Chương trình 'Linh thiêng Việt Nam': Tôn vinh sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ
Tối 24/7, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam”.
Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu: Phim trường - Nhà hát Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi) và Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức).
Chương trình nhằm khẳng định truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cùng ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị nhân văn của ngày Thương binh – Liệt sĩ; tôn vinh sự cống hiến, hy sinh cao cả của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập tự do, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; nêu bật những thành tựu to lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa 75 năm qua…
Ngoài ra, chương trình mang đến câu chuyện huyền thoại về những bà mẹ vá cờ bên bờ Hiền Lương, về những chiến sĩ dũng cảm hy sinh để bảo vệ lá cờ, về mảnh lá cờ nơi giới tuyến được cất giữ suốt hàng chục năm qua hay câu chuyện tình yêu lãng mạn vượt qua bom đạn của người thương binh vùng đất Củ Chi...
Giao lưu tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Ái, Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên chiến sĩ Công an vũ trang bờ Bắc Hiền Lương (1970 – 1973) chia sẻ, ngày ông vừa tròn 20 tuổi ông đỗ Đại học ngành y ở Đức nhưng ông quyết định ở lại bảo vệ cột cờ, bảo vệ Tổ quốc. Cầm một mảnh lá cờ Tổ quốc nơi giới tuyến trên tay, với ông Nguyễn Hữu Ái, đây là một kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời ông, được ông thu thập từ nhiều mảnh rồi vá lại. Suốt hàng chục năm qua, khi đi đâu, ông cũng mang theo để đắp ấm, trên đó còn lưu giữ vết máu của các đồng đội.
Nói về lựa chọn của mình khi chấp nhận ở lại bảo vệ cột cờ, bảo vệ Tổ quốc ở lứa tuổi 20, ông Nguyễn Hữu Ái xúc động: Nhắc về những năm tháng khốc liệt ấy, có biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại về những bà mẹ vá cờ bên bờ Hiền Lương, về những cán bộ, chiến sĩ của ta đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ lá cờ Tổ Quốc. Vì vậy, nếu được chọn lại, tôi chắc chắn rằng mình và thế hệ tuổi trẻ vẫn chọn cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, vì “Chúng tôi ra đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”.
Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” còn góp thêm vào các hoạt động tri ân của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản thân và gia đình những người đã hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng thời, chương trình cũng động viên những gia đình thương binh, liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới, phát triển, bảo vệ đất nước và xây dựng thành phố; tăng cường ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn của các tầng lớp nhân dân đối với thế hệ đi trước, qua đó phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.
Tại chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự trân trọng biết ơn sâu sắc với những thương binh, những người từng anh dũng tham gia chiến đấu nơi chiến trường, người có công với nước. Theo ông Dương Anh Đức, việc chăm sóc cho thương binh, người có công với nước là bổn phận của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước, những người đã cống hiến, hy sinh để đất nước có được độc lập, thống nhất. Theo đó, các cấp, ngành và địa phương luôn cố gắng thực hiện tốt việc chăm lo cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.
Cùng ngày, tại điểm cầu Củ Chi, đoàn đại biểu gồm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng nhà nước, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã tiến hành lễ dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và Khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định để cùng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc với công lao to lớn của những người con bất khuất của dân tộc đã dâng hiến tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
- Phát hiện căn hầm chứa hài cốt liệt sĩ và di vật của bộ đội trong chiến tranh
- Tour Hỏa Lò đêm - tri ân những anh hùng liệt sĩ
- Huyền Trang Sao Mai ra mắt dự án âm nhạc ‘Mãi vẹn nguyên’ nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ
Cùng thời điểm, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại 5 Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố gồm: Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tân Xuân (huyện Hóc Môn); Nghĩa trang Liệt sĩ Thủ Đức; Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bình Chánh; Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nhà Bè.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, anh Châu Minh Hiền, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ, Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế; các liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giữ gìn cuộc sống bình yên, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong thời bình và những trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát.
Sự hy sinh của các thế hệ cha, anh đã làm rạng rỡ quê hương đất nước, đã ươm những mầm xanh, những chồi non lộc biếc của hòa bình và khát vọng cho Tổ quốc hồi sinh, cho thế hệ trẻ hôm nay được lao động, học tập, được tạo điều kiện để phát huy năng lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và thành phố. “Mỗi đoàn viên, thanh niên chúng tôi hôm nay ý thức được trách nhiệm của mình, nguyện tiếp bước theo tấm gương vì nước, vì dân của cha anh, trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, giữ gìn hạnh phúc, ấm no của nhân dân”, anh Châu Minh Hiền nói.
TTXVN