Chuyện 'góp Tết' nội - ngoại của các cặp vợ chồng trẻ: Nhiều gia đình cãi vã không hồi kết, nhà thu nhập thấp nhưng biết vun vén để đủ đầy 2 bên
'Góp Tết' tưởng rằng chỉ là câu chuyện đơn giản. Song với nhiều vợ chồng trẻ vấn đề thiếu công bằng giữa bên nội, bên ngoài trở thành vấn đề tranh cãi nảy lửa.
Cơm chẳng lành canh chẳng ngọt vì bất đồng quan điểm
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, cuộc tranh luận biếu tiền Tết bố mẹ hai bên bao nhiêu vẫn chưa có hồi kết với gia đình chị Lan Anh (29 tuổi, Hà Nội). Vừa cưới trong năm, đây là Tết đầu tiên cô phải lo biếu Tết cho cả nhà nội và nhà ngoại.
Lan Anh cho biết vợ chồng chị dự kiến dành khoảng 10 triệu đồng để biếu bố mẹ hai bên. Khi cô đề xuất biếu 2 bên mỗi nhà 5 triệu đồng thì anh chồng lại không đồng ý. "Gia đình mình biếu bố mẹ anh 7 triệu, còn bố mẹ em 3 triệu", cô nhớ lại lời chồng mình.
Không đồng tình với quyết định của chồng, ngược lại , Lan Anh còn thấy anh quá vô lý khi bên trọng bên khinh. "Bố mẹ nào thì cũng đều bỏ công bỏ sức nuôi dưỡng giáo dục như nhau. Hơn nữa nếu chia tiền chênh lệch như vậy, ông bà hai bên biết được thì sẽ có tư tưởng so sánh", cô nói.
Chia sẻ thêm Lan Anh cho biết dường như chồng cô vẫn giữ tư tưởng con dâu thì phải vun vén cho nhà chồng nhiều hơn nên anh muốn gia đình biếu bên nội nhỉnh hơn.
Cứ như vậy, hai vợ chồng cô vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Vì chuyện góp Tết này mà gia đình cô căng thẳng liên tục khoảng gần 1 tuần này và chưa có hướng giải quyết.
Đối với Hạ Linh (26 tuổi, Hà Nội) đây là cái Tết thứ hai cô về quê chồng ăn Tết. Tuy nhiên, do hai vợ chồng là dân văn phòng lại sống tại Thủ đô với chi phí sinh hoạt cao nên không dư dả nhiều. Thêm nữa, đầu năm vừa rồi chồng cô còn nhảy việc nên thưởng Tết này không đáng là bao.
Dẫu vậy khi đề cập đến chuyện "góp Tết" cho 2 bên nội ngoại chồng cô đề xuất biếu mỗi bên 10 triệu đồng. "Tôi còn không biết liệu tiền thưởng Tết của 2 vợ chồng có được mức này không? Tôi e rằng nếu biếu bố mẹ hai bên nhiều như vậy, vợ chồng tôi có khi phải đi vay tiền để sắm tiền cho gia đình mình", Hạ Linh nói.
Cô cho biết không phải chồng mình không biết đến chuyện tài chính của gia đình. Song vì thói quen vung tiền quá tay không ít lần hai vợ chồng cô đã cãi nhau.
Không có nhiều tiền góp Tết nhưng vẫn có cách được lòng cả 2 bên
Không dư dả về tài chính, tuy nhiên 4 năm về làm dâu Hải Linh (34 tuổi, TP.HCM) vẫn "góp Tết" bên ngoại, bên nội đủ đầy theo cách riêng. Thay vì biếu tiền mặt hay những giỏ quà có mức giá tương đối cao, cô thường vào bếp tự tay làm món mứt ông bà thích, hay loại bánh ít đường phù hợp với người lớn tuổi. Đến sát Tết hai vợ chồng cô lại cùng ông bà 2 bên dọn dẹp nhà cửa và tự tay mua thêm một số đồ dùng trang trí trong gia đình.
Hiện chị Linh đã lên mạng học thêm một số công thức làm món mứt mới và vài món bánh ngon để chuẩn bị dần làm quà biếu bố mẹ hai bên. "Thành thật mà nói lương thưởng vợ chồng tôi không quá cao nên chúng tôi cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đối với tôi quà Tết ý nghĩa nhất đối với đấng sinh thành không phải là tiền bạc, vật chất mà là sự quan tâm, tình cảm chân thành", Hải Linh bộc bạch.
Cũng không có nhiều tiềm lực về tài chính tuy nhiên năm nào ngay từ tháng tháng 9 vợ chồng chị Phương Thu (27 tuổi, Hà Nội) đã lên kế hoạch tích góp dần tiền để biếu bố mẹ. Cứ như vậy đều đặn mỗi tháng gia đình chị lại bỏ lợn một ít. Khoảng đến sát Tết anh chị có đủ 10 triệu đồng để biếu bên nội, bên ngoại. Cô dự kiến sát ngày về quê sẽ mua thêm một vài bộ quần áo mới tặng bố mẹ để ông bà có đồ mới diện Tết.
"Dẫu phải bớt mua chiếc túi, đôi giày yêu thích và cố gắng cày cuốc để có tiền bỏ lợn dành biếu bố mẹ. Nhưng ngược lại, vợ chồng tôi đều cảm thấy hạnh phúc và trưởng thành vì phần nào báo hiếu đấng sinh thành", Thu chia sẻ.
Tiền biếu Tết cho nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình. Tuy nhiên, biếu bên nội bao nhiêu thì bên ngoại cũng nên vậy. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhiều biếu nhiều, có ít, biếu ít, cốt ở tấm lòng các con hướng về cha mẹ.