Chuyện lạ bóng đá Việt Nam: Đừng để mất niềm tin!
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc niềm vui với gam màu tươi mới của bóng đá nước nhà đang lan tỏa, thì tất cả lại giật mình thon thót bởi bóng ma tiêu cực đã rình rập xuất hiện. Từ những trận đấu ở giải U19 quốc gia, đến các pha bóng hời hợt của Bùi Tấn Trường ở đấu trường AFC Cup, và mới nhất là cú đá về lưới nhà đầy dị hoặc của cầu thủ Nguyễn Văn Quân (Cần Thơ) ở sân chơi Cúp quốc gia.
Mùa giải 2019 mới chỉ trôi đi vài vòng đấu, nhưng những câu chuyện muôn thủa nghi vấn về tiêu cực đã manh nha trở lại. Hẳn nhiên đó là yếu tố đáng lo ngại, trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng gây dựng những điều tốt đẹp.
Lãnh đạo VFF thừa nhận cảm thấy rất lo lắng nếu các dấu hiệu tiêu cực tiếp tục bùng phát. Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, đồng thời là Chủ tịch VFF, cho biết: “VFF sẽ cương quyết làm mạnh tay, sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, dứt khoát không để tiêu cực lộng hành. Chúng tôi chưa ngồi lại với nhau để đánh giá, tổng kết lại những kết quả đạt được của việc hợp tác trong quy chế phòng chống tiêu cực, nhưng sẽ tiếp tục hiện thực hóa sự hợp tác bằng những việc làm cụ thể.
VIDEO: Pha sút bóng về lưới nhà của Văn Quân, đội trưởng Cần Thơ
Thật khó chấp nhận khi những giải đấu trong nước còn có những vụ việc tiêu cực, gian lận. Tôi đã chỉ đạo, không chỉ ở những giải chuyên nghiệp mà ở những giải khác, bao gồm cả giải trẻ, trong thành phần Ban tổ chức, bắt buộc phải có cán bộ an ninh”.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF, khẳng định chuyện tiêu cực là hành vi phi thể thao, phản cảm và gây hình ảnh xấu đối với bóng đá Việt Nam. Ông Tú nhấn mạnh sẽ cùng VFF cũng như Ban Kỷ luật vào cuộc để xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp của cầu thủ Nguyễn Văn Quân cũng như các vụ việc khác.
Phó Chủ tịch truyền thông VFF Cao Văn Chóng cũng nêu lên quan điểm của mình: “VFF luôn xem việc phòng chống tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để gìn giữ cho hình ảnh bóng đá nước nhà. Chúng tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các CLB nhằm khuyến cáo cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tiêu cực.
VFF sẽ không dừng lại ở chuyện xử lý mà cùng với ban điều hành các giải đấu và các CLB thiết lập đường dây nóng, có sự tham gia của cơ quan công an để phối hợp với nhau trong công tác này”.
Rất nhanh, sau những vụ việc vừa nêu, đã có thông báo chấn chỉnh, những cuộc họp mổ xẻ, những quyết định kỷ luật được chính đội bóng và cơ quan quản lý đưa ra. Đương nhiên đó là điều cần thiết, những phản ứng đã nhanh hơn, chính xác hơn và có tính răn đe cao hơn.
Trưởng Ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành khẳng định: “Không có gì quá nặng về mức độ xử lý dành cho cầu thủ Nguyễn Văn Quân cả. Trong các cuộc họp, có nhiều ý kiến được đưa ra, đa số đều đề nghị mức án nặng hơn nữa kia.
Tuy nhiên, sau khi xem xét vụ việc dựa trên các quy định hiện hành, chúng tôi quyết định áp mức phạt như trên. Do CLB Cần Thơ đã bị loại khỏi Cúp quốc gia nên án phạt dành cho Văn Quân sẽ áp dụng ngay tại giải hạng Nhất mùa này để có tính răn đe.
Chúng tôi ra quyết định kỷ luật dựa trên điểm d- khoản 5- điều 2 và khoản 2- điều 54 của Quy định về kỷ luật của VFF. Theo những quy định này, đúng ra Văn Quân có thể bị treo giò hết giải, tức là kịch khung của điều luật này. Tuy nhiên sau khi cân nhắc các yếu tố, chúng tôi quyết định treo giò hết lượt đi”.
“Không chỉ vụ việc này, những trường hợp khác cũng vậy, quan điểm của Ban Kỷ luật lúc này là làm nghiêm nhưng phải minh. Để kết luận cầu thủ hay đội bóng có tiêu cực hay không, thì chúng tôi chưa đủ thẩm quyền. Tuy vậy, những vấn đề liên quan sẽ được chúng tôi phối hợp với cơ quan điều tra công an để có cơ sở pháp lý mà có các bước giải quyết tiếp theo”.
Ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB Quảng Nam, đồng thời cũng là thành viên Ban điều hành các giải đấu trong nước cũng nêu quan điểm: “Tiêu cực và chống tiêu cực, suy cho cùng bắt nguồn từ cầu thủ. Nhưng chính cung cách quản lý hay thái độ của lãnh đạo đội bóng cũng là yếu tố phải được coi trọng.
Chúng tôi luôn dặn dò và chỉ bảo anh em cầu thủ trong lúc thi đấu cũng như cuộc sống hàng ngày. Tự bản thân họ trước hết phải có được nhận thức nghiêm túc về nghề nghiệp của mình, về hình ảnh cho đội bóng. Không ai quản họ bằng chính bản thân họ cả”.
Ông Nguyễn Húp tiếp tục: “Cũng xin nói thêm thế này, có thể đôi lúc lãnh đạo các đội bóng nhận thấy tiêu cực từ chính CLB của mình. Nhưng vì căn bệnh thành tích hay không muốn bung bét sự việc đã giấu nhẹm đi. Chính điều này đã tiếp tay cho cầu thủ tự tung và buông lỏng bản thân.
Do vậy, trước hết chính lãnh đạo các đội bóng phải thật sự chuyên nghiệp và nghiêm minh trong công tác quản lý cầu thủ, cũng như thái độ và biện pháp phòng chống tiêu cực.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng, khi có sai phạm, phải xử lý rốt ráo và thật nghiêm minh. Như thế mới đủ sức răn đe và cảnh tỉnh cầu thủ. Bên cạnh đó, Ban điều hành giải đấu phải cho các thành viên về trực tiếp theo dõi tại các sân đấu, để kịp thời nắm bắt các sự việc diễn ra”.
Rõ ràng, vào lúc này các bên liên quan đã rất tích cực trong việc xử lý những vấn đề tiêu cực nảy sinh. Tất cả những biện pháp xử lý đó đều thể hiện quyết tâm rất cao và làm quyết liệt.
Khi niềm tin vào những điều tốt đẹp của bóng đá nước nhà mới chớm, đừng để niềm tin đó bị thử thách và mất đi. Những hiện tượng tiêu cực như thế đang là vết gợn vào lúc này. Cẩn thận không thừa, bởi những vết gợn không làm rốt ráo, sẽ có cơ hội nứt toác ra.
3 Những vụ việc nổi cộm gần đây của bóng đá Việt Nam là ở giải U19 quốc gia, AFC Cup và mới nhất là Cúp quốc gia. 2 Trong vòng 20 năm qua, đã có 2 vụ tiêu cực của bóng đá Việt Nam được đưa ra xử lý với hàng loạt án treo giò vĩnh viễn. 1 Cuối tuần này, giải đấu cuối cùng trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp là hạng Nhất quốc gia mới chính thức khởi tranh. |
Trần Tuấn