Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng sống chung với dịch bệnh
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 8/11, bên lề Kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ quan điểm của mình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Sống chung với dịch bệnh là lựa chọn tốt nhất hiện nay
Trả lời báo chí về việc Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Cường (Thanh Hóa), đánh giá cao sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành rất nhiều nghị quyết, như Nghị quyết số 86, Nghị quyết số 105, và gần đây là Nghị quyết số 128. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành rất nhiều công điện, chỉ thị tổ chức triển khai, đôn đốc quá trình phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh của các địa phương.
Liên quan đến việc thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết số 30 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ ở các địa phương vẫn còn nhiều cứng nhắc, điển hình như việc đi lại của người dân, thậm chí Trung ương vẫn đang phải tiếp tục chỉ đạo để xử lý vấn đề này, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, việc phân quyền, trao quyền cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch là một chủ trương đúng đắn; gắn với trách nhiệm sẽ cao hơn.
Theo đại biểu, trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khá đặc biệt, lan truyền dịch bệnh rất nhanh, đồng thời, hệ thống y tế, an sinh xã hội của các địa phương cũng đang còn khó khăn, nên lãnh đạo một số địa phương, trong những thời điểm nhất định, đã ban hành một số văn bản giấy phép con, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Thời gian tới, đại biểu hy vọng các địa phương có thể rút kinh nghiệm để triển khai tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo đánh giá của đại biểu Lê Văn Cường, Nghị quyết số 128 là một bước thay đổi chiến lược rất tốt, giúp tối ưu hóa "những dòng chảy" trong xã hội, trong lưu thông hàng hóa và di chuyển của người dân.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng xong các phương án "sống chung với dịch bệnh" và Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng chiến lược tổng thể cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, làm việc trong lĩnh vực y tế, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, sống chung với dịch bệnh là lựa chọn tốt nhất hiện nay của tất cả các nước trên thế giới.
Để làm tốt việc sống chung với COVID-19, theo đại biểu Lê Văn Cường, phải chuẩn bị các điều kiện, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiêm phòng vaccine; nâng cao hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, đồng thời chuẩn bị tâm lý cho người dân cũng như cho các địa phương sẵn sàng sống chung với dịch bệnh, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội được thuận lợi.
Đề cập tới việc thời gian vừa qua, có hiện tượng "loạn giá" xét nghiệm COVID-19, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, và Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện kiểm toàn việc này, đại biểu Lê Văn Cường bày tỏ đồng tình với việc kiểm tra giá xét nghiệm. Sau khi kiểm tra, giám sát, có thể sẽ tìm ra nguyên nhân, để sau đó đưa ra các giải pháp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân cũng như các chi phí khác trong phòng, chống dịch COVID-19 nói chung.
Cần có chiến lược tiếp cận ngay thuốc điều trị COVID-19
Cho rằng chỉ khi khống chế được dịch bệnh, mới có thể bàn đến phát triển kinh tế, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá, dự báo căn cơ, lâu dài về tình hình dịch bệnh, từ đó đề ra được những giải pháp hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh.
Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần phải làm chủ được cuộc chiến này, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ năm 2020 đến nay, ví dụ như tiếp cận y tế ngay có thể tránh được rủi ro về tử vong hoặc phân lập và cách ly trong diện hẹp sẽ không để dịch lan rộng, không dẫn đến cách ly, giãn cách xã hội khu vực rộng. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết số 128.
Cùng với đó, đại biểu cũng nhấn mạnh Chính phủ cần làm tốt chiến lược về vaccine và cần có thêm chiến lược tiếp cận ngay thuốc điều trị COVID-19. “Các nước bây giờ đã có thuốc điều trị thuốc, trong khi chúng ta chưa phủ được tỷ lệ vaccine thì một mặt cần phải triển khai tiêm vaccine để tạo kháng thể cho toàn dân, mặt khác, phải tiếp cận ngay với chiến lược thuốc chữa bệnh để khi thuốc sản xuất ra, từ trong nước hoặc nhập khẩu, chúng ta có phương tiện để điều trị ngay cho nhân dân, tránh được tử vong ở mức thấp nhất”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Theo đại biểu, khi đã làm chủ được tình hình dịch bệnh, chúng ta mới có thể xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp.
- Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
- Những nội dung chính kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ động dự liệu
Nhấn mạnh vaccine phòng COVID-19 là trụ cột của công tác phòng, chống dịch cũng như trong phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ tin tưởng, với tỷ lệ và tốc độ tiêm chủng như hiện nay, chúng ta sẽ cố gắng bao phủ được vaccine ở những địa bàn trọng điểm. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và ngành Y tế cần phải nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân, khi tới nay, mới chỉ có gần 30% dân số thuộc diện tiêm phòng được tiêm.
“Tôi cho rằng nhất thiết phải quan tâm hơn nữa đối với vấn đề vaccine và trong điều kiện chúng ta thúc đẩy việc đưa vaccine từ nước ngoài về, vaccine nội địa cũng phải được quan tâm thêm. Đây là vấn đề đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và một khi chúng ta chủ động được nguồn vaccine, khi đó mới có thể yên tâm, ổn định để phát triển sản xuất kinh doanh”, đại biểu chia sẻ.
Bày tỏ quan ngại trước xu hướng dịch bệnh hiện nay, số lượng ca mắc tăng cao trở lại tại các tỉnh phía Nam trong thời gian gần đây, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng phải có sự chủ động để dự liệu trước một làn sóng mới, một đợt dịch mới sẽ tác động đến kinh tế xã hội của đất nước ta trong thời gian những tháng còn lại của năm 2021 cũng như năm 2022. Do đó, đại biểu đề nghị trong điều hành kinh tế- xã hội phải có sự chủ động trong việc phòng dịch, không được để chạy theo dịch như một số giai đoạn vừa rồi, đặc biệt là tính mạng của người dân phải được bảo đảm trước hết, trên hết.
Việt Đức/TTXVN