Chủ động bảo vệ tài sản sáng tạo thời đại 4.0
(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo Bảo vệ tài sản sáng tạo diễn ra chiều 23/4, tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều diễn giả nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hàng ngày trong thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt các sản phẩm giải trí phát triển ngày càng mạnh mẽ dựa trên nền tảng số.
Sự kiện Creation: Value and Protection (Bảo vệ tài sản sáng tạo) do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), AnSinh Group và IPCom Vietnam tổ chức với sự tham gia của các khách mời đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA)… và các diễn giả là những người nổi tiếng đến từ lĩnh vực nghệ thuật, công nghệ, luật pháp.
Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ về quá trình sáng tạo nghệ thuật, các cách thức ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sáng tạo nghệ thuật và đặc biệt việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ này dưới góc độ luật sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả.
Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm và đưa ra những đánh giá về hậu quả của một môi trường đối xử không công bằng với tài sản trí tuệ. Qua đó, hội thảo Bảo vệ tài sản sáng tạo mong muốn chia sẻ thách thức của nền kinh tế số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, các cách thức vượt qua thách thức để sáng tạo và duy trì những sản phẩm chất lượng cao, thu hút công chúng.
Ông Robert Gabor - Tham tán kinh tế đại sứ quán Mỹ nhận định: “Có ý kiến cho rằng, tài sản trí tuệ là một trụ cột phát triển và tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để một quốc gia đạt được sự tiến bộ trong chuỗi cung ứng.
Muốn khuyến khích việc đổi mới sáng tạo, chúng ta cần bảo vệ những người dám đổi mới, đưa ra những ý tưởng sáng tạo và bảo vệ sản phẩm sáng tạo của họ”.
Bà Trần Thị Tám - Giám đốc Công ty IPCom Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia và đang dần trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ của những sáng tạo.
Sản phẩm từ những sáng tạo và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ từ những sáng tạo đã ảnh hưởng một cách sâu rộng tới đời sống con người”.
Trong khi đó, bà Mai Anh - CEO ADT Creative - lại cho rằng, từ rất lâu, khái niệm dùng phần mềm “chùa”, crack rất phổ biến trong xã hội, nhất là với bộ phận giới trẻ. Khi cần một phần mềm, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc lên mạng tìm kiếm để download bản crack trước khi nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua…".
Cho rằng startup công nghệ của Việt Nam hiện nay phát triển rất nhiều nhưng thành công không được bao nhiêu, một phần cũng là vì môi trường chưa có để phát triển, bà Mai Anh khẳng định: “Nếu chúng ta muốn phát triển một môi trường lành mạnh, phát huy được yếu tố sang tạo và trí tuệ của người Việt thì trước hết phải trân trọng công sức của những người làm ra nó. Từ đó, họ mới có động lực để đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để làm ra các sản phẩm hay, mà không phải chỉ đi gia công cho nước ngoài".
- Liên minh châu Âu công bố báo cáo về sở hữu trí tuệ
- Khai trương cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu trí tuệ
- Xuyên tạc thơ và ca khúc ở FPT: Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ!
Tại cuộc hội thảo chiều 23/4, luật sư Quách Minh Trí cũng giải đáp nhiều câu hỏi của báo giới cũng như khách tham dự những câu hỏi liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, luật sư Minh Trí cho hay: “Thách thức lớn nhất khi làm việc với khách hàng về sở hữu trí tuệ là việc tìm kiếm chứng cứ, làm thế nào để chứng minh tôi có quyền sở hữu.
Pháp luật quy định, người đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ phải chứng minh, trừ những vụ việc hành chính và hình sự. Nhiều người tới nhờ luật sư bảo vệ tài sản sáng tạo nhưng lại không trình bày thuyết phục được những chứng cứ đó là thật, có căn cứ”.
Thêm nữa, khi có phán quyết của tòa án rồi, làm thế nào để thực thi các bản án, đó là khó khăn không chỉ ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trên thế giới cũng vậy, có nhiều người khởi kiện chỉ để bảo vệ danh dự của bản thân, dù chi phí có thể rất tốn kém”.
Theo luật sư Quách Minh Trí, sở hữu trí tuệ là “vô hình”, nếu chủ sở hữu không tuyên bố quyền sở hữu thì rất dễ xảy ra tranh chấp, “ông chủ nhà rất dễ trở thành kẻ trộm”.
Để bảo vệ mình, theo luật sư Trí, điều mỗi người cần lưu ý: bảo vệ tài sản sáng tạo là quá trình tuyên bố quyền và được công nhận sở hữu trí tuệ, hãy thể hiện nó dưới hình thức vật chất thay vì chỉ trao đổi ý tưởng hay lời nói với nhau. Tìm hiểu rõ về quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ để hạn chế thấp nhất các mâu thuẫn, tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình sáng tạo.
Thông qua những điều diễn giả chia sẻ trong hội thảo, BTC mong muốn nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, từng bước cải thiện ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ tổ chức chuỗi sự kiện hưởng ứng IP Day 2019, chương trình trải nghiệm điện ảnh (trình chiếu miễn phí bộ phim siêu anh hùng Captain Marvel) cũng được tổ chức tối 23/4 tại Discovery Complex (số 302 Cầu Giấy, Hà Nội).
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia và đang dần trở thành mối quan tâm chung của cả thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ của những sáng tạo. Sản phẩm từ những sáng tạo và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ từ những sáng tạo đã ảnh hưởng một cách sâu rộng tới đời sống con người. Để cổ vũ cho các sáng tạo và bảo vệ cho sự sáng tạo đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã lựa chọn ngày 26/4 hàng năm (ngày mà Công ước WIPO có hiệu lực năm 1970) làm ngày Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Day, viết tắt là IP Day). Tại Việt Nam, để cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Ky (MPA), An Sinh Group và các đối tác hàng năm đều tổ chức các sự kiện cộng đồng thu hút được đông đảo sự tham gia của những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh. |
Tiểu Phong