Chữ Hán bí ẩn trong mộ cổ Ciputra đã được giải mã
(TT&VH) - Ngày 18 tháng 4 năm 2011, trên báo TT&VH số 108, tôi có đăng bài“2 ngôi mộ cổ ở Ciputra có gì?”. Trong bài báo này tôi có viết: “Đặc biệt trong mộ lớn phát hiện được khoảng 40 viên gạch, mà rìa cạnh có chữ Hán (bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”). Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà Hán học nổi tiếng nhưng chưa rõ đây là chữ gì?”.Thật ra, ngay những ngày mới phát hiện thì chúng tôi cũng đã phát biểu với nhiều nhà báo rằng: “Nếu bên trái là bộ “mộc” bên phải là bộ “thổ” thì là chữ “Đỗ”, nhưng điều đặc biệt là chữ nào cũng có thêm một dấu chấm ở bên trái chữ “thổ”, nằm giữa gạch ngang trên và gạch ngang dưới giải thích sao đây thì tôi... bó tay!”
Khoảng trên 20 bài báo giấy và báo mạng đã nhắc lại ý kiến này của tôi và đều nói rằng đây là một bí mật chưa được giải mã. Nhiều người đã theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong số đó có độc giả Phan Anh Dũng - Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên - Huế - người cũng đã từng làm từ điển Hán - Nôm. Trên báo mạng Bee.net.vn, ông viết bài: “Giải nghĩa chữ Hán trong ngôi mộ cổ ở Ciputra”, có đoạn: “Sau một hồi tra cứu trong các từ điển chữ dị thể, tức là từ điển ghi các dạng viết khác nhau, hiếm gặp của chữ Hán thông thường, người viết đã tìm được chữ này trong sách Chính tự thông, bộ mộc, và xác định nó chỉ là một dị thể của chữ “Đỗ” thông thường. Theo sách Chính tự thông (sách Chính tự thông là một tự điển do Trương Tự Liệt soạn cuối đời Minh, niên đại Sùng Trinh (1627 - 1644) trước cuốn Khang Hy tự điển không xa lắm), chữ Đỗ trong “Chung đỉnh văn” (chữ khắc trên chuông, đỉnh đồng) và chữ Triện được viết đảo ngược thành “Đỗ” tức cây đậu là một tên họ phổ thông ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, nhưng chưa xác định được có phải đó chính là gia tộc của chủ nhân ngôi mộ, hay chỉ là hiệu của xưởng chế tác gạch...”.
Khai quật mộ cổ ở Ciputra
Dẫu sao vẫn chưa giải thích được còn cái chấm thì sao? Lúc đầu mới phát hiện tôi cho là lỗi của khuôn, nhưng ý kiến này không chuẩn xác vì nhiều chữ “Đỗ” trong mộ được đúc bằng các khuôn khác nhau và chữ nào cũng có dấu chấm. Có chữ thì chữ “thổ” lại viết như chữ “sĩ” (gạch ngang trên dài, gạch ngang dưới ngắn).
Thật may cho tôi, mới đây GS Phan Huy Lê, cùng đi với người cháu ngoại là Phạm Lê Huy (giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội) lên thăm công trường. GS Phan Huy Lê hết lời khen ngợi những kết quả thu được của đợt khai quật khẩn cấp. Tôi có hướng dẫn GS và ThS Phạm Lê Huy xem các chữ cổ. Mấy ngày sau anh Huy gửi thư cho tôi xác nhận đây chắc chắn là chữ Đỗ.
Chữ Hán cổ trên cạnh bên của viên gạch trang trí mặt trong ngôi mộ lớn ở Đông Ngạc (trái) và Chữ Đỗ và dị bản in trong sách Kim thạch văn tự biện dị. |
Theo tôi, như vậy chữ cổ trong ngôi mộ lớn ở Đông Ngạc đã được giải mã. Đây là họ của người nằm trong mộ hay tên của xưởng sản xuất gạch thời đó. Tôi nghiêng về ý kiến thứ nhất vì rằng người bạn tôi nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành đã tìm thấy một mộ thời Đông Hán ở Hải Dương có những viên gạch xây mộ có chữ “Hoàng” trùng với tên của chủ nhân ngôi mộ nhờ tìm thấy bia của ngôi mộ cổ này mà niên đại cụ thể là Vĩnh Tiến Ngũ niên (130 sau Công nguyên).
Dẫu sao, ý kiến của tôi vẫn chỉ là giả thiết, mong sao được các nhà nghiên cứu cùng thảo luận, chỉ giáo.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường