Chung khảo Văn học tuổi 20 lần 6: Một nửa tác phẩm có bút pháp xuyên không, huyền ảo…
(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 6 vừa công bố danh sách 20 tác phẩm vào chung khảo, trong đó có 10 tác phẩm liên quan đến bút pháp xuyên không, hiện thực huyền ảo, viễn tưởng, ly kỳ… Mùa giải này có 458 tác phẩm dự thi, gồm 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn, nếu xuyên không, huyền ảo cũng chiếm tỷ lệ cao thì đây đúng là một điều mới, lạ.
- Chung khảo Văn học tuổi 20 lần 6: loại bỏ 2 tác phẩm phạm quy
- Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6: Tuổi hai mươi viết cho chính mình
1. Nếu phong cách hiện thực huyền ảo (tiếng Tây Ban Nha: realismo mágico) xuất hiện ở châu Mỹ Latin từ thập niên 1960, thì phong cách xuyên không (Hán văn: xuyên qua thời không) xuất hiện tại Trung Quốc đầu thế kỷ 21. Cả hai đã xâm thực vào nhiều nền văn chương, truyện tranh, trò chơi điện tử và cả điện ảnh, trong đó có Việt Nam. Nhưng để thành một vệt như trong danh sách 20 tác phẩm vào chung khảo lần này thì gần như chưa từng thấy tại Việt Nam.
Đọc 10 tác phẩm có yếu tố xuyên không, huyền ảo này có thể thấy cách tiếp cận câu chuyện khá tân kỳ, có sáng tạo, đó là điều đáng mừng. Nếu Bữa đời lạc phận của Ka Bình Phong là cuộc đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại từ các món ăn mà biết lịch sử, thân phận, thì Chuyện bên rìa thế giới của Bùi Cẩm Linh lại là việc xâu chuỗi các thần thoại để cắt nghĩa nguồn gốc thế giới. Nếu Cửa sổ phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa xâm nhập vào ký ức để tìm kiếm ký ức, thì Độc hành của Nguyễn Đinh Khoa du hành qua các quỹ đạo song song để thay đổi các rung động của người đời.
Hoặc Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa của Hiền Trang là những huyễn tưởng, hư vô rất hiện thực, thì Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng lại là một giả tưởng về đôi trai gái lạc bước về quá khứ, thật như huyễn. Nếu Những đứa con cổ tích của Bạch Đằng là cách xuyên không trở về thời đồng thoại, phép màu, thì Trăng trong cõi của Phạm Thúy Quỳnh ở đời thực mà như cổ tích, hư thực bất phân. Nếu Thỏ rơi từ mặt trăng của Nguyễn Dương Quỳnh là hiện thực hóa một viễn tưởng về công chúa mặt trăng, thì Yagon - những kẻ vô cảm của Phạm Bá Diệp kỳ ảo hóa một hiện thực vô nhân, u muội.
2. Trong 20 tác giả vào chung khảo có đến 13 người thuộc thế hệ 9X (chiếm 65%), 10 tác giả (50%) góp mặt với tác phẩm đầu tay. Hai con số này cho chúng ta một suy nghĩ: Họ còn rất trẻ, rất mới nên đáng để mong chờ những lột xác, thay đổi trong các tác phẩm tiếp theo, nghĩa là có tương lai đáng mong chờ.
Nói giả dụ, nếu 1 trong 10 tác giả viết xuyên không, huyền ảo này đoạt giải nhất Văn học tuổi 20 lần 6, thì họ cũng đã khác thể loại, bút pháp với các giải nhất trước đây như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Đỗ Nhật Phi. Điều này sẽ cho thấy ban giám khảo đang muốn táo bạo trong chọn lựa và chấm giải. Nếu 10 tác giả còn lại đoạt giải, thì con đường an toàn đã được chọn lựa để bước tiếp.
Giải nhất Nguyễn Ngọc Tư góp sức tìm kiếm giải Nhất Theo dự kiến thì lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra trong ngày 9/9/2018, nhưng đến nay chưa thể xác định được ngày cụ thể, do mới bắt đầu chấm. Lần này, ban giám khảo gồm PGS-TS Nguyễn Thành Thi, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Phan Hồn Nhiên. Nguyễn Ngọc Tư từng đoạt giải Nhất Văn học tuổi 20 lần 2 (năm 2000). Văn học tuổi 20 đang ngày càng uy tín, thu hút hơn chất lượng, cũng như giá trị hiện kim của giải thưởng. Mùa này trao 1 giải Nhất: 70 triệu đồng, 1 giải Nhì: 50 triệu đồng, 1 giải Ba: 30 triệu đồng, 4 giải Khuyến khích: mỗi giải 20 triệu đồng và 1 giải dành cho tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất: 20 triệu đồng. |
Văn Bảy