Chuyện kiếm tiền ở VFF
Không chỉ bội thu ở khía cạnh thành tích bóng đá trong giai đoạn 2018-2022, VFF khóa 8 còn tạo được ấn tượng mạnh mẽ về khả năng kiếm tiền và điều này hẳn sẽ tạo ra không ít áp lực cho đội ngũ nhân sự sẽ nối tiếp công việc này ở khóa tới.
Cụ thể, tổng giá trị mà VFF thu được trong năm 2018, năm cuối nhiệm kỳ 7 là 92 tỷ đồng. Con số trên được nâng lên các năm sau lần lượt là 150,9 tỷ đồng, 158,1 tỷ đồng và 160,9 tỷ đồng và 209,5 tỷ đồng. Tổng thu từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình trong khóa 8 là 679,4 tỷ đồng, gấp đôi khóa trước.
Bên cạnh 2 nguồn thu chủ lực từ bao năm nay là tài trợ và quảng cáo, sự khác biệt lớn mà VFF khóa 8 tạo ra được so với các khóa trước đây là khoản thu từ bản quyền truyền hình bóng đá.
Với các nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, nhất là với những quốc gia sở hữu giải VĐQG chất lượng, thu hút nhiều ngôi sao thượng thặng, thì bản quyền truyền hình luôn được coi là mỏ vàng, nhưng với bóng đá Việt Nam thì trước nay nguồn thu từ bản quyền truyền hình hoặc không đáng kể, hoặc bị quy đổi thành thời lượng quảng cáo trên truyền hình, nên hầu hết các CLB ở V-League đều không gửi gắm bao nhiêu kỳ vọng vào tiền bán bản quyền truyền hình.
Tuy nhiên, với thỏa thuận mới được ký hôm qua (1/11) giữa VPF và FPT, bộ phận kiếm tiền của VFF khóa 8 coi như đã ghi được một bàn thắng vàng ở phút bù giờ để giúp bóng đá Việt Nam cấp độ CLB thiết lập một cột mốc mới, và từ nay có thể nghĩ tới kịch bản các CLB chuyên nghiệp sẽ sống khỏe nhờ doanh thu được phân chia từ bản quyền truyền hình.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 8, cho biết: “Bóng đá muốn phát triển phải có tiền đầu tư. Trong đó, khoản thu từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình là chính.
Những năm gần đây chúng ta chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, thậm chí có giai đoạn bóng đá “đóng băng”, nhưng doanh thu VFF vẫn tăng để đầu tư cho các đội tuyển, đó là niềm vui lớn.
Trước khó khăn do Covid-19, VFF cũng đã sáng tạo ra nhiều cách để có thêm nguồn thu. Điển hình như khi Việt Nam không được tổ chức các trận đấu, chúng tôi liên hệ để đội đá giao hữu ở nước ngoài, vẫn tường thuật trực tiếp, vừa thu được tiền, vừa đáp ứng đủ số trận theo hợp đồng đã ký với các nhà tài trợ, để không phải đền bù.
Tin vui nhất là trước đây VFF từng phải trả tiền để truyền hình phát các trận đội tuyển, rồi được trả 50 triệu mỗi trận thì giờ con số đã lên nhiều tỷ đồng mỗi năm”.
Cuối tuần này, Đại hội khóa 9 VFF sẽ diễn ra, và ông Thành là một trong 2 ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 9. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Động Lực này khẳng định sẽ tiếp tục tranh cử vì: “Đội ngũ tài chính của VFF đang làm tốt, tôi muốn duy trì và tiếp tục phát triển nên tham gia tranh cử để tiếp tục nhiệm vụ”.
Ứng cử viên còn lại cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 9 là ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Next Media. Trao đổi với báo chí, ông Kiên cho biết, nếu trúng cử, ông sẽ giúp VFF tăng 50% nguồn thu mỗi năm. Tổng thu năm 2022 dự kiến của VFF là 300 tỉ đồng.
Huy Anh