Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cảnh giác trước mưu toan 'viết lại lịch sử', khôi phục chủ nghĩa phát xít mới
Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga, kênh truyền hình Nước Nga đã phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về ý nghĩa của Chiến thắng cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
* Thưa đồng chí Trương Tấn Sang, xin được bắt đầu buổi phỏng vấn với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Uống nước nhớ nguồn”. Ghi nhớ lịch sử là nhiệm vụ của mỗi con người, đặc biệt khi nói về chiến tranh. Những mưu toan hạ thấp chiến công của những người lính hoặc thậm chí “viết lại” các chương của lịch sử thế giới có thể gây ra những hệ quả như thế nào?
- Được sống trong hòa bình là quyền, là khát vọng cháy bỏng của tất cả các dân tộc. Hơn 70 năm về trước, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt đã chà đạp lên các giá trị cơ bản đó của nhân loại, gây ra chiến tranh tàn khốc nhiều nơi trên thế giới.
Để giành chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít, không một ai có thể phủ nhận những đóng góp mang tính quyết định của những chiến sỹ Hồng quân Xô viết và nhân dân Liên Xô. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những hy sinh to lớn mà nhân dân Liên Xô, trong đó có nhân dân Nga, đã trải qua.
Chúng tôi nhận thức rõ ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và đóng góp của chiến thắng này cho nền hòa bình toàn thế giới. Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt đã mở ra một trang mới, là sự cổ vũ lớn lao cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên các châu lục Á – Phi – Mỹ Latinh, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Lịch sử cần được tôn trọng và chuyển tải trung thực cho các thế hệ đi sau. Sự hy sinh thầm lặng của những con người bình dị trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chống chủ nghĩa phát xít cần được tôn vinh. 70 năm đã trôi qua nhưng những bài học lịch sử của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít vẫn giữ nguyên giá trị. Bài học lịch sử cho thấy sự cần thiết phải nỗ lực đoàn kết, hợp tác bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế song phương và đa phương cũng như tăng cường sự hiểu biết, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân các nước trên thế giới. Chúng ta cũng cần cảnh giác trước những mưu toan “viết lại lịch sử” cũng như khôi phục chủ nghĩa phát xít mới.
Là một đất nước đã trải qua nhiều mất mát trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Nhân dân Việt Nam sẽ cùng với cộng đồng những người yêu chuộng hòa bình, lực lượng tiến bộ trên thế giới bảo vệ và phát huy những giá trị mà cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát xít đã mang lại.
* Đại chiến thế giới thứ hai đã kết thúc ngày 2/9/1945 với sự đầu hàng của quân phiệt Nhật Bản. Trên cơ sở đó, cũng vào ngày này của 70 năm về trước, Việt Nam đã tuyên bố độc lập. Đó có phải là một biểu tượng lịch sử?
- Cùng với nhân dân Liên Xô và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã đứng lên chống ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Chiến thắng trục phát xít của Liên Xô và các nước đồng minh đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Với tầm nhìn sáng suốt, sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam và sự khích lệ của chiến thắng của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã nắm bắt thời cơ chiến lược, tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 chính là đóng góp quan trọng của nhân dân Việt Nam vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự kiện Cách mạng Tháng Tám đã tạo nền tảng vững chắc cũng như là nguồn động viên to lớn, sự khích lệ lớn lao cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, sự ra đời của một loạt các nước dân tộc, dân chủ và thúc đẩy xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế trên toàn thế giới.
* Sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1945, Việt Nam còn phải trải qua 30 năm chiến đấu vì tự do và độc lập. Trong những năm tháng đó và những năm Đại chiến thế giới thứ Hai, quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô như thế nào?
- Ngày 30/01/1950, Liên Xô công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Xuất phát từ tình cảm chân thành, cùng chia sẻ khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, những người anh em Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam sự tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ vô cùng quý báu, vô tư, chí tình và đầy hiệu quả về kinh tế, chính trị, quân sự trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khó giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”.
Với sự giúp đỡ, chi viện của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng Việt Nam được củng cố, góp phần quyết định giúp quân và dân Việt Nam giành Thắng lợi Mùa xuân 1975 vẻ vang. Gần 300 công trình công nghiệp mang dấu ấn nước Nga Xô viết được xây dựng. Đây là những minh chứng sống động nhất về sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam chúng tôi trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, vượt lên trên hết, tôi không thể không nhắc đến những người công dân bình dị đã góp phần nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Họ là những chuyên gia Liên Xô làm việc quên mình trên đất Việt, đặt nền móng, giúp Việt Nam gây dựng các ngành chủ chốt như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật, văn hóa – giáo dục...; là những người thầy giáo của hàng ngàn sinh viên, cán bộ ưu tú của Việt Nam được cử đi học tập, nghiên cứu và đào tạo ở nước Nga. Không ít người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học xuất sắc, cán bộ chủ chốt, lãnh đạo của Việt Nam ngày nay. Công ơn này, chúng tôi, lớp người đã trải qua chiến tranh và cả thế hệ con em Việt Nam về sau, sẽ luôn luôn trân quý và không bao giờ quên.
Nhân dân Nga có câu tục ngữ “tình hữu nghị và tình anh em quý hơn bất cứ tài sản nào”. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với tài sản vô giá là tình hữu nghị gắn bó lâu dài, với quyết tâm, nỗ lực của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
* Xin cho phép được trở lại với những sự kiện hiện tại. Trước thềm Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu ký Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do, là bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam. Ngoài lĩnh vực kinh tế, Hiệp định này còn có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
- Việt Nam đánh giá cao việc Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan, bây giờ được gọi là Liên minh kinh tế Á – Âu, đã được khởi động đàm phán từ tháng 3 năm 2013. Đây là nội dung hợp tác hết sức quan trọng, mang tính chiến lược, đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Việt Nam và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu dài, với bề dày lịch sử. Tôi rất vui mừng là các nước trong Liên minh kinh tế Á – Âu quan tâm thúc đẩy phát triển hợp tác về mọi mặt với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam. Đây là FTA đầu tiên của Liên minh kinh tế Á – Âu với nước ngoài khối.
Liên minh kinh tế Á – Âu là một thị trường rộng lớn, là thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định, đồng thời cũng là bạn hàng truyền thống của Việt Nam. Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh kinh tế Á – Âu nên việc ký kết Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh sớm hơn các đối tác khác, với các điều kiện ưu đãi hơn, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định như hiện nay.
Tôi rất vui mừng là hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Phía Liên minh kinh tế Á – Âu dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, bao gồm tất cả các mặt hàng thủy sản, và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Việt Nam đã đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh kinh tế Á – Âu đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Thông qua FTA, nhiều dịch vụ tài chính, ngân hàng, hợp tác về hải quan được mong đợi là những lĩnh vực sẽ được hai bên ưu tiên tự do hóa. Hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga – là nước lớn nhất trong Liên minh kinh tế Á – Âu, cũng sẽ có những bước phát triển rất tích cực.
Tôi và Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã thống nhất ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan chức năng Nga và Việt Nam phối hợp chặt chẽ hoàn tất các thủ tục kỹ thuật, kịp ký Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu vào giữa năm 2015, tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước.
TTXVN