Chuyện thấu cảm nhìn từ bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua (22/6), trên 860.000 thí sinh cả nước đã bước vào làm bài thi tự luận môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi.
Phần I trong đề năm nay dùng một trích đoạn trong sách Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang nói về thái độ sống xung quanh khái niệm “thấu cảm” gắn liền với “lòng trắc ẩn”, để “thử tài” thí sinh.
Trích đoạn này trong sách rất hay, rất có tính thời sự, vì cuộc sống của con người hiện nay, nhất là giới trẻ gắn liền với điện thoại thông minh, mạng xã hội và sự thể hiện thái độ sống, nhân cách của con người trên ấy.
Các em phải giải quyết khái niệm “thấu cảm” là gì? Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Và, “thấu cảm” đã trở thành từ khóa nóng, gây tranh cãi trên diễn đàn mạng hôm qua. Để rồi, trong chúng ta, chợt nhận ra mỗi ngày, mình chưa hẳn đã thấu cảm với tha nhân, với đời, với công việc và với các mỗi quan hệ. Nếu có sự thấu cảm, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, tránh được tổn thương, oán thán. Thấu cảm có gì đó gần với câu nói Không Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Trong trích đoạn của đề thi, có đoạn liên quan đến bóng đá: “Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: Một cậu bé Bồ Đào Nha tiến đến an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng”. Thí sinh cũng phải nhận xét hành vi của cậu bé Bồ Đào Nha.
Những hành động thể hiện sự thấu cảm trên sân bóng luôn gây xúc động mãnh liệt. Năm 2015, ở tuổi lên 4, lần đầu tiên giải Fair-play do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức đã tôn vinh một cầu thủ người nước ngoài: Tiền đạo Abass Dieng, cầu thủ người Senegal khoác áo CLB B. Bình Dương. Abass đã để lại hình ảnh xúc động khi “tha thứ” cho người đồng nghiệp làm gãy chân mình.
Chính Abass đã giải tỏa được nỗi dằn vặt và cả sự lên án của nhiều người khi nghĩ rằng Thanh Hào đã chủ động đá xấu tiền đạo của B. Bình Dương. Thật dung dị và chân thật, Abass dù rất đau đớn nhưng vẫn vẫy tay chào khán giả khi nằm trên băng ca và sau đó còn an ủi ngược lại Thanh Hào.
Cuối tuần này, V-League 2017 sẽ khai màn lượt về, các đội sẽ phải bước vào “kỳ thi” quan trọng. Người ta lại lo thon thót đủ thứ xấu sẽ tái hiện, dù đã có quãng nghỉ rất dài để tái cấu trúc các khâu. Cần lắm những hành động đẹp, thấu cảm của những người đang hoạt động ở lĩnh bóng đá.
Làm sao có thể nói lời cay đắng khi U20 mới chân ướt chân ráo về nước. Cầu thủ cần phải biết giữ gìn đôi chân đồng nghiệp. VPF, VFF, giới trọng tài phải biết thấu cảm CLB để tạo một sân chơi sòng phẳng, công bằng. Các CLB phải thấu cảm được nguyện vọng của khán giả đã bỏ đồng tiền và thời gian quý giá ra sân cổ vũ. Khán giả Việt Nam rất đáng thương bởi ít niềm vui quá!
Không có sự thấu cảm cho nhau, khó có thể làm bóng đá chuyên nghiệp. Mà bóng đá chỉ là bức tranh phản ánh cuộc sống mà thôi.
Hữu Quý