Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Năm 2023 tạo ra xung lực mới cho bóng đá Việt Nam'
Giống hệt như một bản "tổng kết", chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ rất thẳng thắn, đầy chân tình khi nhìn lại 1 năm đã qua của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam, cuối năm nhìn lại
Chuyên gia Đoàn Minh Xương bộc bạch: "Tôi xin được dùng từ "khởi đầu" để nói về mục tiêu mới, khát vọng mới mang tên World Cup. Chúng ta để lại những điều được mất để bước tiếp guồng quay mới tất bật, rộn rã, đan xen giữa cơ hội cùng thách thức mà những gì hiện diện trong năm qua minh chứng rằng mọi thứ mới chỉ như bước khởi đầu.
Sự khởi đầu được nhìn thấy với mộtHLV mới, tư duy mới cùng động lực phát triển mới.Rõ ràng Asian Cup và vòng loại World Cup là những sức ép đầu tiên với HLV Troussier ở ĐTQG.
Cuối năm nhìn lại bóng đá nước nhà đầy nỗi niềm, đan xen vui buồn, suy tư và cả lo lắng. Giai đoạn phát triển mới chỉ ở những bước đi đầu tiên, chưa biết thành bại ra sao. Bối cảnh kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến các CLB trong nước. Sau chu kỳ thành công của "thế hệ vàng", liệu rằng chúng ta có vượt được giới hạn đó hay không? Bóng đá Việt Nam phải nghĩ lớn hơn với những tư duy mới hơn. Điều quan trọng phải dám bước ra khỏi vùng "an toàn", vượt giới hạn của chính mình.
Với tôi, năm 2023 thật sự như một năm "bản lề" của bóng đá Việt Nam. Còn từ nền tảng đã có trong năm 2023, chúng ta có làm bàn đạp để tiến xa hơn, mạnh hơn hay bền vững hơn hay không, cần sự chung tay của tất cả chứ không chỉ riêng ai".
HLV mới, tư duy mới, chu kỳ phát triển mới
* Ông Troussier cũng đã có gần 1 năm đồng hành cũng bóng đá nước nhà, đâu là những cảm nhận của ông ở buổi đầu gắn bó của nhà cầm quân người Pháp?
- Năm 2023, bóng đá Việt Nam cùng ĐTQG bước vào một cuộc "cách mạng". Thất bại hay thành công chưa biết, nhưng đòi hỏi VFF và HLV phải làm việc cật lực để vượt lên "di sản" đã có trước đó. Đó là áp lực nhưng đồng thời cũng như động lực để bóng đá Việt Nam vượt giới hạn của chính mình.
Tôi cho rằng HLV Troussier đã tạo ra được những xung lực mới ở đội tuyển Việt Nam để kích thích sự phát triển. Hẳn nhiên, cái đích mà ông Troussier buộc phải nhắm đến, dĩ nhiên sẽ cao hơn điểm mốc lịch sử: Vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
VFF ký hợp đồng với HLV Philippe Troussier với mục đích quan trọng nhất là giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup. Người hâm mộ cũng chỉ cần điều đó, bởi giành HCV SEA Games hay vô địch AFF Cup không còn quá nhiều ý nghĩa. Đây là thời điểm ông Troussier phải chứng minh sứ mệnh của mình với bóng đá Việt Nam.
Buổi sơ khai bao giờ cũng có những khó khăn nhất định, ông Troussier cũng không phải ngoại lệ. Màn "chào hỏi" của nhà cầm quân người Pháp cũng dấy lên những hoài nghi, để lại nhiều tranh luận.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, một khi chúng ta chọn đường đi thì phải hết sức kiên nhẫn, kiên định với con đường đã chọn đó. Ít ra, những gì ông Troussier đã làm qua sự nhào nặn, cải tổ của mình đã không hề "phí phạm" khi đội tuyển Việt Nam dần có những bước chuyển mình, khởi sắc.
Minh chứng rõ ràng nhất sau gần 1 năm miệt mài đã "định hình" được bộ khung, một lối chơi mới của đội tuyển Việt Nam. HLV Troussier bước đầu đã thành công với những quyết định, sự lựa chọn dứt khoát cho "canh bạc", "nước cờ" tất nhiên là mạo hiểm song nằm trong toan tính của ông.
"Hành trình thiên lý" mang tên World Cup
* "Khát vọng World Cup", chưa bao giờ chúng ta được nghe nói đến nhiều như lúc này. Vậy theo ông, bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu trong "hành trình thiên lý" mang tên World Cup?
- Việc số đội dự VCK được mở rộng từ 32 lên 48, châu Á có 8,5 suất dự World Cup 2026 đang tạo cơ hội cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ chinh phục giấc mơ này nếu chúng ta không có sự chuẩn bị cũng như thực lực.
Với những nền bóng đá mạnh, họ đã chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026 từ năm 2018. Châu Á có 8,5 suất dự World Cup 2026, vậy hãy xem những đội nào là ứng viên sáng giá? Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia là những cái tên gần như chắc suất. Còn 3,5 suất (3 suất trực tiếp và 1 suất play-off) sẽ là cuộc cạnh tranh giữa Qatar, UAE, Trung Quốc, Uzbekistan, Jordan, Iraq, Thái Lan và Việt Nam.
Bài kiểm tra đầu tiên cho đội tuyển Việt Nam đã có ở trận gặp Iraq ở vòng loại thứ 2. Cuộc so tài đã cho thấy chúng ta đang đứng ở đâu. Thầy trò HLV Troussier buộc phải đứng nhất hoặc nhì bảng để lọt vào vòng loại thứ 3, trước khi sẽ phải gặp những đội mạnh hơn, đá những trận khó khăn hơn.
Lẽ ra, lứa cầu thủ tài năng đạt ngôi vị á quân VCK U23 châu Á năm 2018 hiện nay sẽ chín muồi để cụ thể hóa giấc mơ dự World Cup cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, có thể thấy họ đã bước qua thời kỳ đỉnh cao.
Việc lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 được xem như chạm đỉnh. Hai lần liên tiếp thất bại ở AFF Cup cùng sự sa sút phong độ của hàng loạt tuyển thủ đã báo hiệu ông Troussier còn nhiều việc phải làm.
HLV Troussier đang có trong tay một lực lượng rất hùng hậu. Tuy vậy, lực lượng đó ở dạng tiềm năng hơn tài năng và chỉ "đa" chứ chưa hẳn đã "tinh". Chính vì thế, để chọn ra được đội hìnhcứng cáp đủ sức cạnh tranh với các đội bóng hàng đầu châu lục, giành vé dự World Cup thời điểm này không hề đơn giản. Chúng ta đành phải lạc quan và hy vọng tài năng của "phù thủy trắng" sẽ được phát tiết ở mặt trận lớn.
Mở "lối đi" cho bóng đá trẻ
* Bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ, vậy nên tính kế thừa lực lượng rất quan trọng, theo ông bóng đá nước nhà cần làm gì để tạo ra "công thức" thành công với câu chuyện đào tạo trẻ?
- Cùng với nền tảng giải VĐQG phát triển mạnh và ổn định, điểm chung của các nền bóng đá hàng đầu châu Á nằm ở hệ thống đào tạo trẻ rất mạnh, liên tục bổ sung các lứa cầu thủ tài năng cho ĐTQG. Họ cũng có nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải bóng đá phát triển trên thế giới, chủ yếu là ở châu Âu. Đây chính là "côngthức" cho thành công để Nhật Bản, Iran hay Australia liên tục được góp mặt tại ngày hội bóng đá thế giới.
Không còn cách nào khác, bóng đá Việt Nam cần phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, khâu tổ chức các giải đấu để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển. Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội trong khu vực để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo.
Nhưng chỉ đào tạo trẻ thôi là chưa đủ. Các cầu thủ trẻ cần được trui rèn thường xuyên ở các môi trường bóng đá có tính cạnh tranh cao để phát triển. Kể từ khi J-League được hình thành, người Nhật đã sớm nghĩ đến việc "xuất khẩu cầu thủ" để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được bơi ra biển lớn, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm từ các giải đấu hàng đầu thế giới.
Cũng phải thừa nhận, khi nền kinh tế quốc gia vững mạnh sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển bóng đá. Làm bóng đá trẻ càng cần phải có nhiều tiền để xây dựng học viện, tập huấn nước ngoài, thuê HLV, Giám đốc kỹ thuật giỏi. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được điều đó từ hàng chục năm qua. Hy vọng, kinh tế khởi sắc để những nguồn lực đầu tư cho bóng đá ngày thêm "sinh khí".
* Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
"Nhìn vào cách các "ông lớn" châu lục đã làm để đi đến thành công như hiện tại, chắc hẳn bóng đá Việt Nam sẽ rút ra được nhiều bài học cho mình. Về lâu về dài, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, chúng ta rất cần có chiến lược dài hơi để nâng tầm bóng đá nước nhà, trước mắt là nâng cao chất lượng các giải đấu quốc nội, thu hút các nguồn lực đầu tư vào bóng đá, nâng cao chất lượng đào tạo trẻ và hoạch định chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam một cách bài bản.
Bản thân các cầu thủ cũng sẽ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao thể lực, kỹ chiến thuật và nên được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn nữa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có như vậy, giấc mơ World Cup của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam mới sớm trở thành hiện thực".