Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Cần tư duy đột phá trong đào tạo bóng đá trẻ'
Lối đi nào cho bóng đá trẻ Việt Nam là chủ đề được chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ một cách vô cùng tâm huyết trong câu chuyện cuối tuần cùng Thể thao & Văn hóa.
"VCK U19 Đông Nam Á 2024 đã khai màn. Một lứa cầu thủ trẻ Việt Nam tiếp tục được thử thách, trui rèn và tích lũy. Những kết quả không như kỳ vọng tại các giải đấu trẻ khu vực, châu lục gần đây đã giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về thực lực của bóng đá trẻ nước nhà trong câu chuyện đào tạo, phát triển, nâng tầm cho cầu thủ. Sau những thất bại thời gian qua ở cấp độ trẻ, SEA Games, AFF, đặc biệt là vòng loại World Cup 2026, bóng đá nước nhà đang bước vào một chu kỳ mới, đòi hỏi phải có tư duy mới, đột phá mới cho câu chuyện phát triển.
Vấn đề quan trọng là chúng ta có đúc kết, rút tỉa để biết mình có gì, thiếu gì, phát huy cái gì và bồi đắp ở đâu để phát triển. Chẳng hạn ở cấp độ những giải trẻ được tham dự hàng năm, phải tích lũy được giá trị để cầu thủ trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm chuẩn bị cho mục tiêu dài lâu. Một nền bóng đá yếu phần đào tạo trẻ không thể có đội tuyển mạnh, nền bóng đá đó rất khó phát triển vững mạnh.
Cũng phải thừa nhận, khi kinh tế vững mạnh sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển bóng đá. Làm bóng đá trẻ càng cần phải có nhiều tiềm lực để xây dựng học viện, tập huấn nước ngoài, thuê HLV, Giám đốc kỹ thuật giỏi. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được điều đó từ hàng chục năm qua.
Rất cần những chuyến tập huấn nâng cao ở những nền bóng đá đẳng cấp thế giới hiện nay, hay chí ít cũng được ăn tập ở Nhật Bản, Hàn Quốc một thời gian. Ngoài các giải đấu khu vực ra, tôi mong lứa cầu thủ trẻ U17, U19 hiện nay được ăn tập, thi đấu, cọ xát cùng những đội tuyển cùng trang lứa ở các nền bóng đá phát triển, đẳng cấp quốc tế. Có như thế, họ mới nhanh chóng trưởng thành được.
Thực trạng hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược. Điều cốt lõi nhất vẫn nằm ở chỗ công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm, đầu tư một cách thường xuyên, liên tục, có trọng điểm.
Chúng ta luôn nói về khát vọng được dự World Cup. Vậy nếu đề ra mục tiêu góp mặt tại World Cup 2030 thì đâu là những nhân tố chủ lực để thực thi, sẽ dựa vào lứa cầu thủ nào để đầu tư trọng điểm. Những câu hỏi đặt ra như thế đủ khiến chúng ta trăn trở, nghĩ suy.
Đội tuyển U23 và ĐTQG cần có nhiều sự lựa chọn chất lượng cho những nhiệm vụ sắp đến. Đội tuyển Việt Nam phải có được đội hình có chiều sâu và mang tính kế thừa cao. Điều này chỉ có thể có được khi ngay từ bây giờ, chúng ta có sự chuẩn bị nghiêm túc cho tương lai.
Có thể xuất phát điểm của lứa trẻ hiện nay chưa cao như thế hệ đàn anh nhưng ít ra cũng đủ để bóng đá Việt Nam rõ hơn với cái nền đang có và phải nhanh chóng có những chiến lược để đi tiếp hành trình với cái vốn đang có chứ đừng quay trở lại vạch xuất phát.
Chất lượng cầu thủ trẻ Việt Nam bây giờ không phải kém, họ vẫn có tố chất phát triển hơn nữa. Đồng thời, còn cả cầu thủ tiềm năng trong các độ tuổi cần được phát hiện.
Việc phát triển tương lai của lứa cầu thủ trẻ hiện nay không chỉ ở trách nhiệm của mỗi HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam mà còn trông chờ các CLB. Nếu cầu thủ trẻ thể hiện được phẩm chất chuyên môn, các HLV cũng nên cho họ ra sân thường xuyên ở V-League. Chính bản thân cầu thủ trẻ cũng phải tận dụng mọi cơ hội để thể hiện mình, đó là cách duy nhất nếu muốn có tương lai vững chắc sau đây với cơ hội lên chơi cho ĐTQG.
Không còn cách nào khác, chúng ta cần phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, khâu tổ chức các giải đấu để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển.
Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo. Cả hệ thống của nền bóng đá phải kiên quyết, mạnh mẽ trong những bước đi của mình".