Chuyển nhượng V-League: Có hưng, ắt có suy
(Thethaovanhoa.vn) - Vào thời điểm năm 2007-2008, để sở hữu chữ ký của Kesley Alves hay Philani, HAGL và B.Bình Dương phải bỏ ra ít nhất 9 tỷ đồng/hợp đồng/3 năm, cộng với mức lương hơn trên dưới 10.000 USD/tháng. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập tịch để trở thành một cầu thủ nội, Kesley Huỳnh Alves thậm chí còn cao giá hơn, dù đó cũng là thời điểm báo hiệu tiền đạo này đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.
- 'Siêu cò' Trần Tiến Đại: 'Tiền không thể là thước đo phẩm giá con người'
- Trần Tiến Đại : 'Siêu cò' hay người đi trước thời đại?
Trăm sự tại “cò” mà ra
Giai đoạn bóng đá kim tiền lên ngôi (2008-2012), giá trị của cầu thủ trên sàn chuyển nhượng Việt Nam "phi nước đại", gần như không thể kiểm soát. Bản thân cựu tiền đạo ĐT Việt Nam và ĐTLA, Nguyễn Việt Thắng – một trong những cầu thủ có tổng giá trị chuyển nhượng cao bậc nhất nền bóng đá xứ sở, cũng đã thừa nhận, phần lớn đều là giá ảo, do “cò” thổi lên khi đánh trúng được "tim đen" của các ông bầu: Cầu thủ ngôi sao được xem là đồ trang sức của ông chủ đội bóng.
Mặc dù thị trường chuyển nhượng cầu thủ, đặc biệt là ngoại binh, đã lên cơn sốt từ trước năm 2008, nhưng từ sau chức vô địch AFF Cup 2008 mà ĐT Việt Nam đoạt được, cơn sốt ấy thực sự mới xuất hiện. Các thành viên ĐT Việt Nam khi ấy nhận được lời mời từ khắp nơi, trong đó Công Vinh đầu quân cho Hà Nội T&T của bầu Hiển với giá 7 tỷ đồng; Việt Thắng ra V.Ninh Bình cầm 8 tỷ đồng, Việt Cường, Thanh Bình lên HAGL, Quang Hải, Tài Em cập bến N.Sài Gòn…
Nước lên thì thuyền lên và cho đến thời điểm 3 năm sau chức vô địch lịch sử, Phước Tứ vẫn có giá 12 tỷ đồng về XMXT Sài Gòn (bản hợp đồng thuộc loại kỷ lục). Khi giá trị của các nội binh được nâng cao, cầu thủ ngoại cũng không kém cạnh và trào lưu người người nhập tịch, nhà nhà nhập tịch lên đến cực thịnh. Tính sơ bộ đã có khoảng 30 cái tên người nước ngoài được Việt hoá và việc nhập tịch thành công một ngoại binh, cũng là thước đo năng lực, của đội bóng, ông bầu.
Dù hoạt động môi giới không chính thức (chỉ là đại lý – giúp sức cho con trai Tiago Calisto), nhưng trong tay nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Calisto luôn có cả chục ngoại binh, đa phần là da màu. Họ được cất trong kho, đại bản doanh Bến Lức, nơi ĐTLA đóng quân, trước và sau khi được gửi đi các CLB vào mùa chuyển nhượng. Điều tương tự diễn ra ở Ninh Bình, thời điểm ông Trần Tiến Đại còn đương thời, với các chức danh GĐĐH, kiêm HLV trưởng. Và “cò” Đại không chỉ làm môi giới cho cầu thủ ngoại.
Và khi "cò đậu phải cành mềm…"
Cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa hạt bóng đá và kể từ sau năm 2013, chúng ta hiếm khi được chứng kiến một bản hợp đồng tiền tỷ nữa. Công Vinh về B.Bình Dương với giá 7 tỷ đồng (mùa giải 2014) được cho là cột mốc cuối cùng của thị trường. Năm ngoái, khi gật đầu về Đồng Nai, những Kesley Huỳnh Alves hay Nsi cũng chỉ cầm chừng 50-70.000 USD/năm (tức hơn 1 tỷ đồng) cùng với các chế độ lương, thưởng hay phụ cấp khác.
Ông bầu nhát tay, khiến một bộ phận đáng kể “cò” cầu thủ cũng phải "rửa tay, gác kiếm". Cha con HLV Calisto rút lui khỏi thị trường Việt Nam, "cò" Mauro cũng ít xuất hiện, nhưng điển hình nhất phải là “siêu cò” Trần Tiến Đại đã không còn đất diễn. Vừa rồi, nghe đâu Trần Tiến Đại đã trở lại, nhưng chỉ thầu được vài bản hợp đồng loại 2 nhỏ lẻ, không đáng kể. Mạnh nhất lúc này là “cò” Châu, một nhân vật khá bí hiểm, nhưng là đại diện của các ngoại binh chất lượng còn sót lại.
Đưa cầu thủ trở về giá trị thực là một nét tích cực, tránh thất thoát ngoại tệ, nhưng việc hạn chế tối đa suất đăng ký ngoại binh/CLB không được cho là giải pháp tối ưu để kích cầu: Nguồn nội lực.
TUỲ PHONG
Thể thao & Văn hóa