Chủ tịch Barca: Trong nỗi ám ảnh quyền lực
(Thethaovanhoa.vn) - Josep Maria Bartomeu - chủ tịch thứ 40 của Barca - đang là trung tâm của cuộc tranh cãi bất tận, khi tạo nên những xung đột khiến 6 quan chức cấp dưới từ chức, cùng rất nhiều bê bối.
Những gì Bartomeu làm trong thời gian qua cho thấy ông bị ám ảnh bởi quyền lực.
Bartomeu muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Messi
Kể từ khi Neymar rời Barca năm 2017, Chủ tịch Bartomeu cũng bước vào cuộc cách mạng bộ mặt của đội bóng xứ Catalunya. Rất nhiều bản hợp đồng được thực hiện vốn không phù hợp với triết lý bóng đá mà CLB theo đuổi, ngoại trừ Frenkie de Jong gần đây. Luis Enrique và Ernesto Valverde – những HLV có thời gian tại vị lâu nhất trong nhiệm kỳ của ông Bartomeu – không có nhiều chất Barca. Chất Barca ở đây là thứ bóng đá “Cruyffista”.
Những thay đổi mà ông Bartomeu thực hiện nhằm làm giảm ảnh hưởng của Lionel Messi trong đội hình Barca. Một mặt, vị doanh nhân 57 tuổi này luôn nói về vai trò của Messi, cũng như mong muốn ngôi sao người Argentina kết thúc sự nghiệp ở Camp Nou. Mặt khác, ông tìm cách giảm tiếng nói của Messi trong phòng thay đồ, cũng như ảnh hưởng của anh với nhiều quan chức CLB.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2019, hợp đồng Antoine Griezmann chính là để phục vụ cho mục đích này. Bartomeu bỏ qua kế hoạch mua Neymar, người vốn được Messi, Gerard Pique và nhiều trụ cột khác ủng hộ. Bất chấp các cố vấn cảnh báo Griezmann không phù hợp với Barca, Bartomeu vẫn thực hiện việc mua lại hợp đồng của anh với Atletico. Quá trình này khiến Atletico bất mãn, và khiếu nại lên FIFA (Barca may mắn không bị phạt).
Messi cùng với Neymar và Luis Suarez là những nhân tố chính giúp Barca giành cú “ăn 3” mùa giải 2014-15 (cũng là cú “ăn 3” thứ hai trong lịch sử CLB, sau mùa 2008-09). Chiến tích này đã mang đến quyền lực cho Bartomeu. Từ chỗ kế thừa Sandro Rosell phải từ chức vì những gian lận và trốn thuế, Bartomeu gần như chiến thắng tuyệt đối ở cuộc bầu cử năm 2015 sau mùa giải thành công rực rỡ.
Bartomeu cố gắng thoát khỏi danh tiếng của Messi. Ông muốn xây dựng một Barca hoàn toàn khác, theo quan điểm thể thao của mình. Nói cách khác, Bartomeu muốn chứng tỏ ông đủ khả năng tạo dựng Barca chiến thắng những danh hiệu lớn, mà không để phụ thuộc vào vai trò của Messi. Kết quả thế nào? Chính sách này giúp Barca duy trì sự áp đảo ở La Liga, nhưng thất bại nặng nề trên sân chơi Champions League, trước Roma và Liverpool trong hai mùa gần nhất.
Ám ảnh quyền lực
Những gì Bartomeu làm trong thời gian qua thể hiện sự ám ảnh quyền lực. Từng sống trong những cảm xúc đặc biệt trong bầu không khí Berlin năm 2015, ông Bartomeu có tham vọng cùng Barca một lần nữa thống trị châu Âu. Ông làm mọi cách để đạt mục đích, bao gồm cả việc tạo nên vụ “Barcagate” thời gian gần đây. 6 quan chức đồng thời bị ép từ chức (ngoài ra, còn có cố vấn Jaume Masferrer bị sa thải tháng 2/2020), và họ đều là cộng sự đắc lực của Bartomeu.
Ở Tây Ban Nha, thuật ngữ “Cainismo” được giới truyền thông sử dụng để mô tả về Chủ tịch Bartomeu và vụ “Barcagate” (“Cainismo” là thuật ngữ phổ biến ở Tây Ban Nha, dùng để mô tả loại hành vi hung hăng ở một số loài động vật, đặc biệt là các loại chim săn mồi, giết chết chính anh chị em của mình. Thuật ngữ này xuất hiện từ chuyện có trong Kinh thánh, khi Cain giết em trai Abel vì lòng ghen tuông và đố kỵ). Nạn nhân nổi bật của chủ nghĩa “Cainismo” ở Barca hiện tại là Rousaud, người ít ngày trước còn giữ cương vị phó chủ tịch, và là ứng viên cho cuộc bầu cử mùa hè 2021.
Rousaud cùng 5 thành viên khác bị ép từ chức vì họ thỏa hiệp và duy trì môi trường hòa bình với Messi, cũng như các thủ lĩnh khác của Barca. Điều Bartomeu mong muốn không phải là làm hài lòng các cầu thủ trong nỗ lực giảm lương vì Covid-19, mà ban giám đốc phải đứng về ông. Ông Bartomeu cũng muốn điều chỉnh một số khía cạnh trong cuộc bầu cử năm 2021, nhưng không được ủng hộ. Không chỉ vậy, điều mà Bartomeu hướng đến là cuộc chia tay ồn ào vào năm 2021. Ông muốn rời cương vị với hình ảnh của một người chiến thắng, hào nhoáng là một trong những chủ tịch nổi bật nhất lịch sử Barca.
Trước khi vụ “Barcagate” xảy ra khiến 6 quan chức từ chức, trong nhiệm kỳ của mình, Bartomeu đã từng gạt bỏ 5 vị phó chủ tịch khác để củng cố vững chắc quyền lực. Như vậy, trong cơn ám ảnh về quyền lực, Bartomeu đã buộc tổng cộng 7 vị phó chủ tịch phải rời Camp Nou.
Quyền lực làm mờ mắt Bartomeu, và hình ảnh Barca ngày càng trở nên xấu đi.
Ngọc Huy