Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach: Olympic Tokyo sẽ “an toàn và thành công”
(Thethaovanhoa.vn) - Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang "tập trung hoàn toàn và cam kết tổ chức thành công và an toàn" Olympic Tokyo và Paralympic năm nay bất chấp đại dịch Covid-19.
Đây là tuyên bố của Chủ tịch IOC, Thomas Bach, như một lời khẳng định IOC và Nhật Bản quyết tâm không để sự kiện này bị hủy hoàn toàn sau một năm bị hoãn.
Để Olympic có thể diễn ra
Ông Bach cho biết, tất cả các bên liên quan, trong đó có chính phủ Nhật Bản, đều "hoàn toàn đoàn kết và cam kết" để tổ chức Thế vận hội. Điều này đồng nghĩa mặc dù phần lớn Nhật Bản đang trong tình trạng khẩn cấp vì làn sóng Covid-19 thứ ba, Olympic sẽ bắt đầu vào ngày 23/7 tới.
Tuy nhiên, lần đầu tiên Bach thừa nhận có khả năng sẽ không có khán giả tại Olympic. "Điều này tôi không thể nói với các bạn được. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tổ chức một Thế vận hội an toàn", ông nói.
“Chúng tôi đang học hỏi mỗi ngày,” Bach tiếp tục. "Cuộc chiến chống lại virus này là một cuộc chiến khó khăn, nhưng chúng tôi đang chiến đấu với cuộc chiến này vì các vận động viên Olympic…”
Như vậy, IOC và Nhật Bản đã loại bỏ hoàn toàn ý nghĩ về kế hoạch B, về việc sắp xếp lại sự kiện và hủy bỏ. “Chúng tôi không suy đoán liệu Thế vận hội có diễn ra hay không bởi chúng tôi đang nghiên cứu xem Thế vận hội sẽ diễn ra như thế nào”, Bach nói.
Khi được hỏi sẽ xem xét hủy Thế vận hội vào giai đoạn nào, Bach trả lời: "Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức Thế vận hội Olympic chứ không phải hủy bỏ Thế vận hội Olympic. Đây là lí do tại sao chúng tôi đang làm việc ngày đêm để tổ chức Thế vận hội Olympic an toàn".
Cũng theo IOC, họ đã xem xét "mọi kịch bản có thể xảy ra" và yêu cầu sự giúp đỡ từ các cơ quan y tế Nhật Bản và thế giới về vấn đề an toàn, cũng như các nhà sản xuất vaccine.
Nếu tuyên bố của Bach, một cựu vận động viên từng giành huy chương vàng đấu kiếm giữ vai trò chủ tịch IOC từ năm 2013, là chính xác, những thông tin về việc Olympic và Paralympic có thể diễn ra hay không sẽ không còn xuất hiện nữa, đồng thời trấn an tinh thần cho các vận động viên đang luyện tập chờ sự kiện bốn năm mới diễn ra một lần này.
Không thể hủy vì tốn kém
Thực tế thì cả IOC và nước chủ nhà Nhật Bản đều hiểu rõ, việc hủy bỏ Olympic Tokyo trong năm nay sau khi đã hoãn lại từ tháng 8/2020 sẽ khiến họ thiệt hại không nhỏ. Cụ thể thì chỉ riêng Nhật Bản có thể mất 25 tỉ USD chi phí.
Hồi tháng 12 năm ngoái, các quan chức ủy ban tổ chức Tokyo đã công bố số liệu cập nhật liên quan việc tổ chức Olympic. Theo đó, chi phí chính thức được công bố vào năm 2019 tại thời điểm này là 12,6 tỉ USD. Tuy nhiên, Hội đồng Kiểm toán quốc gia Nhật Bản năm 2019 cho biết chi phí cao hơn nhiều so với những gì mà các nhà tổ chức đưa ra. Chính xác thì tổng chi phí lúc đấy ít nhất là 25 tỉ USD.
Tất cả đều là tiền công, ngoại trừ 5,6 tỷ USD.
Còn lần này, chi phí chính thức sẽ tăng ít nhất 2,8 tỷ USD do việc Nhật Bản hoãn Olympic sang năm 2021. Các nhà tài trợ trong nước đang được yêu cầu trả thêm tiền để bù đắp khoản thiếu hụt. Tuy vậy, phần lớn gánh nặng thuộc về các cơ quan chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, ngân sách năm 2019 cho thấy IOC đã đóng góp khoảng 1,3 tỉ USD để tài trợ cho Thế vận hội.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tổ chức Olympic lại tốn kém như thế? Hồi tháng 9/2020, Đại học Oxford có một nghiên cứu giải thích cho nhiều câu hỏi. Nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi kì Thế vận hội kể từ năm 1960 đã tiêu tốn hơn ngân sách trung bình 172%. Ví dụ, các nhà tổ chức Tokyo cho biết Thế vận hội sẽ tiêu tốn khoảng 7,3 tỉ USD khi họ giành quyền đăng cai vào năm 2013, trong lúc hiện chi phí có thể lên tới gần 25 tỉ USD như đã nói ở trên.
Nghiên cứu của Oxford cũng cho biết chi phí bị đẩy lên cao là do thời hạn chặt chẽ, mỗi lần có một thành phố mới tổ chức Thế vận hội, và thực tế là IOC không phải chịu chi phí vượt quá ngân sách. Tất cả đều rơi vào các nhà tổ chức và chính quyền địa phương.
Ở đây, IOC là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ. Trong báo cáo mới nhất của mình, IOC cho thấy họ tạo ra 73% doanh thu từ việc bán bản quyền truyền hình. 18% khác là từ việc bán tài trợ. Tổng doanh thu trong 4 năm chu kì Olympic vừa qua (2013-16) là 5,7 tỉ USD.
Theo IOC, họ phân phối lại 90% thu nhập để giúp tổ chức Thế vận hội, quảng bá Thế vận hội và phát triển thể thao thế giới.
Quay trở lại với Olympic Tokyo. Phía Nhật Bản đang tỏ ra rất lạc quan sau khi tổ chức hai sự kiện thử nghiệm trong tháng 11/2020. Trong sự kiện đầu tiên, một trận đấu bóng chày tại sân vận động Yokohama đã có sự chứng kiến của 27.850 khán giả. Tất cả đều xếp hàng để kiểm tra nhiệt độ, sau đó ngồi đeo khẩu trang cạnh nhau. Một tuần sau, các vận động viên thể dục dụng cụ từ Mỹ, Nga và Trung Quốc, những người đã trải qua 14 ngày cách li ở Tokyo, đã tranh tài trong một cuộc thi với các vận động viên Nhật Bản.
Tuy nhiên, đợt tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 tại Nhật Bản chỉ được thực hiện vào đầu tháng 3 tới, trong khi Olympic dự kiến khai mạc ngày 23/7.
Florida sẵn sàng thay Tokyo Trước những lo ngại về việc Tokyo không thể tổ chức Olympic, bang Florida của Mỹ tuyên bố sẵn sàng đứng ra đăng cai sự kiện này. Thậm chí, họ đã gửi thư tới IOC, trong đó nói rõ đề nghị và khả năng xử lý dịch bệnh. Bằng chứng là các sự kiện UFC diễn ra ở Jacksonville và giải NBA ở Orlando cho thấy Florida có khả năng tổ chức trong thời kì đại dịch Covid-19. Hay công viên Disney mở cửa trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, bức thư mà họ gửi IOC lại không nói rõ những kế hoạch chi tiết về việc bang sẽ tổ chức Olympic như thế nào. Một điều mỉa mai là trong khi Florida chứng kiến 25.000 người chết vì Covid-19 thì tổng số người chết của Nhật Bản mới là 5.000 người tính đến thời điểm này. Sau cùng, hiện tại cũng không có dấu hiệu cho thấy IOC sẽ chuyển Olympic khỏi Nhật Bản. |
Mạnh Hào