Chuyện tiền bạc ở các đoàn phim: Vì sao phải eo sèo, kiện tụng?
(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói phần lớn những eo sèo, kiện tụng liên quan đến phim đều xảy ra ở các lĩnh vực tiền bạc và tác quyền. Trong 10 năm gần đây, điều này cũng là chuyện thường thấy tại thị trường phim ảnh Việt Nam và thế giới.
Nói như NSƯT Nguyễn Chánh Tín, làm phim có đến 80% nguy cơ sạt nghiệp, thua lỗ, chỉ có khoảng 20% khả năng hòa vốn, có lãi. Chính vì mong manh như vậy mà nhiều nhà sản xuất phải tìm cách “đá trái bóng trách nhiệm” sang người khác, nên khi gặp rủi ro xảy ra, eo sèo, kiện tụng dễ xảy ra.
Mất tiền, thiếu tiền là kiện
Gần 11 năm sau khi làm phim, hồi tháng 6/2017, diễn viễn Kim Eui Sung lên đài KBS của Hàn Quốc tố đoàn phim Mùi ngò gai (2006) của Việt Nam chưa trả cát-sê cho ông. Lý do chính là nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn về huy động tiền trong sản xuất, rồi thu hồi vốn khi phim chiếu, phải đóng cửa công ty, không có tiền trả.
Dự án đồng sản xuất gần đây của Trần Bảo Sơn là Girl 2 - Những cô gái và gangster cũng bị lùm xùm do chuyện chậm trả thù lao cho vài nhân sự. Tuy nhà sản xuất phía Việt Nam không nói vì sao chậm, nhưng tin bên lề cho biết do đối tác nước ngoài chậm giải ngân, thành ra trong nước cũng chậm theo.
Lý do cụ thể cho hai trường hợp trên đây là việc sản xuất phim khi chưa... cầm tiền trong tay; hoặc bị phụ thuộc quá nhiều vào lời hứa góp vốn của người khác, nên khi rủi ro xảy ra, eo sèo, kiện tụng dễ ập đến.
Những trường hợp góp vốn 0 đồng cũng gây nguy hiểm đáng kể. Ví dụ diễn viên góp vốn bằng chính cát-sê của mình, thực ra là 0 đồng. Nếu cộng dồn các góp vốn kiểu 0 đồng này lại, kinh phí làm phim là một con số đáng kể, nhưng khi ra hiện trường vẫn không có tiền mặt để sản xuất, dẫn đến mâu thuẫn, lùm xùm.
Trong quá trình sản xuất, nếu gặp tai nạn, thiên tai và các phát sinh ngoài ý muốn, kinh phí sẽ đội lên quá nhiều. Và, việc không khắc phục được điều này cũng dẫn tới eo sèo, kiện tụng. Tai nạn chết người của ông Phương “khói lửa” hồi tháng 2/2013 làm cho đoàn làm phim Hồn đá chỉ còn biết nín thở khắc phục khó khăn.
Một lý do thường gặp nữa là nhà sản xuất hoặc chủ nhiệm phim cố tình quỵt tiền, dù thực tế họ đã cầm tiền trên tay. Nghệ sĩ Mạc Can nói do lớn tuổi, nên khi đóng phim người ta trả bao nhiêu nhận bấy nhiêu, nhưng đôi cũng bị mất trắng. Tâm sự này được NSƯT Phi Điểu đồng cảm, bà nói cát-sê nhiều khi chỉ khoảng 300.000 đến 500.000 đồng. “Khi nghe đồng nghiệp đã nhận tiền, tôi có gọi điện nhắc, nhưng hai ba lần họ không trả, thì đành im lặng, chứ U90 rồi mà lên báo lên mạng lùm xùm thì kì lắm” - Phi Điểu nói.
Thành công cũng lùm xùm
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) là một ví dụ điển hình cho điều này. Đây là sản phẩm kiểu “nhà nước và nhân dân cùng làm”, mà ban đầu phía nhà nước không quá nặng nề chuyện thu hồi vốn hoặc lợi nhuận - vì phim nhà nước thường không thể hòa vốn. Ít ai ngờ phim này đại thắng về doanh thu, thành ra có những lùm xùm về việc chia lợi nhuận giữa các bên, vì tỷ lệ đóng góp thực tế và trên hợp đồng là khác nhau, có những điều khó nói, biết chia thế nào cho thỏa đáng.
Trong giới nhiều người biết một ông hay xưng là “nhà biên kịch”, từng đứng tên một phim truyền hình viết về mối quan hệ chân dài và đại gia. Phim này do một nhóm biên kịch thực hiện, ông có tham gia một vài khâu không đáng kể. Nhưng sau khi phim lên sóng, dư luận tốt, đi đâu ông cũng nói phim đó là của “riêng ông”, nên dẫn đến lùm xùm, mâu thuẫn.
Khi phim Thần tượng của đạo diễn Nguyễn Quang Huy bội thu với 6 giải thưởng Cánh diều 2014, có vài dư luận cho rằng thành công là nhờ đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, vì trong phim này anh tham gia biên kịch và làm sản xuất. Rất may hai người đan ông này lịch lãm và biết kiếm chế, chứ không eo sèo này sẽ trở nên một việc lùm xùm.
(Kỳ 3 và hết: Một số phương thức đầu tư vốn của phim Việt)
Văn Bảy - Hoàng Nhân