Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Mỗi trận đấu là dịp đội tuyển Việt Nam kiểm nghiệm lối chơi'
"HLV Philippe Troussier đã cho đội tuyển Việt Nam chơi với đúng triết lý của mình cũng như đưa ra những thể nghiệm ở mức tối đa", chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn lại trận đấu giao hữu quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc) với góc nhìn như thế.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng điều quan trọng nhất ở những trận đấu như thế này không phải kết quả mà nằm ở những thể hiện trong lối chơi, thể hiện nhân sự: "Trước đối thủ xếp dưới mình đến 52 bậc trên bảng xếp hạng FIFA, vấn đề quan trọng được tất cả trông đợi là đội tuyển Việt Nam sẽ thể hiện một diện mạo, lối chơi mới ra sao? Con người cũ, mới có phù hợp, nhanh chóng am hiểu, thấm nhuần lối chơi mới hay không?
Trong nỗ lực làm mới ĐTQG, 2 trận giao hữu với Hong Kong và Syria mới chỉ là bước đầu cho những thay đổi, trong đó có trẻ hóa. Tuy nhiên, kinh nghiệm và bản lĩnh của Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Quang Hải vẫn đang cần cho đội tuyển Việt Nam ở hiện tại.
Chính vì thế, những cầu thủ cũ, trụ cột lâu nay vẫn được góp mặt, ra sân đá chính hầu hết trong trận đấu này. Đó cũng "nguyên liệu" chính của đội tuyển Việt Nam lúc này với trên dưới 25 cái tên quen thuộc. Có thể thấy, rất muốn và cũng không e ngại áp lực và thay đổi nhưng đây là lần đầu tiên HLV Troussier "ra sân" với ĐTQG nên nhà cầm quân người Pháp vẫn tôn trọng "truyền thống".
HLV Troussier hẳn muốn mang đến người hâm mộ Việt Nam những tín hiệu lạc quan về cách đội tuyển vận hành chứ không đơn giản là một trận thắng. Đó là sự kết hợp của Ngọc Hải, Thanh Bình, Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Hậu với những Tuấn Hải, Văn Tùng, Văn Khang, Văn Tùng, Tuấn Tài".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: "Rất dễ nhận ra lối chơi chủ động kiểm soát bóng, áp đặt tấn công của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, những pha bóng ban bật, phối hợp kéo bóng từ phần sân nhà lên phía trên chỉ nhuần nhuyễn, gắn kết chứ chưa tạo ra sự đột phá, hiệu quả ở tình huống cuối cùng. Khoảng 30m trước khung thành đối phương, mọi thứ vẫn còn lúng túng, chưa có được những pha xử lý đột biến.
Lâu nay, chúng ta chơi phòng ngự, phản công và đá hiệu quả khi thoát pressing của đối phương để phản công ăn bàn. Còn lúc này, đội tuyển Việt Nam chơi áp đặt tấn công, tấn công dồn dập nhưng lại thiếu phương án chống phản công của đối phương. Rõ ràng, trong trận đấu này, đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc) đã có những tình huống phản công như thế.
HLV Troussier ưu tiên sự đa năng trong tiêu chí lựa chọn cầu thủ nhưng vẫn quan tâm đến những cái tên giỏi nhất với những vị trí sở trường. Hơn nữa, có trong tay 30 cầu thủ cho 2 trận giao hữu HLV Troussier rộng đường tính toán hơn.
Vì thế, 2 trận giao hữu sẽ giúp HLV Troussier toan tính nhân sự lẫn áp dụng phương án của mình cho đội tuyển Việt Nam thời gian sắp tới. Có thể HLV Troussier vẫn lựa chọn lối chơi kiểm soát bóng sở trường hoặc kết hợp linh hoạt, ứng biến lối chơi phòng ngự phản công tùy theo phong độ và thích ứng của học trò khi đã ít nhiều làm quen với phương pháp mà mình truyền đạt trong thời gian qua.
Cách dùng người và lối chơi của đội tuyển Việt Nam sẽ có nhiều khác biệt khi HLV Troussier đang hướng đến việc định hình lại đội tuyển với lối chơi kiểm soát bóng và chủ động tấn công, đòi hỏi các tuyển thủ phải có nhiều nỗ lực để thích nghi với giai đoạn mới. Sự cạnh tranh lành mạnh vô cùng cần thiết.
Một bài toán cũng đặt ra với HLV người Pháp là làm sao tạo ra động lực mới cho ĐTQG. Sau hơn 5 năm thành công thời ông Park, phần nào đó các cầu thủ tuy chưa quá lớn tuổi nhưng đã là cựu binh, không tránh khỏi tâm lý thỏa mãn, không cần chứng tỏ mình. Vì thế, cạnh tranh là liều thuốc kích hoạt họ trở lại".
"Tóm lại, từ 2 trận giao hữu quốc tế của FIFA Days tháng 6 này, bản thân HLV Troussier sẽ tự rút ra liệu triết lý lối chơi của mình muốn xây dựng có phù hợp với những cầu thủ mà ông có trong tay", chuyên gia Đoàn Minh Xương khép lại trao đổi.