Chữ và nghĩa: 'Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh'
Đây là hai câu 217-218 trong Truyện Kiều: "Một mình lưỡng lự canh chầy/ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh".
So về tổng thể 3.254 câu, hai câu này nằm trong sự tình mở đầu trong câu chuyện "phức tạp, li kì" của cuộc đời Thúy Kiều - nhân vật chính. Song, đây cũng chính là phát ngôn "báo trước" một loạt biến cố trong thiên truyện gắn với "đoạn trường" dài dằng dặc mà Kiều phải gánh chịu. Đây cũng là câu chuyện liên quan tới thuyết tài mệnh tương đố.
"Tài mệnh tương đố" (tài mệnh luôn luôn đối nghịch nhau, người có tài thường có một cuộc đời không may: "Chữ tài liền với chữ tai một vần") gắn liền với nỗi thống khổ, khó nói nên lời của biết bao nhiêu bậc tài hoa, quốc sắc. Đó là nỗi thống khổ của kẻ biết vì sao mình khổ nạn, mà không thể thay đổi được số mệnh đã "đóng đinh". Cũng có lúc họ mong muốn thay đổi, nhưng bất lực, không biết làm sao để thay đổi. Họ đành cúi đầu chấp nhận, chịu cảnh phiêu dạt trong kiếp sống đọa đày, theo ý trời định sẵn ("Oan này còn một kêu trời nhưng xa").
Hai câu 217-218 mô tả nỗi niềm của Kiều sau một đêm dài gặp mộng. Có thể nói là kinh hoàng. Trong ngày "Thanh minh trong tiết tháng Ba" đi tảo mộ, chị em Kiều tình cờ gặp mộ Đạm Tiên (một ca kỹ xinh đẹp, nhưng xấu số). Ngay đêm đó, trong mơ Kiều gặp Đạm Tiên hiện về báo mộng, nói nàng đã có tên trong số đoạn trường. Nên một mình cứ thế "trằn trọc canh khuya", sụt sùi kinh hãi nghĩ về số phận đời mình (đã được ghi vào "sổ đen" mệnh bạc). Kiều còn quá trẻ. Đường đời còn rất xa. Nàng thầm nghĩ và hình dung số mệnh "hoa trôi bèo dạt" tiếp theo mà hoảng, mà kinh, mà sợ. Không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Một mình trải qua một đêm dài bất tận, với "Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi/ Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn".
Suy nghĩ của Kiều là những dự cảm xa xôi, mơ hồ về cuộc đời mình. Nó sẽ đầy éo le, bất định, nhiều rủi ro và bất hạnh. Nó tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Ôi, thật cám cảnh cho nàng, một cô gái tài sắc vẹn toàn đứng trước những thử thách không lường của cuộc sống. Sống trong xã hội phong kiến xưa, ám ảnh bởi những quan niệm duy tâm định mệnh, Kiều càng tin lời báo mộng của Đạm Tiên kia sẽ vận vào cuộc đời mình: "Đoạn trường lá số thế nào/ Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia".
Đối chiếu với cuộc sống xưa nay, hai câu 217-218 có thể vận vào nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống thật trớ trêu, bi kịch. Đành liều "nhắm mắt đưa chân", biết sẽ rủi ro khôn lường, mà không thể tránh được, phải chấp nhận một tương lai "vô định".
Nhiều người đã nhận một công việcdù thấy trước"một núi" thử thách, khó khăn, trong đó có những yêu cầu, thủ tục, rủi ro nằm ngoài khả năng quyết định của "đương sự" (nhất là chuyện "luật bất thành văn"). Việc nhận làm vẫn phải làm, nhưng để khả thi, có vô vàn gian khó. Cũng bởi cuộc sống nhiều khi không diễn ra theo chiều thuận, theo quy định của luật pháp, theo logic của "lẽ thường". Chỉ hình dung trong tâm tưởng đã thấy "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"...
Câu thơ xưa hóa ra vẫn còn ám ảnh với nhiều trường hợp của đời thường hôm nay.
Mênh mông như trước biển khơi
Chỉ nghĩ thôi, thấy cuộc đời gian nan