Chữ và nghĩa: "Chào cả nhà"
"Chào cả nhà!", một người khách nào đó đã nói câu này (khi xuất hiện tại một gia đình nào đó). Khách tới chơi nhà ai, theo lệ thường, để giữ phép lịch sự (về nghi thức chào hỏi) khách sẽ cất tiếng chào các thành viên của gia chủ, lần lượt từ người có vị thế cao nhất (ông, bà) cho đến người có vị thế thấp nhất (hàng con, cháu), hoặc ít nhất là chào những người lớn tuổi.
Muốn thế, người chào phải xác lập cho chính xác những người đang có mặt theo vị thế gia tộc. Đó là điều khó, vì có người có vẻ già hơn nhưng lại thuộc hàng dưới, lại có mấy người cùng hàng nhưng chưa biết ai là anh hay là chị là em. Chi bằng chào gộp luôn (Chào cả nhà) cho tiện rồi sau đó vào cuộc nói chuyện sau. Có lẽ là không ít lần ta gặp những tình huống "chào chung chung" như vậy.
Điều này chỉ chấp nhận khi người chào ở một cương vị nhất định. Chẳng hạn đó là người lớn tuổi, có quan hệ ngang hàng hoặc bậc trên so với gia chủ. Chứ nếu là người ít tuổi, người dưới bậc (ngang với con, cháu) gia chủ thì câu chào này dễ bị coi là thiếu lễ độ, sẽ bị đánh giá là ứng xử chưa phù hợp với văn hóa giao tiếp.
Tuy nhiên, câu chào (hay cách xưng gọi này) lại rất hay được dùng trong những trường hợp giao tiếp hoàn toàn xã giao (tức không trong hoàn cảnh gia đình).
Chẳng hạn, ta rất hay gặp một vị khách đến cơ quan, cuộc gặp gỡ, buổi liên hoan khá đông người, họ thường nói: "Chào cả nhà! Phòng ta hôm nay đông vui quá!"; "Xin chào cả nhà. Tôi đã có mặt đúng giờ". Hoặc có lúc: "Cả nhà mình ơi. Nước lên to, gia đình em đã sơ tán khỏi bãi sông vào trong phố rồi ạ"; "Cả nhà tránh ra cho xe người ta đi chứ"…
"Cả nhà" ở đây không phải "cả gia đình" của ai đó mà chỉ một cộng đồng trong một phạm vi hẹp, có nam có nữ, có người già người trẻ, cùng chung phòng, chung cơ quan, tổ chức hoặc đơn giản là nhóm người được tập hợp theo một tiêu chí nhất định (đồng ngũ, đồng môn, đồng khóa, cùng trong ban phụ huynh, cùng nhóm du lịch…). Cái "đồng" ấy là một đặc điểm để gói gọn "đồng nhà".
Cũng có khi, người ta không "Chào cả nhà" mà "Chào mọi người": "Em xin chào mọi người. Xin lỗi mọi người là em đến muộn vì tắc đường"; "Cháu xin chào mọi người ạ". Hoặc: "Mấy bàn trên này còn trống, đề nghị mọi người ngồi dồn lên"; "Mọi người trật tự nghe Giám đốc nói"… Trong trường hợp đó, "mọi người" có thể là cả cơ quan, cả phòng, cả lớp, cả đoàn tham quan hay cả nhóm tham gia một cuộc vui.
Gộp cả đám đông, là một cộng đồng mà thành phần của nó khác về tuổi tác, giới tính, cương vị, trình độ… thành "cả nhà", thành "mọi người" là một cách ứng xử ngôn từ khá đặc biệt. Xét cho cùng, đó là một "giải pháp tình thế" chấp nhận được. Vì mục đích của người nói là trình bày hay diễn đạt một thông tin cần thiết, được coi là "tiêu điểm", cầu ưu tiên: Tin sự cố thiên tai, tắc đường; tin họp gấp về một nội dung quan trọng, tin tạm chuyển đổi hình thức học trực tiếp thành trực tuyến (online) nên việc chào hỏi là thứ yếu. Tính cấp bách của vấn đề cũng là một nhân tố làm người nói chọn một lối xưng hô "khả dĩ" được mọi người chấp nhận:
Nhiều khi thưa gửi dài dòng
Mất thời gian mà lại không kịp thời.