Chuyên gia hóa trang điện ảnh Lilian Trần: Về Việt Nam như cá gặp nước
(Thethaovanhoa.vn) - Hỏi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về chuyên gia hóa trang Lilian Trần, anh chỉ nói đúng một từ: “Chuyên nghiệp”. “Anh không thể nhận xét dài hơn sao?”, tôi gợi ý. “Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam còn khướt mới theo được cô ấy”, đạo diễn kiệm lời nói.
Lilian Trần mảnh mai, có đôi mắt nâu đặc biệt quyến rũ. Khi chị xuất hiện ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, các học viên trầm trồ vì cô giáo quá duyên dáng và phong cách. Một số người biết chị thì kể, hồi Lilian về Việt Nam đi làm toàn mặc đồ đen, bị người ta chê “chuyên gia trang điểm mà ăn mặc thế à?”. Tôi đã mở đầu cuộc trò chuyện với Lilian bằng thắc mắc vì sao họ lại nhận xét chị như vậy. Chị phân trần: “Do cách làm việc và nhận thức khác nhau thôi. Ở đây ai cũng nghĩ chuyên gia trang điểm phải ăn mặc rất phong cách, như kiểu váy trắng, mũ trắng chẳng hạn. Nhưng ở nước ngoài các chuyên gia trang điểm mặc đồ đen, để nếu chẳng may dính hình vào máy quay, người ta còn dễ khắc phục. Chứ mặc áo màu thì khó xóa lắm. Với lại đi làm mà mặc đồ trắng màu dây vào người rất bẩn”.
* Tôi được nghe kể hồi chị trang điểm cho Các thí sinh Sao Mai, nhiều bạn đã chê, chạy ra hàng trang điểm cô dâu để khắc phục?
- Trang điểm cho nghệ sĩ trong show phục vụ khán giả dưới sân khấu khác với show để ghi hình, phục vụ khán giả truyền hình. Đó là còn chưa kể độ to nhỏ của sân khấu, và loại máy quay. Cách đây 3 năm, các show truyền hình ở Việt Nam chưa sử dụng máy quay HD, hoàn toàn có thể make up đậm cho nghệ sĩ, nhưng không có nghĩa làm đậm quá. Năm đó rất nhiều thí sinh thích nhũ vì họ nghĩ nhũ bắt sáng, giúp họ nổi bật. Nhưng thực tế người làm ánh sáng và đạo diễn hình ảnh rất sợ vì quay lên sẽ bị nổ sáng, không mịn màng. Nhiều thí sinh do không hiểu đã tự thêm nhũ từ đỉnh đầu xuống, trông khá buồn cười.
* Ngày đầu tiên chị trở về Việt Nam thế nào? Được chào đón, hay…?
- Thực ra khi về Việt Nam tôi không hề nghĩ đến việc làm nghề vì tôi theo chồng chuyển về đây thôi. Tình cờ đọc báo thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên casting phim Lời nguyền huyết ngải. Tôi liên lạc, nhưng lúc đó anh ấy đang xem phim nên chỉ ậm ừ nói sẽ gọi lại. Bẵng đi 2 tháng, bên sản xuất liên hệ với tôi. Tôi hơi ngạc nhiên vì tưởng họ quên rồi. Tôi đến hóa trang thử một vết cắt ở trên mặt theo yêu cầu của họ, giám đốc sản xuất trực tiếp xem vết thương, day, kéo, giằng. Vài hôm sau ký hợp đồng, tôi nghe kể lại mọi người rất hứng khởi, giám đốc sản xuất nói với anh Chuyên “cái này hay quá, không bị bung, mà còn chuyển động theo cơ mặt”.
* Nghe nói chị thiệt hại đáng kể về cân nặng và tài chính khi tham gia phim này?
- Công phu nhất trong phim đó là hóa trang cho NSƯT Thành Lộc. Bên sản xuất chỉ muốn dán râu, làm già đi như phim Việt Nam vẫn làm vì chi phí có hạn. Nhưng biết anh Chuyên trăn trở muốn biến Thành Lộc thành ông giáo sư đầu hói tóc lơ thơ, già 70 tuổi, tôi đã quyết tâm đầu tư, chấp nhận không lấy tiền công. Tiền nhà sản xuất đưa chỉ đủ để mua nguyên vật liệu. Nhưng nói hy sinh cũng chẳng phải vì thực sự tôi làm vì đam mê nghề.
Thời gian quay Lời nguyền huyết ngải trong một căn nhà bỏ hoang ở trường thực nghiệm tại Hà Nội thời tiết rất lạnh, mưa to tầm tã. Diễn viên co ro, đội make up làm việc dưới một cái bóng đèn leo lét. Chúng tôi phải quay 37 đêm trong hoàn cảnh lạnh lẽo, âm u. Nhưng nhờ có Thành Lộc - anh ấy là người rất giàu năng lượng, trêu đùa, rồi còn múa ballet khiến mọi người quên mệt.
* Về lâu về dài khó ai có thể làm nghề chỉ vì đam mê, chị biết đấy, hóa trang chỉ là một khâu phụ trong điện ảnh Việt Nam.
- Không thể trách vì ở Việt Nam không có trường lớp đào tạo bài bản. Các lớp cô chú từ thời chiến tranh được đào tạo hóa trang ở Nga, Trung Quốc đều rất giỏi, nhưng vì có ít phim đòi hỏi hóa trang, họ cũng không có truyền nhân nên nghề dần mai một. Sản xuất thì không có nhiều kinh phí. Nhiều yếu tố cộng hưởng khiến nghề này không được nhắc đến. Một công việc rất nghệ thuật, đòi hỏi nhiều công sức, là bộ phận rất quan trọng trong điện ảnh mà không được coi trọng khiến người làm nghề rất buồn.
Nhưng đó là cách đây 3 năm, chứ gần đây phim Việt được đầu tư tốt hơn, họ cũng trả cho tôi xứng đáng lắm. Tất nhiên không nhiều, chỉ có một số đạo diễn cầu toàn mới chăm chút phần hóa trang thôi.
* Chị cộng tác với Victor Vũ đã 3 phim (Thiên mệnh anh hùng, Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu), nghe nói đạo diễn này rất khó tính?
- Victor Vũ là người rất hiểu biết, và tôn trọng công việc của tôi. Anh rất chi tiết, rất chú ý đến hình ảnh của diễn viên, muốn diễn viên phải đẹp, phải ra chất. Làm việc với người chuyên nghiệp, tôn trọng mình như vậy tôi sẽ bỏ ra 100% sức lực để có kết quả tốt nhất. Victor rất khó tính, mọi người hay trêu cứ nhìn đầu tóc bóng mượt của anh ấy thì biết anh khó tính thế nào (cười).
* Vì sao chị chọn nghề này?
- Vì tôi thích hội họa từ nhỏ, có học vẽ với một số họa sĩ khi ở Việt Nam. Sang Mỹ tôi dự định theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vì lý do khách quan không theo được. Ông xã khuyên nên làm cái gì liên quan đến sáng tạo. Tôi rất thích màu sắc, cứ nhìn thấy màu là mắt sáng lên, và bắt đầu phân tích. Tôi quyết định theo nghề trang điểm. Nhưng làm một thời gian thấy chưa thỏa mãn, nên mới theo đuổi hóa trang.
* Từ chỗ chẳng ai biết chị là ai, giờ hẳn lời mời đến với chị tới tấp?
- Thực sự tôi phải từ chối một số phim, nhiều lúc rất ngại, vì mình rất tôn trọng những người mời mình. Nhưng một năm cũng chỉ nhận được 1 đến 2 phim thôi, vì không thể đủ sức khỏe mà theo đuổi. Đi làm phim kéo dài hàng tháng, ngày nào cũng quần quật 18-20 tiếng/ ngày. Có hôm quay đến 28 tiếng mới nghỉ. Lê la khắp nơi, nhiều khi chui vào rừng rú, bất kỳ chỗ nào cũng có thể ngủ được. Đi làm mới thấy rất thương những người làm phim.
* Khí hậu thất thường ở Việt Nam chắc đã làm khó không ít cho chuyên gia hóa trang? Nhưng ở Việt Nam lâu, ai cũng sẽ phát triển thêm khả năng xoay sở.
- (Cười), đúng là về đây thấy mình xoay sở ngoài hiện trường tốt hơn. Ở Mỹ khí hậu ôn hòa hơn nên không phải hóa trang lại nhiều lần như ở Việt Nam, nguyên liệu thì luôn sẵn. Về đây tôi cũng xoay sở tìm nguồn nguyên liệu nhưng chưa được. Đặt hàng ở Mỹ thì rất mất công. Ở Mỹ có quy định nếu diễn viên đeo kính áp tròng thì phải có 1 bác sĩ mắt đi theo. Nên nếu mình nhập kính áp tròng họ sẽ đòi phải có đơn của bác sĩ, rồi xác minh ai dùng kính. Thành ra lúc làm phim Hiệp sĩ mù, chỉ đặt cái tròng mắt cho người mù thôi, mà cái tròng mắt đó đi vòng vèo mấy nước mới về tới Việt Nam.
* Theo chồng về Việt Nam, chị có ý định ở lại đây lâu dài không?
- Tôi nhớ bên kia, rất nhớ, nhất là vào mùa Thu. Nhớ cuộc sống, công việc ở bên đó. Tuy nhiên, vì đã sống ở Việt Nam từ bé đến lớn, khi về đây như cá về nước rồi, cũng có cái hay riêng của nó. Tôi muốn phát triển sự nghiệp ở đây, nên đã mở trường dạy hóa trang. Học viên của tôi giờ nhiều người đi làm rồi. Tôi hy vọng điện ảnh Việt sẽ có sự thay đổi nào đó giống điện ảnh Hàn Quốc.
* Tôi hơi tò mò đã bao giờ chị tự hóa trang để thực hiện một mục đích cá nhân nào chưa?
- Bạn bè vẫn đùa lúc nào dỗi chồng tôi nên tự mình hóa trang như kiểu vừa bị ngã xem chồng có xót không. Thực ra tôi chưa bao giờ áp dụng cả. Nhưng vẫn phải tự lấy mình ra làm thí nghiệm các sản phẩm hóa trang mới.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Lilian Trần tốt nghiệp cao học chuyên ngành mỹ phẩm, làm đẹp và hóa trang hiệu quả đặc biệt cho phim tại Trường Đại học George Brown, Canada. Đã tham gia hóa trang các phim: Love Letter From An Open Grave, Death Warriors (Mỹ), Lời nguyền huyết ngải, Thiên mệnh anh hùng, Scandal, Cô dâu đại chiến (phần 1 và phần 2), Quả tim máu (Việt Nam) |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần