Chuyên gia phân tích hai tranh giả mạo
(Thethaovanhoa.vn) - Hãy nghe chuyên gia phân tích hai bức tranh lụa Thiếu nữ uống trà và Ra chơi bị gán ép cho hai danh họa Việt Nam là Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ tại phiên đấu Nghệ thuật ấn tượng, hiện đại và đương đại của nhà Auction.fr ngày 12/5.
Việc thẩm định phẩm chất một bức tranh, hoặc nhận dạng tranh thật hay tranh giả, tất nhiên cần tới sự tiếp cận và xem xét trực tiếp.Tuy nhiên, đó là với những trường hợp ở mức độ tinh vi, đáng ngờ, chứ những trường hợp quá lộ rõ nhược điểm, ta có thể nhận thấy bằng kinh nghiệm thẩm mỹ tương đối và sự nhạy bén vừa phải.
Bức thứ nhất: Jeunes femmes prenant le thé (Thiếu nữ uống trà)
Bức này sớm được nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi (Pháp) phát hoảng và lập tức đưa lên trang Facebook của anh bạn bè biết sự thể. Anh hoài nghi nhà đấu giá có thể không có chuyên gia thẩm định hoặc chỉ cốt yếu vì lợi nhuận mà nhắm mắt đưa chân.
Nguyên bản của tác phẩm này từng xuất hiện tại triển lãm quy mô Du fleuve Rouge au Mékong: Visions du Viêt Nam (Từ Hồng Hà đến Cửu Long: Tầm nhìn Việt Nam) ở Bảo tàng Cernuschi, Pháp, khai mạc ngày 20/9/2012, kéo dài đến ngày 27/1/2013. Bức tranh gốc có kích thước 78 x 114 cm, trong khi bức đấu giá ngày 12/5 là 59 x 80 cm.
Bức tranh gốc vốn có phối cảnh hài hòa, với bốn cô quây quần bên nhau, ánh mắt và tâm lý của họ tập trung vào giây phút cô chủ nhà đang rót trà mời khách.
Trong bức tranh giả, nó bị biến đổi vụng về thành một bố cục lệch lạc giữa các nhân vật, phối cảnh xiên xiên và đổ dồn xuống góc trái, rất sai lệch.
Hậu quả của việc biến tướng này: thay vì 4 cô ngồi quây quần bốn góc như tất yếu trong buổi thưởng trà, thì một cô áo lục dời chỗ chen ngang vào giữa mấy cô kia như muốn giành ngồi sát cửa sổ. Trong khi cô áo vàng theo phối cảnh đáng lẽ ngồi cách xa nhất thì cánh tay lại với ra, hoặc khuỳnh ra xa tựa vào cửa sổ một cách không hợp lý.
Điều sơ hở nhất: trong khi cô chủ nhà áo đỏ bắt đầu rót trà vào 4 cái tách chưa kịp mời khách uống, thì cô áo lục đã ngang nhiên cầm sẵn tách trà từ hồi nào, bâng quơ nhìn ra ngoài cửa sổ! Phong cảnh đường làng ngoài ô cửa sổ và bụi trúc được vẽ rất chiếu lệ, so với bức nguyên bản ta có thể thấy độ đậm nhạt thủy mặc của núi đồi xa xa, của những màu mạ non và những đường mòn uốn lượn rất tinh tế.
So với sự tiết giản màu sắc của bức nguyên bản, bức tranh giả phung phí và quệt chủ yếu một loại bột màu (gouache) vừa đục vừa quá đậm, vừa dày và đặc kín bề mặt thớ lụa, đây là sự vi phạm bề mặt tranh lụa phương Đông với sự óng ả, thẩm thấu, có cấu trúc đan dệt của tơ sợi.
Màu sắc bức tranh giả thiếu hẳn những sắc độ tương phản cần thiết như ta thấy trong các mảng màu ở tranh nguyên bản, lưu ý màu áo mỗi nhân vật, mảng tường, màu sàn nhà.
Tất cả đều quá thô vụng và cứng ngắc, nhất là nếp nhăn tà áo của cô áo vàng, chứng tỏ người vẽ tranh giả không nắm vững được những biểu hiện đặc trưng của danh họa Vũ Cao Đàm, cũng như thiếu sót cơ bản về hội họa.
Bức thứ hai: La récréation (Ra chơi)
Những ai quen xem tranh của Mai Trung Thứ với phong cách tao nhã và tinh tế với bảng màu đông Phương đặc biệt, sẽ không thể lầm lẫn được. Đặc biệt với đề tài sinh hoạt gia đình, phụ nữ và nhất là thế giới trẻ con, hẳn sẽ phải ngạc nhiên vì bức này quá thô sơ, giống như ở dạng một phác thảo, hoặc chép vội vàng kiểu tranh bờ hồ.
Giả sử nếu đây là phác thảo của Mai Trung Thứ thì cũng không thể thô thiển và đại khái như thế, vì danh họa này khó có thể vẽ thô vụng được như vậy, chưa nói ông sẽ không bao giờ dám ký tên và đóng trên lên một bức vẽ như thế.
Có thể nhận ra ngay đây chỉ là một bức sao chép lỏng lẻo và lắp ghép những mô-típ đã có trong các tranh điển hình của Mai Trung Thứ, chẳng hạn như cụm 3 cậu bé bên trái, cô bé đang khâu vá, mẹ dẫn con, cậu bé nằm đọc sách…
Thử nhìn các khuỷu tay và dáng người thì đã thấy sự ngây ngô, nếu vẽ như vậy thì chẳng thể thành họa sĩ thực thụ, chứ đừng nói danh họa nổi tiếng khắp thế giới. Còn nhìn màu sắc vừa nhợt nhạt vừa mơi mới, trông giống như vừa nhuộm cẩu thả gần đây. Việc giặt lụa và bồi tranh cũng rất rất cẩu thả, nham nhở.
Hà Vũ Trọng (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần