Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Bóng đá Việt Nam cần chiến lược hơn chiến thuật'
"Nâng tầm lứa cầu thủ trẻ tiềm năng đang có hiện nay trở thành tài năng chỉ là một phần việc, điều cốt lõi nằm ở công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm, đầu tư một cách thường xuyên, liên tục, khoa học và chuyên nghiệp", chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra những chia sẻ đầy tâm huyết về bóng đá nước nhà.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định để có được những thế hệ cầu thủ chất lượng, bóng đá Việt Nam phải nâng cấp quá trình tuyển chọn, đào tạo: "Cần phải đảm bảo đồng bộ 4 yếu tố cơ bản trong công tác đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ: Thứ nhất, phải có thầy giỏi chuyên môn và thương yêu học trò; Thứ hai, quy trình tuyển chọn, đào tạo khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại; Thứ ba, điều kiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc cầu thủ trẻ phải chuyên nghiệp; Thứ tư, môi trường thi đấu có tính cạnh tranh cao.
Lúc đó mới hy vọng chất lượng đào tạo cầu thủ đạt hiệu quả cao, còn nói thật, làm như hiện tại thì hên xui thôi! Không khác gì làm lúa trời, được vụ nào hay vụ đó. Tôi vẫn hay nói vui rằng thành công mà chúng ta đã có trong những năm vừa qua giống như "gọt bút chì". Đến lúc nào đó, "cây bút chì" đang có cụt ngủn rồi thì lấy gì mà "gọt" nữa".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bóng đá Việt Nam đã có gần 25 năm khoác áo chuyên nghiệp nhưng chúng ta chưa có định hướng phát triển cụ thể: "Nói nôm na, chúng ta mới chỉ có những "chiến thuật" ngắn ngày để áp dụng chứ chưa tạo ra được "chiến lược" theo kiểu hoạch định lâu dài, bài bản để làm kim chỉ nam phát triển.
Các CLB sống chủ yếu vào túi tiền và niềm vui của ông bầu. Còn bóng đá không tự thân làm ra tiền, thực tế ai cũng thấy điều đó. Vì thế, chúng ta có gần 30 CLB chuyên nghiệp ở V-League và hạng Nhất, nhưng phần nhiều không đủ tiêu chuẩn theo quy định của FIFA, AFC về vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo cầu thủ.
Cách làm của nhiều đội bóng là vung tiền mua cầu thủ giỏi khắp nơi về hòng đạt thành tích nhất thời, đánh bóng tên tuổi. Khi kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư. Đấy không phải là cách làm bóng đá "thật". Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ.
Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn. Rất ít CLB chăm sóc cái "gốc" khâu đào tạo trẻ, còn lại đều đầu tư từ ngọn. Trong giáo dục, chúng ta có khái niệm "học thật, dạy thật, thi thật" thì bóng đá đến lúc cũng phải làm thật như vậy. Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào những tiêu chí cốt lõi: nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính; sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài.
Chúng ta không phủ nhận công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng việc tuyển chọn, đào tạo trẻ chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm. Ngay cả với những đội chăm bẵm tốt cho lứa trẻ cũng không có quy trình đào tạo trẻ thống nhất trên toàn quốc, mỗi nơi làm một kiểu, không có quy chuẩn nào. Các nhà tuyển chọn, huấn luyện chưa thể đưa ra một công thức, triết lý đào tạo lối chơi mang tính thống nhất để hình thành hệ thống.
Còn hiện tại, mỗi trung tâm đào tạo chơi một "phách". Bóng đá là môn thể thao tổng hợp của nhiều yếu tố. Chúng ta ứng dụng vào Việt Nam phải có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, theo dõi, đưa giáo án ra cho cầu thủ thực hiện xem có hiệu quả không, rồi mới biết phương pháp đúng hay sai. Vì vậy, đào tạo trẻ của chúng ta mang tính… hên xui, may mắn lắm thì được lứa giỏi, chứ chưa có sản phẩm tốt một cách đều đặn.
Bóng đá Việt Nam phải tái cấu trúc nền tảng, xác lập lại mô hình phát triển bóng đá ở cả khía cạnh chuyên nghiệp lẫn học đường, phong trào. Ở khâu đào tạo trẻ, chúng ta cần quy tụ nguồn lực xã hội, có thêm sự chung tay từ doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất và nguồn lực quản lý. Đào tạo trẻ cần có nhân sự điều hành và làm chuyên môn giỏi thì cầu thủ mới giỏi được".