Chủ tịch Việt Á thừa nhận test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước
Sáng 5/1, tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á, trình bày tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á - Công ty Việt Á) đã thừa nhận đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm là thuộc sở hữu của Nhà nước.
Việc lấy test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Á Phan Quốc Việt trình bày về quá trình tham gia đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm được bắt nguồn từ việc do có mối quan hệ quen biết trước đó, Trịnh Thanh Hùng ( khi đó là Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ động gọi điện cho Việt để nói về việc cùng tham gia nghiên cứu đề tài này với Học viện Quân y. Mục tiêu của việc này là để Việt Á được cấp phép, sản xuất test xét nghiệm và bán thương mại ra thị trường, thu lời bất chính.
Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng để Hùng tác động Chu Ngọc Anh (khi đó là Bộ trưởng), Phạm Công Tạc ( khi đó là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật.
Sau đó, Việt đã tiếp tục cấu kết với các bị cáo Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh ( khi đó là Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), Nguyễn Văn Trịnh ( khi đó là Trợ lý Phó Thủ tướng) và các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức, biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc bán sản phẩm test xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để được đề nghị tặng Bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho test xét nghiệm; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm; giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh, thành phố để bán thương mại test xét nghiệm thu lời bất chính.
Để được các đồng phạm can thiệp, giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng. Việt còn khai việc duyệt chi % ngoài hợp đồng cho các đại lý, CDC các tỉnh, thành… là do Việt quyết định, các nhân viên phải báo cáo Việt trước khi quyết định chi khoản tiền này.
Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Chu Ngọc Anh thừa nhận việc ký các Quyết định giao Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu Đề tài tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm COVID-19 là vi phạm pháp luật. Bị cáo thừa nhận số tiền 200.000 USD đã nhận của Việt Á và bày tỏ sự hối hận về việc này. Tuy nhiên, hiện valy đựng số tiền này được cất trong nhà của bị cáo nhưng người nhà bị cáo chưa tìm thấy cất ở đâu. Gia đình bị cáo Chu Ngọc Anh đã nộp lại 4,6 tỷ đồng giúp bị cáo khắc phục hậu quả trong vụ án này.
Trong vụ án này, bị cáo Chu Ngọc Anh bị Viện Kiểm sát cáo buộc có 3 sai phạm, gồm ký quyết định cho Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt được cùng Học viện Quân y tham gia nghiên cứu kit test COVID-19, kinh phí hơn 18,9 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước.
Tiếp theo, là Bộ trưởng, Chu Ngọc Anh biết rõ kết quả nghiên cứu đề tài là của Nhà nước do chính Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện sở hữu nhưng lại để Công ty Việt Á mang đi đăng ký lưu hành rồi sản xuất test xét nghiệm, bán thu lời.
Ngoài ra, Chu Ngọc Anh còn chỉ đạo Phạm Công Tạc tổ chức họp báo, khen thưởng Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á nhằm đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm test xét nghiệm. Qua những việc giúp đỡ này, Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 200.000 USD.