Chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường
(Thethaovanhoa.vn) - Với những tín hiệu tích cực, nhiều địa phương đang nới lỏng giãn cách, từng bước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành rà soát, cơ sở vật chất, trường, lớp, bảo đảm an toàn, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
* Nhiều tỉnh, thành phố lên phương án đón học sinh trở lại trường
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 16/10 đến 17 giờ ngày 17/10/2021, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.193 ca mắc mới, trong đó có 1.339 ca trong cộng đồng. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/10 là 1.340 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 791.844 ca. Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua, gồm: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên. Tính đến hết ngày 17/10, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 61.919.937 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 44.070.286 liều, tiêm mũi 2 là 17.849.651 liều.
Với những tín hiệu tích cực, nhiều địa phương đang nới lỏng giãn cách, từng bước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành rà soát, bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Thành phố Đà Nẵng thống nhất tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đi học từ ngày 18/10 và học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Đối với các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11. Để chuẩn bị cho việc đi học trở lại của học sinh, nhiều trường học tại Đà Nẵng trước đây được huy động để làm khu cách ly y tế đã được bàn giao lại cho nhà trường. Các trường học đã vệ sinh bàn, ghế, lớp học… sẵn sàng cho việc dạy và học trực tiếp trở lại.
Tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp kể từ ngày 18/10 cho cấp THCS và THPT tại một số địa bàn. Tuy nhiên, với các trường học có nguy cơ chưa an toàn, cần báo cáo lên cấp trên để được xem xét, cho phép học trực tuyến. Đối với các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn thành phố Nha Trang tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến đến hết ngày 24/10 theo hướng dẫn. Đối với các cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học, dự kiến dạy và học trực tiếp từ ngày 1/11.
Tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu và Bình Dương cũng dự kiến đón học sinh trở lại trường vào đầu tháng 11. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục tiến hành dọn dẹp, vệ sinh khử khuẩn trường lớp.
Tại Tiền Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh dự kiến lớp 9 và lớp 12 đi học từ ngày 18/10; lớp 6, lớp 10 từ ngày 25/10; lớp 1, lớp 2 và lớp 5 từ ngày 1/11. Các khối lớp còn lại của giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiếp tục học trực tuyến đến khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Sau huyện đảo Phú Quý, đến giữa tháng 10, tỉnh Bình Thuận có thêm huyện Hàm Tân và Đức Linh cho học sinh tiểu học đến trường.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, UBND huyện Cần Giờ đề xuất cho học sinh 2 Trường tiểu học Thạnh An và THCS-THPT Thạnh An đi học. Theo đó, học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 sẽ đi học trở lại từ ngày 20/10. Sau đó, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường.
Tại Hà Nội, ngày 15/10, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo các trường học trên địa bàn tiếp tục dạy và học trực tuyến, đồng thời chuẩn bị điều kiện sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép. Việc cho học sinh đi học trở lại đang được thành phố nghiên cứu, cân nhắc trên tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh là trên hết.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 8/10, đã có 23 tỉnh, thành phố cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 9 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, 31 tỉnh, thành phố cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình.
Theo đó, 23 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường là: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Quảng Ninh. 9 tỉnh, thành phố áp dụng cả hai hình thức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sơn La, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa. 31 tỉnh, thành phố còn lại áp dụng dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Hiện nay nhiều học sinh, trẻ em mầm non cùng gia đình từ các tỉnh, thành phố di chuyển về cư trú tại địa phương sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định, tiếp tục học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú. Bộ cũng đề nghị các Sở chỉ đạo các nhà trường, nơi học sinh chuyển đến, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học sinh vào học tập, đồng thời phối hợp nhà trường nơi học sinh chuyển đi sớm hoàn thành thủ tục chuyển trường theo quy định.
- Phú Thọ: 125 ca mắc Covid-19 cộng đồng, vẫn chưa tìm được nguồn lây
- Thanh Hóa thêm 24 ca mắc mới Covid-19 tại ổ dịch thị xã Bỉm Sơn
- Số ca mắc mới Covid-19 giảm nhẹ so với ngày 17/10
* Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Mở cửa trường học an toàn đang là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước khi tìm cách “sống chung an toàn với COVID-19”, trong bối cảnh đại dịch kéo dài gần 2 năm qua đã khiến hàng trăm triệu trẻ em bị gián đoạn việc học tập. Ngoài việc ưu tiêm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho giáo viên và nhân viên trường học, tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được nhiều nước đẩy mạnh như một trong những biện pháp chủ chốt giúp tạo ra môi trường học đường an toàn trong đại dịch.
Đối với Việt Nam, ngày 14/10 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn 8688/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cuối tháng 10 này, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế phấn đấu trong quý 4/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.
Dù số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp, nhưng ngành Y tế đang chủ động chuẩn bị cả nhân lực và tổ chức để triển khai tiêm khi vaccine về đến Việt Nam. Hiện các chuyên gia và Bộ Y tế vẫn tiếp tục xem xét về an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ.
Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Với trẻ lứa tuổi này mà không đi học, chính quyền địa phương lập danh sách. Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Đến nay, nhiều địa phương đã sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ, chỉ chờ nguồn vaccine. Tại TP Hồ Chí Minh, theo dự thảo về kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất từ ngày 22/10 tổ chức tiêm vaccine cho 780.000 trẻ em sinh sống hoặc học tập trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên đang chờ nguồn vaccine được phân bổ từ Bộ Y tế.
Còn tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, toàn thành phố có chưa đến 1 triệu trẻ độ tuổi từ 12-17, việc triển khai tiêm không có gì khó khăn. Nếu tiêm trong thời điểm trẻ đến trường thì thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học và sau đó tiêm vét tại xã, phường. Còn nếu tiêm trong thời điểm học sinh chưa đến trường, thì sẽ tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng như vừa qua. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ đã sẵn sàng.
Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có kế hoạch tương tự. Với 9 triệu trẻ độ tuổi này trên cả nước, nếu dồn lực tiêm chủng thì chỉ vài tuần có thể hoàn tất việc tiêm chủng mũi 1.
Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách đối với các loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này; Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Minh Hiếu (tổng hợp)