Chuyên nghiệp được không VPF?
(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ được tổ chức vào ngày mai 28/11. Một trong những nội dung quan trọng nhất là bầu ra Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ mới. Cùng với đó những giải pháp để cải tổ năng lực quản lý, điều hành, cân bằng tài chính nâng cao tính chuyên nghiệp các giải đấu cũng được đặt ra.
Gần 10 năm về trước (ngày 14/12/2011) VPF ra đời bằng cuộc "cách mạng" của bầu Kiên trong tình thế rối ren khi địa hạt bóng đá nước nhà rơi vào khủng hoảng với nhiều hệ lụy khác nhau. Vấn đề được đặt ra trên nhiều khía cạnh từ chất lượng các giải đấu chuyên nghiệp cho đến thành tích ĐTQG, rồi cả việc định hướng cách thức để xây dựng, tổ chức ngày một chuyên nghiệp các giải đấu trong nước như thế nào. Ngày đó, VPF ra đời như minh chứng phù hợp trong xu thế chung của bóng đá quốc tế.
VPF đã làm được những gì?
Khách quan nhìn nhận vấn đề sẽ thấy quá trình gần 10 năm,sự ra đời của VPF đã mang lại những tín hiệu tích cực cho bóng đá nước nhà. Ở đó, các giải đấu chuyên nghiệp đã có những cải thiện đáng kể về hình ảnh, chất lượng cũng như giá trị thương mại đã được khai thác để mang lại hiệu quả nhất định.
Nói cách khác, khi tham gia trong một tổ chức có đầy đủ khung hành lang pháp lý, hoạt động với mô hình công ty cổ phần thì bản thân mỗi CLB hay các thành viên gắn kết vào đó đã ý thức hơn về quyền, nghĩa vụ liên quan của mình. Đã có những đóng góp tâm huyết, những giải pháp đa chiều cũng như thái độ gìn giữ, tôn trọng vào sự phát triển chung của VPF thời gian qua. Cũng chính từ đó, hình ảnh các giải đấu bắt đầu được cải thiện ít nhiều, trở nên chỉn chu hơn và bắt đầu hướng đến sự chuyên nghiệp.
Đó được coi như bước phát triển cùng nỗ lực đáng ghi nhận nhưng thẳng thắn để đánh giá vẫn quá ít so với kỳ vọng. Nói cách khác, bên cạnh những mặt đạt được, VPF còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế nhất định cần được nhìn nhận khách quan, công tâm, thẳng thắn nhất. Nhìn lại sẽ thấy, cho dù VPF đã có những chuyến tham quan, học tập, nghiên cứu các mô hình phát triển của những nền bóng đá hàng đầu như từ Á sang Âu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha…) nhưng để rút tỉa, đúc kết rồi chọn lựa được mô hình, phương thức chuẩn chỉ, vừa vẹn cho lộ trình hoạt động, phát triển của chúng ta thì chưa được.
Hẳn nhiên, khi mọi thứ vẫn còn luẩn quẩn, chưa theo một chu kỳ, một quá trình phát triển bài bản thì khó đòi hỏi những thành công như mong đợi. Chính vì thế, các giải đấu quan trọng thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta vẫn chưa được nâng tầm cũng như có nhiều khả năng để khai thác, mang lại giá trị thương mại cao hơn.
Mùa giải 2020 khép lại cũng chính vào thời điểm nhiệm kỳ 3 (2017-2020) của VPF kết thúc. Sau 3 mùa giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước, trên cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF, ông Trần Anh Tú đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận của mình. Công tác tài chính, tìm ra nhà tài trợ cho mỗi giải đấu hàng năm được coi như bài toán khó cũng đã có đáp số cho V-League vài năm qua.
Để tìm ra được đối tác đồng hành, gắn kết với những hoạt động của bóng đá nước nhà không hề dễ, càng khó hơn trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều lao đao vì tác động của dịch bệnh.Thế nên, V-League trong 3 năm gần đây phải mỗi năm gắn với 3 thương hiệu khác nhau là Nuti Cafe, Wake-up 247 và LS cũng như điều dễ hiểu và chấp nhận được.
Nói cách khác, để VPF thật sự là tổ chức nhận trọng trách xây dựng, hoạt động cho các giải đấu bóng đá nước nhà với rất nhiều chủ thể tham gia vào đó cần hội đủ nhiều yếu tố. Gần một thập kỷ ra đời và hoạt động nói chung cùng 3 năm ở nhiệm kỳ thứ 3 nói riêng cho dù đã ngày càng được nâng cao năng lực cùng tính chuyên nghiệp hơn nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đủ. Nhiệm kỳ 4 của VPF chắc hẳn sẽ có nhiều thay đổi ở bộ máy quản lý, điều hành, đồng nghĩa với yêu cầu dứt khoát phải có thay đổi về tư duy, chính sách cho các hoạt động của VPF ở chu kỳ mới.
Chờ tư duy mới từ VPF
Có thể thấy rằng, với bóng đá nước nhà, nền bóng đá bao năm nay được vận hành bởi một cơ chế quản lý còn quá nhiều vấn đề bất cập trên nhiều phương diện. Từ phương thức, mô hình hoạt động của các CLB cho đến công tác quản lý, điều hành các giải đấu. Từ quy định sử dụng cầu thủ ngoại, quy chế chuyển nhượng đến định hướng phát triển nền bóng đá chuyên nghiệp, đào tạo tạo bóng đá trẻ. Tất cả những khía cạnh đó đã có những bước tiến đáng kể để nâng chất, minh bạch nhưng rõ ràng ở vào mức độ chuyên nghiệp như kỳ vọng thì chưa thể.
Thêm vấn đề nữa, sự ra đời của VPF nhận được nhiều ủng hộ về mô hình mới, hướng đi mới nhưng để cho rằng tổ chức này là “hoa tiêu” cho phát triển thì không hẳn. Bởi tiêu chí thì VPF hoạt động với tính độc lập nhất định nhưng trong nhiều mảng, nhiều việc không thể thoát khỏi cái bóng VFF.
Ở đây, cũng đặt ra một bất cập nếu xét trên phương diện nhân sự thì vẫn có người là thành viên VFF nằm trong bộ máy VPF. Đấy còn chưa kể, về phương thức hoạt động có những khâu, những việc VPF vẫn phải tuân thủ những quy chế, điều lệ hiện hành mà rất khó để nghĩ, để làm, để thay đổi khác đi cho phù hợp hơn bởi cái vướng bận gọi là quy định hay cơ chế.
Do đó, điều tiên quyết cho những thay đổi từ VPF nằm trên các phương diện chuyên nghiệp trong tổ chức điều hành, sự minh bạch về tài chính. Bên cạnh đó khả năng thích ứng hoặc cao hơn là những tác động mạnh mẽ nhất để thay đổi những nội dung quy chế, điều lệ nhằm nâng cao sự hợp lý và ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Nói cách khác, bệnh thành tích hay tư duy nhiệm kỳ cần phải gạt bỏ, thay vào đó là lộ trình bài bản, dài hơi với những để kiên trì để hoạt động.
Sau Đại hội cổ đông lần này, VPF bước vào nhiệm kỳ thứ 4 cùng chu kỳ phát triển mới với những đổi thay ở bộ máy quản lý cùng kỳ vọng về cải tổ mạnh mẽ trong phương thức hoạt động. Sự thay đổi (nếu có) không gì khác hơn với mong muốn bóng đá Việt Nam phải phát triển ngày càng tốt hơn với quyền và nghĩa vụ là của chung chứ không thuộc về riêng ai cả.
Trong một trao đổi mới nhất, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã đưa ra những góc nhìn của mình về tổ chức cũng như cách thức hoạt động của VPF trong thời đến: “Những gì VPF đã làm được chúng ta cần ghi nhận và ít ra những thành quả đó cũng đã tác động khá nhiều theo nét tích cực cho bóng đá nước nhà thời gian qua. Nhưng như thế thì chưa đủ, chưa đáp ứng kỳ vọng về nét riêng của mô hình riêng và hướng đi riêng được nhìn nhận lâu nay. Dứt khoát phải có những thay đổi về cả tư duy, cung cách rồi phương thức hoạt động trong thời gian đến. Tựu trung lại cho dù là VPF hay VFF thì tôi nghĩ rằng để bóng đá Việt Nam phát triển, chúng ta chí ít phải đảm bảo được các tiêu chí cơ bản sau đây: Đảm bảo cân bằng tài chính; Phát triển nguồn lực theo tiêu chuẩn quốc tế (trước mắt là châu Á); Xây dựng hình ảnh tích cực của mỗi CLB (từ cơ sở vật chất, sân bãi, hệ thống đào tạo…) cho đến thành tích ĐTQG; Đầu tư sâu cho trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia cùng với bóng đá học đường. Chỉ khi thiết lập được một chiến lược phát triển với quy hoạch rõ ràng, cách thức bài bản và lộ trình dài hơi như thế thì chúng ta mới xác định được tiền đề và cái đích để triển khai thực hiện. Mấu chốt nhất cải tổ VPF là tăng cường sự độc lập, minh bạch, mạnh dạn phân quyền cho những người có năng lực tham gia sâu hơn”. |
Trần Tuấn