Chuyện chưa biết về 3 lần đổi tên trước khi Tín ngưỡng thờ Mẫu thành Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/1, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Và, so với 10 Di sản tương tự của Việt Nam được vinh danh trước đó, hiếm có trường hợp nào phải đi theo một cung đường lận đận và đầy tranh cãi như nó, trong hành trình tìm sự thừa nhận đích thực cho mình.
- Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh: Việt Nam có thêm Di sản Văn hóa Phi vật thể thứ 11
- DUY NHẤT 'Tín ngưỡng thờ Mẫu' được UNESCO vinh danh mà không cần thảo luận
- Tín ngưỡng thờ Mẫu vừa CHÍNH THỨC được vinh danh là Di sản thế giới
GS Ngô Đức Thịnh (nguyên thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) kể rằng: cái mốc quan trọng nhất trong sự trở lại của di sản này được đánh dấu với việc hầu đồng xuất hiện tại lễ hội Kiếp Bạc năm 2006. Để làm được điều ấy, giám đốc ngành văn hóa Hải Dương phải tìm gặp, mượn một số cuốn sách về TNTM do GS viết và chuyển cho các lãnh đạo tỉnh đọc rồi mới dám… xin phép.
Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu tại VN
3 năm sau Kiếp Bạc là lễ hội Lảnh Giang (Hà Nam), là những chuỗi liên tiếp giới thiệu và trình diễn hầu đồng tại hàng chục đô thị trên miền Bắc.Tất cả những buổi giới thiệu ấy đều đặc kín người. Điển hình, buổi giới thiệu hầu đồng ở Trung tâm văn hóa Pháp vào đầu năm 2011 của GS Ngô Đức Thịnh gặp cảnh “vỡ sân” – khi mà nói như lời ông, số phận "nửa kín, nửa hở" của hầu đồng luôn kích thích sự tò mò cao độ.
Đáng nói, chỉ một năm trước đó, trong bản dự thảo về thông tư quản lý lễ hội của ngành văn hóa vào giữa năm 2010, ý tưởng "cấm lên đồng" vẫn… tiếp tục được nhắc tới. Tuy nhiên, điều này đã được sửa đổi khi dự thảo được thông qua.
2. Bước tiến của TNTM nhanh tới chóng mặt, khi mà chỉ 7 năm trước, ý tưởng đi di sản này “ứng thí” trước UNESCO còn liên tục nhận về những băn khoăn, thậm chí là phản ứng gay gắt của giới chuyên môn.
Bởi vậy, năm 2011, thay vì "hầu đồng", khái niệm "nghi lễ chầu văn" ra đời. Như giải thích của người trong cuộc, chầu văn (loại âm nhạc sử dụng khi hầu đồng) với các "nghi lễ" đi kèm, là trung tâm của việc lập hồ sơ. Có nghĩa, di sản được nhìn từ yếu tố âm nhạc là chính, chứ không phải tín ngưỡng. 2 năm sau, "nghi lễ chầu văn" trở thành Di sản Phi vật thể cấp Quốc gia và được lên kế hoạch đệ trình tới UNESCO.
Nhưng, trong những cuộc hội thảo và tổ chức liên hoan "biểu diễn nghi lễ chầu văn" sau đó lại vẫn các chuyên gia phân tích: cách tiếp cận di sản theo hướng này sẽ bỏ qua rất nhiều yếu tố giá trị văn hóa ngoài âm nhạc trong hồ sơ.
"Trong một hội thảo tại Mỹ, tôi kể về tín ngưỡng thờ Mẫu. Khi biết tục thờ Mẫu đề cao bà mẹ thiên nhiên, coi người mẹ là yếu tố sinh ra vạn vật, các chuyên gia Mỹ vỗ tay và nói vui rằng chúng ta còn tiến bộ trước họ về mặt nữ quyền" – GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian, kể. "Bỏ đi "phần hồn" ấy, thứ di sản được trình lên UNESCO chỉ còn là những diễn xướng mô phỏng…”
Như lời GS Ngô Đức Thịnh, một trong những người xây dựng hồ sơ, cái tên "nghi thức chầu văn" ấy tồn tại trong một giai đoạn ngắn cũng bởi... sự e dè của các chuyên gia khi đề xuất .
Tháng 3/2014, phải tới sát thời điểm trình lên UNESCO, sau khi xin ý kiến Chính Phủ, bộ hồ sơ đã được Ban chỉ đạo đổi sang tên gọi "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt" với lý do tên gọi cũ "không phản ánh được hết giá trị đặc trưng của di sản".
Một tháng sau đó, cuộc Liên hoan “Nghi lễ chầu văn” tại Hà Nội cũng được đổi sang tên gọi “Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu”. Di sản đã có được một tên gọi thống nhất và chuẩn xác cho đến thời điểm được UNESCO vinh danh vừa qua.
Cúc Đường - Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần