẽ chỉ đóng vai trò “lót đường”. Thực tế cho thấy, gần 2 thập niên, bóng đá nữ Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 6-7 châu Á nhưng rất khó chạm đến vị trí thứ 5 do vẫn còn một khoảng cách xa so với nhóm thường xuyên dự World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ nội lực chưa có gì thay đổi, không có những nguồn nhân lực khác biệt về thể hình, thể lực nên cho dù hiện nay tấm vé dự World Cup không còn xa vời, thì thực tế là trình độ và đẳng cấp của bóng đá nữ Việt Nam cũng chưa tiến bộ quá nhiều.
Những phấn đấu liên tục suốt nhiều năm của Việt Nam đã bị phủ lấp một cách nhanh chóng khi Philippines quyết định sử dụng các cầu thủ Phi kiều đang sinh sống ở Mỹ và châu Âu. Tại giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, Philippines đánh bại cả Việt Nam lẫn Thái Lan để lần đầu tiên vô địch dù trong lịch sử bóng đá nữ Đông Nam Á bao nhiêu năm qua, đội tuyển nước này chỉ có 3 lần vào đến bán kết các kỳ SEA Games và AFF Cup.
Với cách làm như trên, Phillippines thay đổi số phận, và có thể họ sẽ dự World Cup cũng như tạo ra được dấu ấn ở sân chơi lớn này nhờ vào dàn cầu thủ to cao của mình. Đến lúc đó, việc VFF cố gắng có đầy đủ những tuyến U để dự mọi giải đấu do AFF hay AFC tổ chức sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa về về bản chất, phong trào bóng đá nữ nội địa đâu có gì thay đổi nên không thể có những thế hệ cầu thủ khác biệt về thể hình lẫn trình độ.
2. Về lý thuyết, bóng đá trẻ không nên đặt nặng thành tích nên điều quan trọng không phải là các đội tuyển U17 hay U19 ở các giải đấu quốc tế, mà là khi họ rời đội tuyển trở về CLB có được thi đấu ít hay nhiều. VFF có thể đủ tài chính để tập trung dài hạn các đội tuyển trẻ, nhưng thực ra, điều họ cần làm là tạo ra sân chơi cho cầu thủ trẻ nhiều hơn.
Thay vì buộc các đội bóng phải cho cầu thủ U23 vào sân đá V-League, hãy tìm cách tăng số lượng cầu thủ trẻ có tại CLB đó để đặt họ vào hoàn cảnh có nhu cầu sử dụng “cây nhà lá vườn”. Nghĩa là phải siết chặt quy chế chuyên nghiệp, buộc CLB duy trì các tuyến U thường xuyên bằng cách hình thành những giải đấu kéo dài nhiều tháng khiến cho các CLB không thể trốn tránh trách nhiệm đầu tư.
Một khi buộc phải “nuôi” các đội trẻ dài hạn để thi đấu thì đương nhiên CLB phải tận dụng cầu thủ trẻ nhằm tránh lãng phí tiền bạc.
Thực tế là tại V-League mùa này, một đội bóng đang chịu áp lực trụ hạng như Nam Định lại có tuổi bình quân đăng ký thi đấu là 24,9, ngang với HA.GL. Con số này ở Hà Nội là 25,7, SLNA là 25,5. Trong khi đó, đội Đà Nẵng hiện nay mỗi trận đấu đều trung bình sử dụng 3 cầu thủ dưới 20 tuổi trên sân.
Dễ nhận thấy các CLB nói trên đều có truyền thống về đào tạo trẻ. Có sẵn thì đương nhiên sẽ dùng. Nói cho cùng, chẳng có địa phương nào thuyết phục cha mẹ đưa con em mình đến trường học bóng đá nhưng sau đó lại không sử dụng ngay chính ở đội bóng quê hương.
3. Chiến lược “nuôi gà chọi”, tức là đầu tư tập trung cho cấp độ đội tuyển mà không cần phát triển phong trào, vẫn thường được áp dụng tại Việt Nam, ở nhiều môn thể thao ít người chơi, nhưng với bóng đá thì không nên, nhất là với bóng đá trẻ.
Việc của một tổ chức quản lý như VFF vẫn là khơi lên các nguồn lực trong xã hội, tạo ra thêm các sân chơi ở cấp CLB cho cầu thủ trẻ để có thêm nhiều chọn lựa nhân sự mỗi khi triệu tập đội tuyển đá giải quốc tế. Vì thiếu sân chơi thường xuyên, nên mỗi lần tập trung các đội U17 hay U19 thường rất dài, chi phí bỏ ra nhiều và gây áp lực về thành tích cho các đội tuyển trẻ.
Nhưng như đã thấy, dù có chơi tốt ở đội tuyển thì khi về CLB, các cầu thủ trẻ vẫn không có đất diễn và cơ hội để phát triển nhanh sự nghiệp cũng sẽ biến mất. Không tạo ra được một hệ thống các giải trẻ thi đấu quanh năm, đó sẽ là một thất bại của VFF và là thiệt thòi rất lớn cho những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, những nơi cần được sự quan tâm từ Liên đoàn.
Nói cho cùng, chuyện đào tạo, phát hiện tài năng vẫn là công việc của xã hội. Tốt hay xấu, nhiều hay ít, cũng phản ảnh chân thực mức độ đầu tư vào bóng đá của xã hội. Còn một Liên đoàn như VFF được xem là thành công hay không nằm ở khả năng họ thuyết phục các nguồn lực xã hội tham gia, đồng thời chọn lọc các sản phẩm tốt nhất để xây dựng các đội tuyển.
Ở lúc bóng đá Việt Nam đang thịnh, VFF có thể “nuôi” nhiều đội trẻ cùng lúc dài hạn, nhưng trong trường hợp ngược lại thì sao? Có muốn làm thay việc xã hội thì chắc gì đã được!
Bóng đá Việt Nam thường xuyên tham dự các giải đấu trẻ ở Đông Nam Á và châu Á, nhưng thành tích không thật sự ấn tượng. Tại giải U16 (hoặc U17) Đông Nam Á được tổ chức từ năm 2002 đến nay, Việt Nam lọt vào chung kết 4 lần và có 3 chức vô địch nhưng khi thi đấu ở giải châu Á thì duy nhất năm 2000, kỳ giải tổ chức ở Đà Nẵng, U16 Việt Nam vào đến bán kết và để lại dấu ấn bằng chiến thắng 3-2 trước Trung Quốc tại vòng bảng. Tại giải U19 Đông Nam Á, Việt Nam cũng chơi không quá thành công khi chỉ 1 lần lên ngôi vô địch và cũng chỉ 1 lần vào đến bán kết ở giải châu Á. Tuy nhiên, nhờ thành tích lịch sử này mà chúng ta có vé dự U20 World Cup năm 2017. |
Quang Việt